Ai mài dao, mài kéo...

|

Ngần ấy lời thôi nhưng khiến cho người nghe phải để tâm khi con dao, cái kéo trong nhà đã không còn sắc bén.

Nghề sẽ đến

Một người nước ngoài sống ở Hội An (Quảng Nam) phàn nàn rằng, tôi ra chợ mà không tìm thấy người mài dao, mài kéo. Lưu tâm lời nói đó, tôi cũng từng lượn vài ba cái chợ nhưng đúng thật là không gặp.

Một lần đang đi trên đường thì nghe được lời rao “ai mài dao, mài kéo, thay cán dao… không”. Tôi đứng lại, nhìn theo chiếc xe máy cũ gắn loa rồi chạy dạo phố phường với lời rao lặp đi, lặp lại. Nghe thì nghĩ, đây là một nghề của mọi nhà, vì muốn có một món ăn ngon không những thực phẩm tốt, gia vị tẩm ướp sẵn sàng, bí quyết tẩm ướp hay ho mà điều tiên quyết cho sự hoàn hảo phải là một con dao sắc bén.

Rồi, bữa nay tôi nhận lời người bạn đưa dao đi mài. Tôi ra đường Trần Nhân Tông (Hội An) đón thợ mài dao ngang qua. Đứng đợi vô thời hạn cũng là lúc ký ức trở về. Nhớ bữa xưa, ngày bé, bị phân công ra đường đứng đón thợ mộc, thợ đóng cối xay lúa, thợ bật bông, thợ hàn xoong nồi… Giờ đây, những nghề đó đã mất. Còn nghề mài dao, cứ nghĩ sẽ tồn tại cho đến khi người người, nhà nhà tới bữa được phát một gói thức ăn, rồi tùy ý, người ngồi ăn với máy tính, người ngồi ăn với ti-vi, người đứng hoặc nằm ăn với điện thoại.

Nhưng đến lúc đó cũng còn quá xa. Nên nghề mài dao vẫn còn “đất sống”.

Đứng lâu, dòng xe cộ ồn ào, mãi mới nhận ra tiếng rao mài dao khi họ đã đi quá chỗ mình mấy chục mét. Gọi lại, anh mài dao dừng xe, ngoái đầu nhìn, tưởng mình gọi đùa. Vẫy tay, kêu lần thứ hai, thứ ba… rất tha thiết, anh ta mới quay đầu xe lại.

Hạ chân chống, tôi đưa gói giấy có bốn con dao, một cái kéo, anh thợ xem kỹ, buông lời, toàn dao Nhật Bản, dao Thailand. Ngả giá, hạ đồ nghề làm việc cũng là lúc tôi xem kỹ hơn những thứ đèo trên xe. Đó là một giá hàng nặng chịch gồm nhiều loại dao cán dài, dao cán ngắn, dao lưỡi thẳng, dao lưỡi cong, liềm cắt cỏ và nhiều dụng cụ cầm tay dùng để làm vườn, toàn hàng địa phương sản xuất, nó không bóng sáng loáng như hàng siêu thị. Tất cả đều được nêm cán gỗ, cán tre vừa vặn, chắc nịch.

Qua lần mài dao đó, tôi thoát cảnh đợi ngoài đường mà chỉ cần hẹn thôi.

Đoàn Văn Cường là một người mài dao hay đi qua đoạn đường đó. Cường quê nghề rèn, làng Minh Khanh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Cường cất tiếng khóc chào đời bên lò than đỏ rực. Cường được gia đình đào tạo nghề rèn. Cường biết rõ miếng sắt nào rèn ra con dao, cái liềm, miếng sắt nào rèn ra lưỡi cuốc, lưỡi xẻng. Nhưng những năm 2011 trở đi, nghề rèn của làng đi đến chỗ gần như không có việc làm, nguyên nhân sản phẩm làm ra càng ngày càng ế.

“Em vào Sài Gòn làm công nhân cũng gặp người làng vào đó mài dao thuê, bán dao dạo. Nhưng em đã nghĩ mình sẽ không làm nghề đó vì nghĩ nó không thuận lợi trong cuộc sống tiêu dùng hôm nay, giờ ai cũng dùng dao Nhật Bản, dao Thailand, dao Trung Quốc”, Cường nói.

Giữa năm 2021, Cường cùng nhiều người phải bỏ thành phố lớn về quê. “Lúc đó cứ nghĩ về quê cho yên ổn, về quê để sống, còn công việc kiếm sống chứ cũng chưa nghĩ được sẽ phải làm gì”, Cường kể: “Quay lại với nghề rèn cũng khó vì ngày trước ba của em quai búa, má em kẹp lưỡi dao lật đều mặt trên đe. Nay, ông bà đã già, không làm được việc đó nữa. Vợ em lại là người nơi khác không biết việc nghề rèn”.

“Nghề rèn ở quê cũng mai một vì thị trường tiêu thụ đã thu hẹp rất nhiều. Dao kéo từ các làng rèn không đủ độ sáng loáng như dao kéo được sản xuất từ các máy công nghệp, họ dùng thép i-nox chứ không phải thép tận dụng”, Cường cho hay.

Khi cuộc sống trở lại bình thường, những trai quê đã có gia đình, tuổi đã ngoài 30 giống như Cường, để quay lại thành phố lớn kiếm việc làm là sự đắn đo. Nhưng những tháng năm sống ở thành phố lớn cũng đã mang tới một gợi ý hay, đó là nghề bán dao dạo, mài dao thuê không cần nhiều vốn và thu nhập có thể đo đếm luôn sau mỗi ngày chạy ròng huyện lỵ, thị xã, thành phố.

Mài dao dạo phố Hội An.

“Ngón nghề” mài dao

Trong ca dao có câu đố: “Có lưỡi mà hóa ra câm/không mắt mà liếc cả trăm ngàn người”, đáp án là con dao. Để hiểu rõ, thấy hết từ “liếc” này nhất, mời bạn ra hàng thịt ở chợ. Các chị, các mẹ bán thịt, mồm chuyện, mắt tia khách vào chợ từ xa, tay liếc con dao như múa. Người giỏi bán thịt, nhìn họ liếc dao biết liền, lưỡi dao liếc luôn hướng về phía họ, chuẩn không cần chỉnh luôn. Khách hàng không có cảm giác bị hăm dọa bởi cú liếc dao quá đà. Cái này là trực giác nghề nghiệp đào tạo nên, không có trường lớp nào dạy dỗ được.

Thế còn những người mài dao kiếm sống thì nghề riêng ra sao?

Ông Lâm Văn Quảng, mài dao ở chợ Đầm (Nha Trang, Khánh Hòa) khái lược rằng, nghề này phải gọn. Ông Quảng kể chi tiết: “Mỗi buổi sáng có vài chục khách hàng. Mình mở từng gói một, ngâm vô xô nước cho gỉ sắt mềm ra. Con dao nào vênh lưỡi, tòe mũi mình phải rà lại trước, mài sau. Mài xong lau khô, gói lại. Khách hàng sẽ nhận ra bao gói của họ đem tới, rồi gửi tiền mình”.

“Mài dao xong mà để tơ hơ trước mặt cũng nguy hiểm vì có đám cãi lộn, hung hăng vô cướp dao của mình. Tui đề phòng điều đó”, ông Quảng cho hay.

Nói trải nghiệm tương tự, ông Nguyễn Văn Toàn, cũng làm nghề mài dao dạo cùng quê với Cường, kể: “Tui đi mài dao dạo ở thành phố Thủ Đức, Thuận An, Dĩ An… Lần đó đang mài cho khách thì có đám thanh niên đánh lộn. Chúng chạy tới xe tôi rút mớ dao cán dài rồi rầm rập rượt đuổi nhau. Hết hồn. Lần sau tôi thường đậu xe vào chỗ kín đáo, khuất tầm mắt. Đi đường tránh đám đông, chiều về tránh xa quán nhậu”.

Ba năm qua, Cường làm nghề mài dao kéo, bán dao dạo từ quê đến phố Hội An rồi trở lại quê nhà khi đã bán hết hàng. “Có người chỉ gọi mài dao nhưng trong lúc chờ đợi lấy dao. Họ xem hàng rồi hỏi công dụng và mua để chặt cành cây, làm luống hoa. Bán cho khách hàng này cũng ít khi bị họ mặc cả”, Cường cho hay.

Nhưng làm thế nào để biết được khách hàng khá giả? Cường cho hay: “Nhìn dao, nhìn kéo là biết. Khách dùng dao ngoại, kéo ngoại bao giờ cũng sáng loáng. Kéo làm vườn cũng là kéo Nhật Bản nhập khẩu. Căn cứ vào đó, nói giá cao hơn, họ gặp mình là họ mừng. Nhất là khách hàng người nước ngoài lại càng không đắn đo giá cả”.

Nhiều người đã từng mài dao ngồi cố định ở chợ Hội An, cho biết, khách hàng ở chợ đa phần là người buôn bán, người địa phương không lấy được giá cao, cộng với chuyện nhiều người mài dao, kéo đi dạo họ đã lấy mất khách của họ. Theo đó, họ không ngồi ở chợ nữa, hoặc là bỏ nghề, hoặc là đi mài dạo, như Cường.

Cũng là một bước chuyển đổi thích nghi.