Nghề vá lưới

|

Đang tay kết vá mành lưới rách, cô Tám Nhàn cất giọng khỏe khoắn, quả quyết: “Riêng về nghề vá lưới, gái mũi biển Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) nổi tiếng nhất cả vùng này đó nghen!”. Thật vậy, khắp nơi từ dải đất Trung Bộ đến miền nam vào tận các mũi biển Kiên Giang, Cà Mau… đâu đâu cũng thấy bóng dáng những phụ nữ Đề Gi hành nghề vá lưới. Họ còn được tôn vinh là những người vá biển, quanh năm tần tảo tha hương làm “bảo mẫu” chắp cánh cho những con tàu vươn khơi.

“Bảo mẫu” tàu cá

Cô Tám Nhàn tên thật là Ngô Thị Nhàn quê ở phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thường ra mũi biển Đề Gi hành nghề vá lưới. Dù đã quá ngũ tuần nhưng trông cô còn khỏe khoắn và trẻ trung. Nghe hỏi đến nghề, Tám Nhàn liền giới thiệu: “Riêng về nghề vá lưới thì ở Đề Gi có đông thợ vá nhất cả miền trung. Dọc mũi biển Đề Gi đếm hết các làng Quang Đông, Vĩnh Lợi, Ngãi An, Hóa Lạc, Chánh Lợi phải có cả nghìn thợ vá lưới đấy!”.

Vài năm trở lại đây, đội tàu cá ở miền trung và khu vực phía nam tăng cả về số lượng lẫn kích cỡ, công suất. Tàu lớn dần thì ngư lưới cụ cũng phải lớn theo để đáp ứng cho những cuộc đánh bắt viễn dương. Các chủ tàu chi ra hàng tỷ đồng để sắm lưới với đủ kích cỡ, loại lớn nhất dài đến 100 sải (200 m), rộng 2.500 m2. Để sở hữu được vàng lưới khổng lồ như vậy, chủ tàu phải nhờ đến những đội vá lưới cả trăm người. Những người thợ vá cần mẫn làm việc suốt cả tuần lễ, thậm chí cả tháng trời mới vá xong một vàng lưới loại lớn. Lưới đánh cá khi ra biển thường đụng phải gành đá, chà rác, xác tàu đắm hay bị những con cá lớn có gai đâm phá hư nát, cũng phải nhờ đến các “bảo mẫu” vá lưới. “Ra biển, vàng lưới như vật quý trên những con tàu. Lưới cá muốn đánh bắt được lâu bền đều nhờ hết vào những người thợ vá lưới. Bởi vậy, nhắc đến nghề biển mà không kể về những người vá lưới thì thiếu sót vô cùng. Họ như những cánh tay phải đắc lực, chắp cánh cho tàu của chúng tôi yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền…”, lão ngư Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS chia sẻ.

Hôm rồi, tàu cá số hiệu BĐ 93668 TS của anh Lê Thái Tần (42 tuổi, xã Cát Khánh) vừa hoàn thành chuyến đánh bắt ở vùng biển Trường Sa trở về cập cảng Đề Gi. Chủ tàu Tần than, chuyến đánh bắt thất thu do vàng lưới của anh bị kéo rách mất hàng chục tấm lưới, tổn thất hơn 100 triệu đồng. Vừa về đến cảng, anh Tần sốt sắng gọi điện ngay cho đội vá lưới của cô Nhàn nhờ giúp đỡ. Dù cũng bận trăm công nghìn việc nhưng vì nghĩa tình gắn với chủ tàu đã lâu nên cô Nhàn huy động toàn đội gồm 13 phụ nữ đến giúp. Cô Nhàn kể, cô vá lưới và làm “bảo mẫu” cho con tàu của anh Tần đến nay đã 20 năm rồi. Vá lưới từ hồi anh Tần mới còn là một cậu thanh niên, giờ đã có vợ con. Từ hồi anh còn theo con tàu bé tí ra biển, nay đã ăn nên làm ra và đóng được tàu cỡ bự. Trong tổ vá lưới Tám Nhàn, thợ vá lưới Lê Thị Phân (40 tuổi), góp chuyện: “Ở đây mọi người hay gọi Tám Nhàn là sư phụ vá lưới đấy. Thực ra nghề nào cũng vậy, đều có tổ tông, gốc gác hết. Vá lưới cũng là một nghề tồn tại từ bao đời nay của chị em làng biển”. Như lời của các thợ vá lưới ở Đề Gi này thì nghề vá lưới bắt đầu từ khi những con tàu gặp biển và tàu càng vươn khơi xa thì nghề vá càng quan trọng…

Hằng năm, các đội vá lưới ở khu vực biển Đề Gi thường đi rất nhiều tỉnh để hành nghề. Thường thì mùa vá tập trung vào những tháng trăng sáng, khi những con tàu no cá trở về nghỉ biển. Riêng đội vá lưới của Tám Nhàn thì đi quanh năm suốt tháng ở rất nhiều vùng biển. Từ tháng 12 đến tháng 1 họ vá lưới cho đoàn tàu cá ở Bình Định. Ra giêng, hai thì vá cho đoàn tàu cá ở Thừa Thiên Huế, đến tháng 3 trở ngược vào các mũi biển Phú Yên, Khánh Hòa rồi Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau… Tôi hỏi: “Đi nhiều như thế thì chồng con tính sao?”. Tám Nhàn liền đáp: “Nghề này cũng “kén chồng” lắm! Ở mũi Đề Gi này, số nhiều phụ nữ hành nghề vá lưới vì đeo đuổi nghề mà khiến cho mối quan hệ gia đình rạn nứt. Có người do áp lực từ chồng con đành phải bỏ nghề, còn có người đeo nghề thì bỏ chồng. Nhiều thợ vá trẻ hành nghề này khó khăn hơn nên đa số bỏ nghề hoặc làm việc đứt quãng”. Cá nhân cô Tám Nhàn cũng vì đi nhiều nên từ hồi trẻ đành phải chia tay chồng. Từ đó đến nay cô không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng nên ở một mình nuôi con khôn lớn…

“Bảo mẫu” của những con tàu đang dùng nhang để vá lưới cho đoàn tàu cá trở về từ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.  

Ăn lưới, ngủ tàu…

Cùng đội vá lưới với chị Tám Nhàn có cô Nguyễn Thị Đồng (56 tuổi, thôn Quang Đông, xã Cát Khánh) với 40 năm hành nghề vá lưới. Cô Đồng kể, năm 16 tuổi đã theo những đàn chị học nghề. Nghề vá lưới, xây mành này đòi hỏi tính chuyên môn khá cao. Nó như xây một ngôi nhà vậy, việc đặt những viên gạch đầu tiên hết sức quan trọng. Người mới nhập môn sẽ được đàn chị dẫn dắt đào tạo, chỉ nghề khoảng một năm mới ra đời bôn tẩu được. Vá lưới khó nhất là công đoạn bắt moi lưới tét và xây mành. Hầu hết các thợ lưới ở mũi Đề Gi này đều có “môn phái” riêng (khoảng 10 đến 20 người)…

Vùng đất Nam Trung Bộ vào mùa khô năm 2020, nắng như đổ lửa. Quá trưa một ngày đầu tháng 6, mọi người tại cảng Đề Gi lẩn đi trốn nắng. Đoàn tàu cá ì ạch dịch chuyển sâu vào cảng cá nghỉ mát. Nhưng ở một góc cảng, tổ vá lưới của Tám Nhàn vẫn hăng say khâu vá lại vàng lưới rách cho chủ tàu Tần. Những bàn tay phụ nữ khéo léo sương kết lại từng lỗ rách dày chi chít trên vàng lưới khổng lồ mầu đỏ tươi. Biển giã với những rách mướp đều được bàn tay của các thợ vá kết vá lại ngay ngắn, tươm tất. Thời gian của các thợ vá lưới được tính bằng những tuần hương (đốt cháy một cây hương từ 45 - 60 phút), mỗi ngày 6 - 8 tuần hương. Cô Nhàn giải thích: “Thực ra thì việc vá lưới bằng hương đã có từ nhiều thế hệ vá lưới trước kia lưu lại. Nén hương dùng để đốt mấu lưới, làm cho mấu vo gọn lại mà không bị toe sợi lưới. Ngoài ra, từ xa xưa, cũng có thể hình thức này nhằm để cầu may cho những con tàu vươn khơi xa đánh bắt”.

Đang tay cầm cây hương để đốt mấu lưới, cô Đồng tâm sự: “Những tháng đi vá lưới ở miết trong Kiên Giang, chúng tôi phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Nhất là vào vụ cá chính thì các thợ vá lưới ngủ rất ít, đêm chỉ ngủ hai ba tiếng để tranh thủ may vá kịp lưới cho các con tàu vươn khơi. Có hôm chủ tàu cần vá nhanh để kịp chạy biển, chị em đành phải thức khuya dậy sớm để vá lưới. Đêm xuống vá đến khuya, mệt lả người, chị em lăn ra ngủ giữa tàu, lấy lưới cuộn làm chăn để đắp. Sáng dậy lại ngồi vá tiếp”. Cô Đồng gọi những ngày như thế là “ăn lưới ngủ tàu”. “Ngoài thợ vá lưới, tụi cô còn làm thêm nghề thợ đụng nữa. Nghĩa là đụng gì làm nấy. Từ xẻ mực, lặt tôm, lặt đầu cá cho các chủ nậu đến cào ốc, cạy hàu, làm thuê, làm mướn…, đều làm tuốt tuột”, cô Nhàn kể.

Những khi tha hương vá lưới cho thiên hạ, các thợ vá cũng thường gặp rất nhiều nguy hiểm. Như hôm rồi, đội vá lưới của cô Nhàn có một thợ vá chết đuối khi đang làm thuê cho một chủ tàu ở Kiên Giang. Chị ra đi để lại hai con thơ dại cho chồng. Mắt trầm buồn, Tám Nhàn chùng giọng: “Sinh nghề tử nghiệp thôi chú à! Trời cho mỗi người một thứ nghề, nó như danh phận của họ vậy. Biển giã vẫn cứ tồn tại đó thôi và ngày càng phát triển nữa chứ. Nghề biển càng ăn nên làm ra thì tụi cô càng vui, càng hăng say làm việc. Bởi, dù sao thì số phận của chúng tôi cuối cùng phải gắn chặt với những con tàu, gắn lấy nghề vá biển này…”.