Vượt rừng, lội suối vì đá cảnh

|

Đằng sau sự vui vẻ, yêu đời, có vẻ vô lo, vô nghĩ của Phan Minh Tiến là một thế giới nghệ thuật mà ở đó, họa sĩ trẻ người Đà Nẵng vừa vẽ tranh, vừa sưu tầm đá cảnh nghệ thuật. Nói riêng về đá cảnh nghệ thuật, Tiến đang hoàn thiện một không gian riêng để có thể trưng bày những viên đá mà anh đã dày công tìm kiếm, sưu tập sau nhiều chuyến leo núi, băng rừng, lội suối trong hơn 10 năm qua.

Thú chơi Suiseki

Vào thời điểm tôi ghé thăm nhà của Tiến ở thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), chàng trai sinh năm 1991 đã hoàn thiện được khoảng 80% không gian nghệ thuật mà anh ấp ủ từ lâu. Đó là một căn nhà sàn nhưng lại không mang đặc trưng của dân tộc thiểu số nào ở khu vực miền trung và Tây Nguyên hay miền bắc. Như Tiến tiết lộ, nguyên gốc chỉ là một căn nhà cấp 4 của vùng đồng bằng và được anh mua từ tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 4 năm nay. Sau đó, anh thiết kế và dựng thành nhà sàn nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn.

Tiến cho biết, anh rất thích những căn nhà gỗ, nhất là nhà sàn. Trong những chuyến leo núi, đi rừng để tìm đá cảnh, anh thường xin ở lại tại nhà người dân. Lâu rồi thành quen và anh trở nên mê những căn nhà gỗ của họ. Anh ước mơ sẽ có một ngôi nhà sàn để có thể trưng bày đá cảnh và những bức tranh yêu thích của mình. Vì thế, hơn nửa năm qua, anh đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho không gian nghệ thuật mới này. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ thay thế cho không gian nghệ thuật cũ ở căn nhà bên cạnh vốn đã trở nên chật chội và chỉ thích hợp cho việc ngồi sáng tác tranh. Điều tuyệt vời hơn cả là ở hai nơi, Tiến đều có thể phóng tầm mắt ra cánh đồng rộng mênh mông, nơi anh thường chỉ thấy những con bò thong thả gặm cỏ ven bờ ruộng, chìm đắm trong một không gian yên tĩnh đến kinh ngạc và thỏa sức sáng tạo.

Tôi cũng đã có dịp trải qua cảm giác đấy qua cánh cửa sổ nhỏ của không gian nghệ thuật cũ từ hơn một năm trước, khi tôi và một người bạn ghé thăm Tiến. Thời điểm đấy, tôi không chỉ ấn tượng vì những viên đá cảnh nhiều hình thù, nhiều mầu sắc mà còn thích thú với bộ tranh nghệ thuật cân bằng đá của anh (những viên hoặc tảng đá chồng lên ở những vị trí khác nhau để tạo ra một hình thể nghệ thuật. Không có bất kỳ “trợ thủ” nào trong quá trình sáng tạo này, ví dụ như sử dụng dây kim loại, những vật chống, vòng hay chất kết dính…). Đến giờ, tôi mới có thể ngồi đây để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về thú chơi đá cảnh nghệ thuật hay còn gọi là Suiseki mà anh xem vừa là đam mê, vừa là cảm hứng cho sáng tác tranh.

Thật ngạc nhiên là Tiến biết đến thú chơi này từ khi còn là sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế. Anh tâm sự, hồi đó, trong một lần tới Tam Kỳ (Quảng Ngãi), anh có gặp một người anh chơi đá cảnh. Thấy trong nhà người anh trưng bày những viên đá rất đẹp nên đang học về hội họa, Tiến cũng thích thú, say mê những hình thù tự nhiên của đá. Sau đó, anh xin người anh đó cho đi núi, đi rừng, rồi học hỏi thêm. Từ đó, anh trở nên yêu rừng, yêu núi, thích được ra sông, ra suối tìm kiếm đá cảnh.

Theo Tiến, đá cảnh nghệ thuật được tìm nhiều ở huyện Duy Xuyên và thị trấn Trà My của tỉnh Quảng Nam. Thường thì một chuyến đi tìm đá cảnh của anh sẽ mất vài ngày do anh và những anh em trong nhóm có chung đam mê phải di chuyển nhiều, rồi thời gian tìm kiếm. Và không phải lúc nào cứ đi là sẽ tìm thấy đá, nếu không muốn nói có những chuyến đi xa, đầy rẫy nguy hiểm. Chẳng hạn như họ đã may mắn tránh được vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà người dân tại hai xã Trà Leng, Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My do ảnh hưởng của bão số 9 hồi tháng 10/2020.

Bù lại, những viên đá tìm được sẽ có các hình thù khác nhau, chủ yếu là dạng núi, hình sóng biển, mặt trăng, rồi hình người, con vật hay đồ vật… chất cấu tạo, gân đá, mầu đá và xuất xứ. Nói ngắn gọn, đá cảnh sẽ có muôn hình vạn trạng, tùy theo óc tưởng tượng của người sưu tầm cũng như người xem. Theo Tiến, anh thích chơi đá cảnh tự nhiên, nghĩa là không qua chỉnh sửa hay dùng tới kỹ thuật nuôi đá. Ưu tiên là chất liệu (cứng), sau là dáng đẹp (tròn trịa, không sứt mẻ) và ba là có chủ đề như núi, trăng, người, phong cảnh. Khi tìm được một viên đá ưng ý, anh sẽ đưa về làm sạch, sau đấy tự mình làm đế gỗ (đôn) để đặt lên.

Hơn 10 năm theo đuổi nghiêm túc với thú chơi Suiseki, chàng trai trẻ người Đà Nẵng đã tìm được hàng trăm viên đá cảnh nghệ thuật, đủ để anh ấp ủ và xây dựng cho mình một không gian riêng cho đá. Thú vị là đằng sau vẻ lạc quan, yêu đời, Tiến lại trở nên điềm tĩnh, suy tư mỗi khi ngồi ngắm những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời được thiên nhiên tạo ra từ sự xói mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn... Lúc đó, trông anh như một vị thiền sư đang nghiền ngẫm về những triết lý sâu xa. Vì thế, cứ nói đá vô ngôn nhưng thực tế ngôn vô bất tận.

Từ đá vào tranh

Tuy nhiên, đá, chứ không phải đá cảnh nghệ thuật, xuất hiện trong tranh của Tiến. Anh thường vẽ tranh cân bằng đá và tôi đã được xem một bộ tranh như vậy hơn một năm trước. Giờ Tiến chỉ còn hai bức tranh để treo. Tôi hỏi anh sao lại chọn chủ đề này mà không phải là đá cảnh nghệ thuật, Tiến cho biết, chỉ lấy hình tượng viên đá, lấy tinh thần để vẽ, chứ không chép lại. Bản thân viên đá cảnh nghệ thuật đã là một tác phẩm điêu khắc của thiên nhiên, tự nhiên đã đẹp và tại sao phải sao chép cái đẹp đó vào trong tranh khi có thể ngắm viên đá nhiều chiều ngay trước mắt. Tiến giải thích thêm, sự cân bằng như một nghệ thuật sắp đặt không đến từ sự đối xứng cân đối, hình dáng phải tròn vành hay vuông vức mà đến từ sự chấp nhận mọi thứ như là nó để thấy được sự hoàn hảo sẵn có trong cuộc sống.

Tuy vậy, đá cảnh nghệ thuật và rộng hơn là những chuyến băng rừng, lội suối luôn mang đến cho người họa sĩ 33 tuổi nhiều cảm hứng trong sáng tác hội họa. Chẳng gì thì đây cũng là đam mê từ trước tới giờ của anh, tiếp nối con đường nghệ thuật của bố và anh trai (sau này một cậu em trai khác cũng theo nghề hội họa). Tiến tiết lộ, anh bắt đầu quan tâm và thích vẽ sau khi được xem tranh của những người bạn anh trai về thôn Hòa Khê thực tập vẽ. Vì thế, học xong lớp 12, anh quyết định thi vào Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 2009 và tốt nghiệp năm 2014.

Thế mạnh của Tiến là sơn dầu và anh vẽ rất đều, như thể mỗi lần vẽ tranh là một lần thiền. Và anh cũng đã nói thế về những chuyến đi tìm đá cảnh nghệ thuật như là đi thiền, để bản thân thư giãn, giảm căng thẳng, hòa mình vào thiên nhiên và thế giới chung quanh. Cho đến giờ, đấy là một cách giúp Tiến thỏa mãn sự sáng tạo, dù rằng trước đại dịch Covid-19, anh từng đi vẽ ký họa và từng có thời gian mở một phòng tranh ở Hội An (Quảng Nam). Đó là chỗ để anh em bạn bè, đồng nghiệp đến chơi, giao lưu, trước lúc anh nhận ra rằng, thiên nhiên vẫn là điều mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất.

Lý do này giải thích cho những chuyến đi tìm đá cảnh nghệ thuật hay chỉ đơn giản là lên núi, vào rừng của Tiến diễn ra đều đặn. Có chăng, mùa mưa hay mối lo sạt lở đất đá như ở Trà Leng và Trà Vân mới khiến anh dừng lại. Và khi dừng lại, anh sẽ dồn sức và thời gian vào xưởng tranh tại nhà hay hoàn thiện căn nhà sàn. Hoặc không, anh lại lao ra ngoài, làm những công việc như trang trí quán cà-phê, nội thất, tranh thủ kiếm ít tiền để mua mầu vẽ hay đổ xăng đi lại. Ở vị trí đó, con mắt của một họa sĩ sẽ cho Tiến biết, anh nên treo bức tranh nào là phù hợp và anh nên đặt viên đá cảnh vào đâu là đẹp nhất.

Chẳng dám mơ những bức tranh về đá sẽ nổi tiếng như bức Mộc thạch được đấu giá tới 59 triệu USD năm 2018 của cư sĩ Tô Đông Pha (1037-1101), nhân vật lịch sử rất được hâm mộ ở Trung Quốc và là người đặt ra những nguyên tắc đầu tiên cho việc lựa chọn đá cảnh, Tiến suy nghĩ đơn giản rằng, các tác phẩm đang giúp anh thỏa mãn sự sáng tạo về chuyên môn, cũng như giúp anh duy trì động lực, cảm hứng sau những chuyến băng rừng, lội suối tìm đá. Sau cùng, tranh và đá cảnh đều phục vụ cho việc trưng bày và thưởng ngoạn, để thể hiện rõ tính cách điềm tĩnh, an nhiên, tự tại của người nghệ sĩ Đà thành.

Nghệ thuật chơi đá cảnh xuất phát từ Trung Quốc, từ thế kỷ 12, sau đó du nhập và phát triển mạnh tại Triều Tiên rồi tới Nhật Bản. Do đất chật, người đông, người Nhật Bản tìm cách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên qua cảnh vật thu nhỏ như bonsai và đá cảnh. Vì thế, cũng như bonsai, họ nổi tiếng về nghệ thuật chơi đá cảnh mà ngày nay người ta gọi là Suiseki, trong đó “sui” nghĩa là nước, “seki” nghĩa là đá.