Thúc đẩy vốn cho sản xuất, kinh doanh

|

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất ngay từ đầu năm, đặc biệt là cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tận dụng nguồn vốn rẻ để phục hồi

Thuộc một trong năm nhóm ngành ưu tiên cho vay lãi suất ưu đãi, nên mức lãi vay của Công ty CP Dược và vật tư thú y Hanvet được giảm sâu, chỉ bằng một nửa so với cao điểm năm ngoái. Giảm lãi vay giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Ông Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết: Việc được ưu đãi vay gói lãi suất thấp giúp doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư, đồng thời lấy một phần để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Lãi suất hiện nay là 4,5%/năm. Đây là một mức lãi suất mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp so với trước đây.

Cũng là doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi, Công ty CP Sao Thái Dương đang tận dụng nguồn vốn hiệu quả để tái khởi động các dự án bị chững lại do dịch bệnh và khó khăn từ thị trường trước đây. Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc công ty kỳ vọng nền tảng thuận lợi của năm 2024 sẽ là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp bứt phá mạnh hơn trong hai năm tới. Còn với Công ty CP Thực phẩm Hữu nghị, thời điểm Tết, đơn hàng nhiều nên cần thêm vốn cho sản xuất. Doanh nghiệp liên tục được ngân hàng chào mời vay ưu đãi, gói sau thấp hơn gói trước. Hiện, lãi suất khoảng 4%/năm cho các khoản ngắn hạn. Theo bà Đoàn Thùy Dương, Kế toán trưởng công ty: “So với cùng kỳ của năm ngoái, lãi suất hiện tại đã giảm khoảng một nửa. Khi lãi suất giảm thì chi phí giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn.

Song song với việc giảm lãi cho các khoản vay cũ, các ngân hàng cũng dành nhiều ưu đãi cho các khoản vay mới. Với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng, có mức lãi cố định chỉ từ 6,6%/năm cho kỳ trung và dài hạn. Với ngắn hạn, lãi vay chỉ từ 5,3%/năm tùy từng nhóm khách hàng. Ông Thiều Quang Hiệp, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết, với khách hàng mới cũng có chính sách ưu đãi về tài sản bảo đảm, hoặc không đủ tài sản nhưng có phương án kinh doanh tốt có thể cho vay thế chấp, nhận bảo đảm là hàng hóa tồn kho.

Không bắt buộc thế chấp nhà cửa, thay vào đó là cho doanh nghiệp bảo đảm bằng tài sản hoặc thậm chí cho vay tín chấp... là giải pháp được một số ngân hàng đẩy mạnh, nhằm thu hút khách hàng vay vốn. Bởi hiện tại, nhu cầu vốn vẫn được đánh giá là tăng chậm, trong khi lượng tiền huy động vào hệ thống ngân hàng khá dồi dào.

Còn dư địa cho giảm lãi suất

Theo NHNN, tính đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. Xu hướng giảm lãi suất vẫn đang diễn ra ở cả đầu vào và đầu ra. Thanh khoản dồi dào đang là cơ sở cho các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, đồng thời đem lại cơ hội để giảm chi phí vốn đáng kể, từ đó kỳ vọng giúp giảm lãi suất cho vay.

Bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc khối tài chính của VPBank, cho biết, sự thuận lợi của vĩ mô đã giúp ngân hàng tiếp tục giảm chi phí vốn nhờ nguồn huy động rẻ hơn so với trước. Theo đó, vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các khoản huy động đến hạn vừa qua tiếp tục giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, dự kiến thấp nhất quanh mức 1-1,5%. Đại diện VPBank cũng nhận định thêm rằng, chi phí vốn trên toàn thị trường đang khá ổn định. Xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục. Báo cáo mới đây của VNDirect Research dự báo NHNN có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về mức 4% và lãi suất chiết khấu về mức 2,5%. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân dự kiến sẽ duy trì ở vùng thấp 4,5-5%/năm trong năm 2024.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra hồi đầu năm là 15% nhưng sẽ linh hoạt theo diễn biến thị trường. NHNN đã công bố hạn mức tăng trưởng tín dụng đến từng ngân hàng để các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch đẩy tiền ra thị trường. Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, mặc dù NHNN có thể không giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay, khi chi phí vốn của nhà băng đang giảm mạnh và giảm nhanh hơn lãi suất đầu ra. “Áp lực tăng trưởng tín dụng có thể khiến ngân hàng giảm lãi suất cho vay đến doanh nghiệp và người vay mua nhà nhanh hơn, từ đó góp phần kích thích kinh tế”, bà Thu bình luận.

Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất và tích cực thúc đẩy tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên thể hiện nỗ lực và quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN vì mục tiêu chung hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong ngày đầu tiên của năm mới, tới thăm và chúc Tết ngành ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Đồng thời, ngành cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.