Đề xuất mức thu phí mới
Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có thu phí làm bãi giữ xe công cộng, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và đỗ xe dưới lòng đường. Trong đó, có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng; 112 tuyến cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 73 tuyến cho phép đỗ xe dưới lòng đường.
Thế nhưng, theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố không còn phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Cụ thể, mức thu phí sử dụng hè phố được áp dụng theo Quyết định số 964/QĐ - UB năm 1991 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, với mức 12.000 đồng/m2/tháng. Còn đối với việc thu phí tạm dừng đỗ xe ô-tô trên lòng đường được áp dụng theo Quyết định số 245/QĐ - UBND năm 2005 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tại quận 1, 3 và 5 triển khai theo hình thức phiếu thu tính theo lượt, với mệnh giá 5.000 đồng/xe/lượt. Từ đây phát sinh nhiều trường hợp lợi dụng để biến lòng đường thành bãi đỗ xe, thời gian kéo dài cả ngày và tiếp diễn trong thời gian dài, gây mất trật tự đô thị, quá tải hạ tầng và thất thoát ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chế độ thu nộp nói trên không còn phù hợp Luật Phí và Lệ phí, cũng như các văn bản hướng dẫn về phí và lệ phí do Nhà nước ban hành.
Làm thế nào để khai thác lòng đường, vỉa hè có hiệu quả hơn.
Để phù hợp tình hình hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất mức thu phí mới cho việc sử dụng tạm thời hè phố làm bãi giữ xe công cộng, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số dịch vụ khác. Theo đó, tại quận 1 là 100.000 đồng/m²/tháng; quận 3 là 80.000 đồng/m²/tháng; quận 5 là 50.000 đồng/m²/tháng; quận 10 là 45.000 đồng/m²/tháng; quận Phú Nhuận là 40.000 đồng/m²/tháng; quận 11 là 35.000 đồng/m²/tháng; quận 4 và Bình Thạnh là 30.000 đồng/m²/tháng; quận 6 và Tân Bình là 25.000 đồng/m²/tháng; các quận 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ là 20.000 đồng/m²/tháng.
Đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất áp dụng cho xe ô-tô từ 10 chỗ ngồi trở xuống, với mức phí tối đa khu vực một (quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận) là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày (từ 5 giờ đến 21 giờ) và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm (từ 21 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau); các quận, huyện còn lại là 15.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 30.000 đồng/xe/lượt ban đêm. Đối với xe ô-tô trên 10 chỗ, mức phí tối đa khu vực một là 25.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 50.000 đồng/xe/lượt ban đêm; các khu vực còn lại là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm. Tất cả nguồn thu trên sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Nên giao cho tư nhân đứng ra thu phí
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, việc thu phí trên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, tạo bộ mặt đường phố ngăn nắp, mỹ quan đô thị, đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố và có nghĩa vụ đóng góp chi phí cho ngân sách nhà nước, góp phần duy tu, bảo dưỡng đường bộ, bến bãi…
Với đề án trên, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đề xuất ý kiến, TP Hồ Chí Minh nên giao cho một đơn vị đứng ra thu phí nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo khi thực hiện. Đồng thời, không nên phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí, bởi như vậy sẽ làm cho bộ máy cồng kềnh, ngân sách nhà nước lại phải “nuôi” thêm bộ phận không nhỏ phục vụ công tác này. Chưa kể, còn rất dễ xảy ra tình trạng mỗi nơi thu phí một kiểu gây khó khăn cho công tác quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhà nước nên tổ chức đấu thầu để các đơn vị tư nhân có thể tham gia công tác thu phí. Từ đó, cơ quan nhà nước dễ quản lý, công tác thu - chi minh bạch và công khai, nhất là giảm gánh nặng về nhân sự và ngân sách nếu cơ quan nhà nước đứng ra đảm nhận công việc này”, TS Phạm Sanh góp ý.
Còn theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố cần tính toán mức thu phù hợp để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước với người dân, bởi nếu mức thu cao sẽ gây nhiều khó khăn và phản ứng của người dân, còn thấp sẽ gây thất thoát ngân sách. Cùng với đó là công tác khảo sát, đánh giá cũng như tính toán chi tiết cho phù hợp từng khu vực là thước đo cho sự hiệu quả khi áp dụng.
TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho hay, khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện nay rất quá tải về hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường đã trở nên chật chội. Vì thế, nếu triển khai thu phí nên cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho xe gắn máy; còn xe ô-tô, thành phố nên đưa ra các giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi để xe. Đây vừa là bước đi lâu dài, vừa giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng. Về mục đích thu phí, TS Nam Sơn cho rằng, nguồn thu nên sử dụng vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng; cải tạo cảnh quan đô thị, trồng cây xanh hay các mục đích công cộng khác tại khu vực hay tuyến đường tổ chức thu phí, để người dân thấy rõ hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp và văn minh.
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung quan điểm, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh chỉ nên quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật như: cho phép từng khu vực, tuyến đường được phép thu phí tạm thời với diện tích bao nhiêu để phù hợp với không gian từng địa điểm. Còn việc quản lý và giám sát công tác thu - chi nên giao cho Sở Tài chính; các quy định liên quan khu vực được phép tổ chức buôn bán, kinh doanh các dịch vụ thì nên để Sở Công thương TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án. Ngoài ra, các Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến Trúc, Kế hoạch và Đầu tư… cũng nên tham gia trong việc xây dựng đề án. Cùng với đó, cần lắng nghe sự góp ý và phản biện từ mọi thành phần xã hội, để đề án đạt hiệu quả cao.
Dự thảo quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Bảo đảm chiều rộng vỉa hè còn lại tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; vỉa hè sử dụng phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa phải có chiều rộng tối thiểu là 5m; phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ hai làn xe cơ giới cho một chiều đi; vỉa hè sử dụng để trông giữ xe có thu phí phải bảo đảm có chiều rộng tối thiểu 3m (đối với xe hai bánh), 4m (đối với xe ô-tô) và chiều rộng vỉa hè còn lại tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; sử dụng trông giữ xe có thu phí bảo đảm phần lòng đường còn lại dành cho các phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ hai làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ cho một chiều đi.