Nhằm tăng mức độ an toàn cho người tham gia giao thông

|

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về đề xuất “siết” tốc độ lưu thông trong nội đô TPHCM, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, khẳng định: Tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng xảy ra tai nạn giao thông. Khi tốc độ giảm, khả năng va chạm sẽ giảm theo, dẫn đến giảm số vụ tai nạn và thương vong.

Gần 80% vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe chạy quá tốc độ

Phóng viên: Thưa ông, cơ sở nào để Ban ATGT TPHCM đề xuất UBND thành phố cho chủ trương nghiên cứu áp dụng tốc độ 30-50 km/giờ tại một số nơi trong nội đô?

Ông Nguyễn Thành Lợi

Ông Nguyễn Thành Lợi: Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2022 cả nước có gần 80% vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe chạy quá tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ. Tại TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện và xử lý 50.914 trường hợp vi phạm tốc độ, làm 2 người chết, 5 người bị thương.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, khi tốc độ trung bình tăng 10 km/giờ, tỷ lệ tai nạn giao thông tăng 30%. Một nghiên cứu của Cơ quan ATGT Quốc gia Hoa Kỳ, khi tốc độ trung bình tăng 1 km/giờ, tỷ lệ tai nạn dẫn đến tử vong tăng 2,2%. Ngoài ra, người đi bộ có khả năng tử vong đến 80% nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 50km/giờ. Ở chiều ngược lại, người đi bộ có đến 90% cơ hội sống sót nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 30km/giờ trở xuống. Liên hợp quốc đã và đang kêu gọi các quốc gia cần hạn chế tốc độ trong nội đô dưới 50km/giờ và 30km/giờ tại các khu vực dân cư đông đúc, bệnh viện, trường học…

Các nước tiên tiến trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý tốc độ nên đạt được những thành tựu đáng kể như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ. Bản thân tôi đã đi khảo sát tại các nước Australia, New Zealand, Colombia… cho thấy họ đang áp dụng mô hình khuyến cáo tốc độ 20-30 km/giờ khi đi qua khu đông người dù hạ tầng tốt.

Theo ông, TPHCM nên áp dụng tốc độ như thế nào là phù hợp?

TPHCM có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên. Trong đó, các tuyến đường có tốc độ tối đa cho phép trên 50km/giờ là 147 tuyến; tuyến liên quận, huyện là 39 tuyến; tuyến trong từng quận, huyện và thành phố Thủ Đức là 108 tuyến.

Trong điều kiện đường sá không thể mở rộng hay sắp xếp lại; đồng thời phương tiện cá nhân ngày càng tăng mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả, thì việc kiểm soát tốc độ, giảm tốc độ trong đô thị tại các khu vực dân cư đông đúc là biện pháp cần thiết và hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất nhằm tăng mức độ an toàn cho người tham gia giao thông.

Chúng tôi dự kiến đề xuất hạn chế tốc độ ở mức không quá 50km/giờ, trừ các tuyến đường cao tốc đô thị có 4 làn xe trở lên và thực hiện các giải pháp, hình thức cảnh báo, khuyến nghị không quá 30 km/giờ vào các khung giờ nhất định trong ngày tại các khu vực tập trung đông người như trường học, bệnh viện, chợ...

Trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả, sẽ đề xuất mở rộng ra các cửa ngõ thành phố. Ban ATGT đã trình UBND TPHCM xin chấp thuận chủ trương để ban phối hợp với các đơn vị có chức năng liên quan nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi nhất nhằm quản lý tốc độ hợp lý trong nội đô theo kinh nghiệm quốc tế.

Việc giới hạn tốc độ như ông nói ở trên có “vượt ra khỏi” các quy định pháp luật hiện hành?

Việc phải giảm tốc độ khi đi qua trường học, bệnh viện, công trình công cộng tập trung nhiều người là bắt buộc và đã được quy định tại khoản 5, Điều 5, Thông tư 31 năm 2019 của Bộ GTVT; tốc độ lưu thông trong đô thị 50km/giờ đối với xe cơ giới và 40km/giờ đối với xe gắn máy đã được quy định tại Điều 6 và Điều 8 của thông tư này.

Ban ATGT TPHCM mới chỉ xin chủ trương để rà soát, đánh giá, xác định và đề xuất triển khai khuyến cáo người điều khiển phương tiện giảm tốc độ lưu thông xuống dưới 30km/giờ nhằm đảm bảo an toàn hơn cho mọi người khi tham gia giao thông. Khuyến cáo này dựa trên cơ sở đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành như Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 22 của Thành ủy TPHCM; kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị của TPHCM

Ông Nguyễn Thành Lợi

Nên áp dụng mức phạt theo Nghị định 100

Có ý kiến cho rằng việc kiểm soát nồng độ cồn đang quá khắt khe, phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế của địa phương. Ông có nhận xét gì?

Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông đang quyết liệt kiểm tra, xử phạt các trường hợp tham gia giao thông mà vi phạm nồng độ cồn. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Với mức phạt cao và tăng cường xử phạt để người tham gia giao thông dần dần hình thành ý thức “nói không với rượu bia khi lái xe”. So với các nước khác, Việt Nam chưa hình sự hóa các vi phạm này.

Gần đây, qua các cơ quan báo chí, truyền thông, có trường hợp người dân nói không uống rượu, bia mà uống có loại nước trái cây lên men vẫn vi phạm nồng độ cồn. Với trường hợp này, Quốc hội hiện đang thảo luận để đưa ra giải pháp thỏa đáng. Có thể, vẫn nên áp dụng mức phạt theo Nghị định 100/2019/ NĐ-CP để có người dân hình thành thói quen, rồi sau này nghiên cứu, điều chỉnh lại với mức phạt vi phạm cồn theo một khung hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện thực tế hơn.

Thời điểm cuối năm lưu lượng phương tiện lưu thông đông, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Ban ATGT TP có kế hoạch, giải pháp gì để đảm bảo ATGT?

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Ban ATGT TP đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát các phương tiện di chuyển trong dịp cuối năm và lễ tết sắp đến. Ban sẽ phối hợp với các ngành chức năng, thành viên của ban như Sở GTVT TP, Công an TP… sử dụng cơ chế liên ngành để tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, nhất là trong vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, ban cũng sẽ khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở tài xế không lái xe vượt quá thời gian quy định của pháp luật, không nhồi nhét hành khách, chở quá tải trọng…; kiểm tra nồng độ cồn và chất kích thích các tài xế trước khi cho tham gia giao thông.