Chính quyền chưa quyết liệt!

|

Nạn “cát tặc” tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn các xã phía nam lòng chảo Mường Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Thực trạng này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa khiến nhân dân và chính quyền địa phương vô cùng bức xúc.

Công khai và ngang nhiên hoạt động

Theo chỉ dẫn của chị VTD, người từng có thời gian làm cát trên địa bàn xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, chúng tôi đi dọc sông Nậm Rốm từ xã Thanh Xương đến cuối xã Noong Luống. Các điểm “cát tặc” nằm công khai giữa thanh thiên bạch nhật và hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Không như nhiều tỉnh, thành phố khác, “cát tặc” ở huyện Điện Biên đóng máy vào điểm cố định ngay bờ sông Nậm Rốm hoặc nằm giữa trung tâm bãi bồi trong cánh đồng ven sông. Trên đoạn đường hơn ba km theo bờ sông, chúng tôi đếm được gần 20 điểm khai thác cát không phép như thế.

Ngang nhiên nhất là các điểm khai thác cát không phép tại các đội 17, 18, 19 xã Noong Hẹt và các đội 14, 18, 19, 21 xã Noong Luống. Mỗi ngày, đoạn đường vào các đội 14, 18, 19 có hàng chục xe tải nối đuôi nhau chở đất, cát đi nơi khác cuốn theo đất bụi mù trời. Cách đó không xa, giữa lòng sông, điểm giao nhau giữa hai xã, có mấy “vòi rồng” đặt bên xã Noong Luống nhưng lại vươn sang hút cát đổ về đất Noong Hẹt. Nhiều năm rồi, chính quyền hai xã chẳng thể làm gì với kiểu khai thác này. Dân bức xúc quá thì chính quyền xã Noong Luống lại ra quân truy quét; còn chính quyền xã Noong Hẹt chỉ “làm ngơ” vì cho rằng họ không khai thác bên phần đất của mình nên không thể xử lý!

Và các ông chủ cát, mỗi ngày một giàu hơn. Ban đầu vốn nhỏ người ta sắm máy nhỏ, sau vốn lớn sắm máy lớn rồi sắm thêm vài máy hút cùng một thể… cho bõ công coi máy. Một số ông chủ cát đã mua thêm các bãi màu của người dân chung quanh, ban đầu cũng “trồng màu” nhằm che mắt thiên hạ và sau chuyển sang khai thác cát. Như nhà ông Cà Văn Duân, đội 18 (xã Noong Hẹt), ban đầu chỉ có một máy hút cát trên đất màu nhà mình, sau sắm liền lúc thêm hai máy nữa thành ba máy, hút cả đất nhà mình lẫn đất ven sông. Khu hút cát của gia đình Cà Văn Duân được khoanh vùng kiểu “lô-cốt” riêng biệt; chỉ người nhà Duân và mấy người mua cát quen mặt mới được phép ra vào.

Bên địa bàn xã Noong Luống, chủ cát nào “tế nhị” hơn thì đặt máy vào giữa bãi ngô chứ không chình ình ven sông. Có người đào hết cát cũng bỏ ít công san lấp các hủm để được cán bộ địa chính xã ghi nhận “có ý thức khắc phục hậu quả môi trường” rồi tiếp tục… tái phạm bên bãi màu khác. Bởi thế mà bãi màu ven sông Nậm Rốm chảy qua địa bàn các đội 18, 19, 20, 21 xã Noong Luống cứ lồi lõm, chằng chịt như tấm áo vá. Sông Nậm Rốm bị biến dạng; một số diện tích cây trồng đã bị sạt lở xuống lòng sông, dòng nước đục ngầu nhưng không phải đậm mầu phù sa mà mang mầu đất mới với cây trồng.

Đáng lo ngại hơn là hoạt động khai thác cát đang dần làm thay đổi dòng chảy của sông Nậm Rốm, mỗi mùa mưa lại tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở nghiêm trọng đe dọa nhà cửa, cây trồng của người dân hai bên bờ. Những con đường được đầu tư từ các chương trình, dự án, như: Chương trình 135, nông thôn mới đưa vào sử dụng chẳng bao lâu, nay đã bị “cày xới” với chi chít ổ voi ổ gà; mỗi ngày đường phải “gồng” mình gánh trăm chuyến xe qua. Mưa lầy nắng bụi, nạn khai thác cát đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi này.

Xã bức xúc, xã lại thờ ơ!?

Theo thông tin của UBND huyện Điện Biên, trên địa bàn huyện chỉ có bốn DN được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có hai DN đã hoàn tất thủ tục và đi vào khai thác là DN thương mại tư nhân Nam Sơn và Công ty TNHH vật liệu và xây dựng Phương Bắc, được phép hoạt động tại điểm mỏ hai xã Pom Lót, Noong Luống; hai DN khác mới đang hoàn thiện thủ tục thuê đất, nên theo quy định chưa đủ điều kiện hoạt động khai thác. Như vậy, về mặt pháp lý thì hiện tại toàn huyện Điện Biên chỉ có hai DN được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và đủ điều kiện khai thác cát, vậy nhưng trên địa bàn các điểm khai thác cát cứ nhan nhản và hoạt động công khai. Vì không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí môi trường, chi phí thăm dò, khảo sát... nên giá cát của các điểm này luôn thấp hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/khối so giá bán của hai DN được cấp phép. Các ông chủ “cát tặc” hoạt động tùy thích, đơn giản là chủ cát thỏa thuận với chủ đất là xong. Quá trình khai thác, chủ cát còn được chủ đất cảnh giới, bảo vệ kiểu “cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích của nhau”. Còn nhân dân, bà con biết cả cách bán - mua của chủ đất - chủ cát; bà con cũng biết cả hệ lụy khai thác cát ven sông hay trong những bãi bồi, nhưng sợ bị trả thù chẳng ai dám nói ra. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn, bức xúc quá bà con mới kiến nghị chung chung về thực trạng chứ không thể gọi mặt chỉ tên.

Thuộc làu họ tên và địa bàn hoạt động của từng chủ cát lậu trong phạm vi xã mình quản lý, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, vẻ mệt mỏi khi đề cập hoạt động “cát tặc” trên địa bàn. Thừa nhận thực trạng này nhiều năm, ông Kha cũng cho biết, càng gần đây “cát tặc” càng nhiều hơn vì nhu cầu xây dựng tăng, các công trình nông thôn mới trên địa bàn nhiều. Lợi nhuận từ khai thác cát không phép lớn, trong khi chi phí đầu tư ít nên các biện pháp kiểm tra, tịch thu máy và xử phạt hành chính của chính quyền dường như không mấy hiệu quả. Theo cách tính của ông Kha, để đầu tư một máy hút cát, người ta chỉ cần bỏ ra một khoản từ 80-100 triệu đồng thì mỗi năm thu về vài trăm triệu. Do vậy, nay bị thu máy thì ngày mai người ta sẵn sàng bỏ tiền mua máy khác làm tiếp. Thế nên, kho tang vật của UBND xã Noong Hẹt cứ ngày một nhiều hơn những cục máy nằm chỏng chơ chờ ngày… được thanh lý sắt vụn. Còn mức phạt hành chính năm triệu đồng/lần vi phạm chả thấm vào đâu so với lợi nhuận kếch xù nên người ta quen với việc được phạt và sẵn sàng nộp phạt khi hay tin có đoàn kiểm tra về thực tế địa bàn(!?).

Chung thực trạng ấy, nhưng với ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống, vẻ bình thản hơn. Biết rõ DN nào được quyền khai thác cát trên địa bàn xã Noong Luống, ông Pọm còn đọc tên năm ông chủ “cát tặc” hoạt động trên địa bàn đã nhiều năm nay. Trả lời câu hỏi vì sao không thể dẹp “cát tặc”, ông Chủ tịch UBND xã chỉ ậm ờ và nói rằng: “Khó! Đoàn ra kiểm tra người ta dừng; đoàn về người ta lại hút cát, trong khi xã ít người, không thường xuyên đi kiểm tra được”. Ấy vậy mà cách trung tâm xã vài trăm mét, cơ sở hút cát của ông Quàng Văn Khọi, Nguyễn Văn Hinh… vẫn hoạt động công khai. Lúc đưa chúng tôi đến địa bàn (16 giờ, ngày 5-6), nữ cán bộ địa chính xã Nguyễn Thị Diễm Hương còn cố giải thích “bãi này người ta tận dụng mấy năm xong sẽ san gạt trả lại mặt bằng” chứ không buôn bán gì cả. Trên đường liên thôn, từng đoàn xe tải chở cát vẫn nối đuôi chạy rầm rầm lấn đường xe chở lúa của nông dân.

Được biết, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, thường xuyên kiểm tra các khu vực dọc bờ sông Nậm Rốm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác cát trái phép. Tới đây huyện sẽ kiên quyết giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định phân cấp trách nhiệm “xã nào để xảy ra khai thác cát trái phép, Chủ tịch xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, chứ không thể chỉ giao quyền và trách nhiệm chung chung như thời gian qua.

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên: Tại một số xã như: Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót, còn nhiều đối tượng khai thác cát trái phép. Đáng lo ngại là các đối tượng khai thác cát lậu lại được một số người dân quanh khu vực bảo vệ nên cơ quan chức năng khó tiếp cận. Nhiều lần đoàn thanh tra huyện về địa bàn thì các điểm mỏ khai thác cát vắng tanh; không hoạt động cũng chẳng có công nhân. Nhưng khi đoàn kiểm tra rời đi còn chưa hết cánh đồng thì cuối đường máy lại rậm rịch hút cát phun lên trời!