Thiệt hại nặng nề
Mới đây nhất là vào ngày 30-10-2018, bà Hồ Thị Nhã sinh năm 1979, trú tại thôn 6, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc đi thăm vườn tiêu của gia đình thì phát hiện có tới 111 trụ trong tổng số 200 trụ tiêu năm thứ năm bị kẻ xấu chặt ngang gốc, ước tính thiệt hại trên 50 triệu đồng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình bà Nhã đã trình báo chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đến xác minh hiện trường, làm rõ. Bà Nhã cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở địa phương không có mâu thuẫn hay thù hằn gì với ai, nhưng không biết vì sao họ lại phá hoại vườn cây trồng của gia đình gây thiệt hại nặng nề như vậy”. Nhiều năm trước, gia đình bà Nhã thuộc diện khó khăn tại địa phương, hai năm gần đây nhờ vào nguồn thu nhập từ 200 trụ tiêu này, gia đình bà đã thoát nghèo, nay bị kẻ xấu phá hoại hơn một nửa vườn tiêu đẩy gia đình bà vào nguy cơ tái nghèo là rất lớn.
Trong khi vụ việc phá hoại vườn tiêu của gia đình bà Nhã chưa tìm ra thủ phạm thì chỉ một ngày sau đó, ngày 1-11-2018, gia đình ông Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1964, trú cùng thôn 6, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar cũng đến trình báo cơ quan chức năng về việc hàng trăm trụ tiêu của gia đình ông nghi bị “đầu độc” chết dần, chết mòn, trái và lá rụng hàng loạt. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu của gia đình đang khô héo dần, ông Cường hoang mang cho biết: “Gia đình tôi trồng được một ha tiêu với 1.500 trụ đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm thu được hơn ba tấn tiêu hạt. Tuy nhiên, vào ngày 1-11 vừa qua, tôi ra thăm vườn thì thấy nhiều trụ tiêu bị rụng trái và lá hàng loạt. Sau khi kiểm tra ở gốc tiêu, tôi phát hiện có hai loại hột mầu trắng và mầu vàng được vùi lấp dưới những gốc tiêu này. Nghi ngờ có kẻ xấu cố tình hủy hoại vườn tiêu của gia đình mình nên tôi đã đến cơ quan chức năng trình báo. Cho đến hôm nay, có khoảng trên 600 trụ tiêu của gia đình tôi đang bị rụng lá và trái, chết dần, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Theo ông Cường, việc vườn tiêu của ông bị hủy hoại chỉ xảy ra sau vài ngày gia đình ông nhận tiền đặt cọc bán đất. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 10-2018, gia đình có rao bán một ha đất nói trên. Thời điểm này, vợ chồng bà Nhã cùng với một người quen đến hỏi mua chung lô đất này. Đồng thời, một người dân khác trú cùng địa phương cũng đến hỏi mua đất. Tuy nhiên, do gia đình bà Nhã trả giá cao hơn nên gia đình ông đã bán đất cho bà Nhã. Đến ngày 24-10, gia đình ông nhận tiền đặt cọc mua đất của gia đình bà Nhã thì đến ngày 30-10, vườn tiêu của gia đình bà Nhã bị chặt gốc và ngày 1-11 vườn tiêu của gia đình ông bị chặt phá, hủy hoại.
Phó trưởng Công an xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc Hồ Quang Toàn cho biết: Việc phá hoại vườn tiêu đã gây thiệt hại nặng nề cho hai hộ dân nói trên. Sau khi xảy ra sự việc, không chỉ hai gia đình ông Cường, bà Nhã mà người dân địa phương hết sức hoang mang, lo lắng. Vì đây không phải lần đầu.
Trước đó, vào ngày 25-2-2018, vườn cà-phê của gia đình ông Võ Đình Hồng, trú tại thôn 7, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc cũng bị kẻ xấu chặt phá hơn 300 cây, gây thiệt hại nặng nề. Diện tích cà-phê này được gia đình ông trồng tái canh năm 2016, đang trong chu kỳ ra hoa vụ đầu tiên. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồng không cầm được nước mắt nói: “Để kiến thiết được vườn cà-phê này, gia đình tôi phải tốn hàng chục triệu đồng đầu tư và mất gần hai năm chăm sóc, nhưng bây giờ tất cả đã tiêu tan. Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trình báo lên chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương vào cuộc sớm điều tra làm rõ vụ việc, đưa đối tượng ra xử lý để người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất”.
Trước đó, vào khoảng 13 giờ ngày 10-5-2017, bà Lương Thị Oanh, sinh 1972, trú tại thôn 6A, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đác Lắc, khi đi thăm rẫy cũng phát hiện vườn tiêu của gia đình mình tại khu vực Lồ Ô, thuộc xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo bị khô ngọn, héo lá từ trên xuống dưới, làm hư hại gần 600 trụ tiêu trồng vào tháng 6-2014, gây thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, anh Lê Văn Huân, sinh năm 1980, trú tại thôn 3B, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo phát hiện vườn tiêu của nhà mình cũng tại khu vực Lồ Ô với tổng cộng 265 trụ tiêu giống Vĩnh Linh trồng vào tháng 6-2016 bị khô ngọn, héo lá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Khó tìm ra thủ phạm
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Đác Lắc cho biết, tình trạng phá hoại vườn cây trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề và bức xúc cho nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân với nhau và phần lớn các vụ chặt phá cây trồng xảy ra vào ban đêm, ở vùng sâu, vùng xa nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý. Để ngăn chặn được tình trạng này, trước hết người nông dân cần cảnh giác để bảo vệ tài sản của gia đình mình. Về phía lực lượng công an, trong thời gian tới, công an tỉnh sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và công an các huyện, thành phố đến công an xã, phường tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khi xảy ra các vụ phá hoại vườn cây sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại để răn đe chung.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết: Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 42.500 ha tiêu và 203.000 ha cà-phê, đây là hai loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo tính toán, hiện nay để đầu tư trồng một ha tiêu, cà-phê người nông dân phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua tình trạng phá hoại vườn tiêu và cà-phê trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề và hoang mang lo lắng trong nhân dân.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Đác Lắc cần chỉ đạo lực lượng công an tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tích cực vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến vụ việc, đồng thời các cấp chính quyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân và vận động nhân dân đẩy mạnh lao động sản xuất, chủ động bảo vệ vườn cây trồng của gia đình, không để kẻ xấu phá hoại, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.