Hafwen Clarke, 19 tuổi, đang là nhân viên trợ giúp thanh, thiếu niên tại Trung tâm hỗ trợ St.John ở Aberystwyth, Ceredigion, Xứ Wales (Anh). Clarke bị khiếm thính bẩm sinh, nên cô đã học Ngôn ngữ ký hiệu của Anh (BSL) từ nhỏ, giúp cô có thể theo học chương trình phổ thông cho tới học nghề. Hafwen Clarke chia sẻ: “Người điếc có thể làm bất cứ điều gì như một người bình thường, ngoại trừ khả năng nghe. Chúng tôi vẫn có thể giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác, đó là ngôn ngữ ký hiệu”.
Cô cho biết, bên cạnh công việc chính là trợ giảng cho các học sinh, cô cũng đang tình nguyện dạy BSL cho những trẻ em khác tại nơi làm việc: “Tôi đã chọn dạy BSL, điều đó cho phép tôi lan tỏa ngôn ngữ của mình tới nhiều người cần nó và cũng giúp đỡ được nhiều trẻ em thay đổi cuộc sống của họ để có thể tìm việc làm phù hợp sau này”.
Theo The Independent, Hafwen Clarke vừa trở thành người đầu tiên có bài phát biểu bằng BSL tại Cung điện Buckingham khi cô nhận một giải thưởng vinh danh thành tựu vì cộng đồng của Hoàng gia Anh. “Tôi rất tự hào có thể cho thế giới thấy những gì người khiếm thính làm được và mang đến cho những người trẻ khác lòng dũng cảm, niềm hy vọng. Tôi muốn nâng cao nhận thức về BSL và khuyến khích mọi người tìm hiểu một chút vì điều đó có nghĩa là những người khiếm thính dùng BSL sẽ có thể giao tiếp nhiều hơn trong cộng đồng”, Clarke chia sẻ.
Tại Anh, BSL đã được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức, có thể được sử dụng và dạy học trong trường học. Có những tổ chức, như Hiệp hội Trẻ em điếc quốc gia, cung cấp các ứng dụng hoặc khóa học trực tuyến giúp những người muốn tìm hiểu và học tập loại ngôn ngữ ký hiệu này. Clarke cũng đang trực tiếp tham gia hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật có tên là “Happy Hands” (Tạm dịch: Bàn tay Hạnh phúc) ở nơi cô sống. Tại đây, những tình nguyện viên như cô có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người là cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi bị điếc hoặc mất thính lực.
Mỗi tháng một lần, các thành viên tổ chức buổi “Bàn tay Hạnh phúc”, mời tới các chuyên gia như nhà thính học hoặc nhà trị liệu ngôn ngữ và âm ngữ… Đây là cơ hội các phụ huynh, người chăm sóc trẻ khiếm thính gặp gỡ để hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời mang lại môi trường khuyến khích, giúp những người khiếm thính có cơ hội kết bạn mới, xem thông tin mới cũng như trò chuyện về các vấn đề quan trọng đối với họ.
Không chỉ đối với người khiếm thính, Chính phủ Anh cũng đang triển khai kế hoạch hành động dành cho người khuyết tật, đặt ra tầm nhìn dài hạn nhằm cải thiện cuộc sống của người khuyết tật thông qua những chương trình cải cách và công việc cụ thể. Chủ tịch Mạng lưới Người khuyết tật khu vực West Midlands, ông Louise Mkiernan cho biết: “Tôi hoan nghênh cam kết của Chính phủ đối với kế hoạch hành động dành cho người khuyết tật, cũng như ý định thực hiện các hành động thiết thực để cải thiện cuộc sống của người khuyết tật trên khắp nước Anh”.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, trong quý IV/2023, có 5,5 triệu người khuyết tật có việc làm ở Anh, tăng 390.000 người so cùng kỳ năm trước và đã tăng thêm 1,3 triệu người so năm 2017. Ngoài ra, ngày càng có thêm những ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông, chẳng hạn như trên tàu hỏa hay các phương tiện công cộng. “Một số địa phương đã tuân theo quy tắc thiết kế công trình công cộng dành riêng cho người khuyết tật, đồng thời làm một số tuyến đường trở nên dễ dàng hơn cho người khuyết tật sử dụng”, ông Mkiernan cho biết.