Bảo tồn nguồn tài nguyên bền vững

|

Tình trạng khai thác quá mức trong một thời gian dài cùng một số nguyên nhân khác đang khiến lượng ốc xà cừ ở quốc đảo Bahamas suy kiệt nghiêm trọng. Trong khi đó, hơn một phần ba trữ lượng cá trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức, đặt ra yêu cầu phải ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp.

Sự sụt giảm đáng lo ngại

Đối với người dân ở Bahamas, nói đến hải sản chính là nói đến ốc xà cừ. Loài động vật nhuyễn thể này xuất hiện nổi bật ở phía trên quốc huy Bahamas. Vỏ ốc xà cừ và biểu tượng của nó xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Bahamas. Tại sân bay quốc tế Lynden Pindling ở Thủ đô Nassau, một bức tượng vỏ ốc xà cừ khổng lồ được đặt trang trọng như lời chào đón của quốc đảo tới khách du lịch. Các món ăn, đồ lưu niệm và tác phẩm nghệ thuật làm từ vỏ ốc xà cừ được bày bán ở khắp các chợ trên đường phố. Cờ, áo phông và mũ hình ốc xà cừ rất được du khách ưa chuộng. Vỏ ốc xà cừ còn được dùng làm chặn giấy, bát, nhạc cụ và đồ trang trí Giáng sinh.

Ốc xà cừ cũng là thức ăn phổ biến trong thực đơn của người dân Bahamas, thậm chí được xem là món ăn quốc dân của họ. Ở những nơi khác, ốc xà cừ có thể đắt tiền, nhưng ở Bahamas, đây là thức ăn rất phổ biến. Theo một nghiên cứu vào năm 2021, ở các vùng nông thôn của Bahamas, gần 40% dân số ăn ốc xà cừ hằng tuần.

Một nghiên cứu trên tạp chí Quản lý Thủy sản và Sinh thái của Bahamas cho thấy, khoảng 9.000 người trong tổng dân số 400 nghìn dân sinh sống bằng nghề đánh bắt ốc xà cừ, tương đương 2% dân số. Với nhiều người ở đây, đánh bắt ốc xà cừ là nghề truyền thống lâu năm được kế thừa từ đời này sang đời khác. Nguồn thu từ ốc xà cừ lên đến hàng triệu USD mỗi năm và cũng là động lực chính thúc đẩy du lịch đến các hòn đảo của Bahamas. Ngoài ra, đây còn là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang Mỹ và nhiều quốc gia khác. Ốc xà cừ vì thế trở thành một trụ cột của nền kinh tế và ngành công nghiệp du lịch của quốc đảo ở vùng Caribe này.

Trước kia, ngư dân Bahamas chỉ cần dùng một chiếc thuyền nhỏ di chuyển ra vùng nước gần bờ rồi dùng mặt nạ, ống thở và chân chèo để lặn xuống đáy biển để nhặt ốc bằng tay. Nếu chịu khó xuống những vùng nước sâu khoảng từ 6 đến 9 m, đôi khi họ có thể bắt được tới 1.000 con ốc xà cừ trong một chuyến đi.

Thế nhưng, những năm gần đây, số lượng ốc xà cừ ở một số ngư trường của Bahamas đã suy giảm nhanh chóng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) dẫn kết quả một cuộc khảo sát năm 2011 tại Exuma, một khu vực đánh bắt cá quan trọng của Bahamas cho thấy, mật độ ốc xà cừ trưởng thành ở vùng ven biển đã giảm gần 91% trong vòng 20 năm. Một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Bahamas cho hay, sự suy giảm lượng ốc xà cừ phần lớn là do đánh bắt quá mức. Vào những năm 1970, tổng lượng ốc xà cừ mà ngư dân thu hoạch là khoảng 771 tấn nhưng con số này đã lên tới hơn 6.350 tấn vào năm 2006. Bắt đầu từ những năm 1990, tình trạng suy giảm ốc xà cừ đã ngày càng tăng ở một số ngư trường trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh đó, các ngư dân Bahamas phải đi ngày càng xa bờ biển, có khi phải đến gần 50 km, lặn sâu xuống đáy biển để bắt ốc. “Khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ phải đi xa như vậy để bắt ốc”, chị Tereha Davis, 49 tuổi, buồn rầu nói khi đang bán ốc tại một khu chợ. Chị Sherica Smith, 44 tuổi, chủ một quầy bán ốc xà cừ nổi tiếng trên đảo Grand Bahama cũng nhớ lại cảnh những ngư dân xưa kia đôi khi chỉ cần đi bộ ra bãi biển cũng có thể mò được ốc. Còn nay, họ phải ra biển bằng thuyền lớn để đánh bắt.

Ông Lester Gittens, một quan chức cấp cao của Bộ Tài nguyên biển Bahamas cho biết, việc đánh bắt quá mức ốc xà cừ ở nước này nghiêm trọng đến mức một ước tính cho rằng, trong vòng chưa đầy nửa thế hệ nữa, lượng ốc đánh bắt được sẽ chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân, không còn để khai thác thương mại. Một báo cáo năm 2019 từ Thủy cung Shedd ở Chicago (Mỹ) thậm chí cảnh báo nghề đánh bắt ốc xà cừ có thể biến mất ngay sau năm 2029, nếu sản lượng khai thác không giảm.

Vấn đề đánh bắt quá mức càng trở nên trầm trọng hơn do khí hậu ấm lên, kéo theo thời tiết khó lường, gây thiệt hại cho ngư trường và môi trường sống của ốc xà cừ. Quá trình axit hóa ngày càng tăng của đại dương vốn đang nóng lên cũng là mối đe dọa đối với ốc xà cừ vì khiến vỏ của chúng bị hư hại. Đồng thời, sự ấm lên của biển cũng cản trở quá trình di cư của ốc xà cừ, kéo theo tác động xấu đến quá trình sinh sản của chúng.

Cá mú trắng đang bị khai thác quá mức tại Senegal. Ảnh: KINJA

Nỗ lực triển khai các biện pháp khai thác bền vững

Theo AP, Bahamas hiện không phải là nơi duy nhất đối mặt tình trạng các loại thực phẩm hải sản truyền thống có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức. Tại Senegal, việc đánh bắt quá mức cũng đã “xóa sổ” cá mú trắng, vốn là nguyên liệu chính của món ăn quốc dân của nước này, có tên gọi là “thieboudienne”. Còn tại Philippines, các loài cá nhỏ như cá mòi cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt vì lý do tương tự.

Ông Richard Wilk, GS danh dự tại khoa Nhân chủng học của Đại học Indiana (Mỹ), chuyên nghiên cứu về văn hóa ẩm thực nhận định, việc mất đi những thực phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến chế độ dinh dưỡng của người dân ở các nước nghèo, đồng thời, ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa ở tất cả các nước, không kể giàu hay nghèo.

Vị chuyên gia cảnh báo về nguy cơ mất việc làm, vắng bóng những món ăn truyền thống tại những sự kiện quan trọng của người dân địa phương và sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, nếu không kiểm soát được việc đánh bắt quá mức. Các quốc gia đang phát triển và những cộng đồng dân cư nghèo sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Đối với những ngư dân sống tự cung tự cấp, tình trạng đánh bắt quá mức có thể khiến họ rơi vào tình cảnh bị đói”, GS Wilk nói.

Trong một báo cáo, FAO cho rằng, hơn một phần ba trữ lượng cá trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức, đáng báo động hơn là tỷ lệ đánh bắt không bền vững đang gia tăng. Các cơ quan quản lý, điển hình là Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp là rất quan trọng nhằm hướng tới ngăn chặn sự biến mất của các loại thực phẩm quen thuộc của ngư dân các vùng ven biển.

Tại Bahamas, chính phủ đã triển khai một số biện pháp mới nhằm bảo tồn ốc xà cừ, trong đó có việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về quy mô thu hoạch tối thiểu, nhằm giảm áp lực đánh bắt và để ốc xà cừ sinh sản, đồng thời thực thi mạnh mẽ hơn các quy định chống đánh bắt trộm hiện hành. Còn tổ chức phi lợi nhuận National Trust tại Bahamas đang nỗ lực trang bị cho ngư dân các công cụ giúp họ đo lường ốc xà cừ để bảo đảm chúng đã đủ lớn mới thu hoạch.

Theo ông Knowles, để ngăn chặn khả năng ốc xà cừ bị “xóa sổ”, việc thực thi đề xuất giảm một nửa lượng đánh bắt trong ba năm tới là một giải pháp tiềm năng. Một giải pháp khác được các nhà bảo tồn đưa ra là giảm lượng xuất khẩu ốc xà cừ, vì nhu cầu quốc tế là động lực lớn dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức. Ngoài ra, Chính phủ Bahamas cũng đang xem xét đề xuất cấm khai thác ốc xà cừ theo mùa.

Trong khi đó, một số người dân ở Bahamas như ông Leroy Glinton, 67 tuổi, cha của chị Davis cũng đang tìm tòi những cách thức kiếm tiền mới từ ốc xà cừ. Vốn là một người đánh bắt ốc xà cừ lâu năm, hiện nay, ông Glinton chuyển sang mở một xưởng chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ vỏ ốc xà cừ. Ông hy vọng việc khuyến khích sử dụng vỏ ốc xà cừ nhiều hơn có thể giúp giảm áp lực đánh bắt. Bởi, nếu ngư dân có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ mỗi con ốc xà cừ bằng cách bán hoặc sử dụng vỏ, họ có thể không cần phải đánh bắt quá nhiều để trang trải cuộc sống. “Tất cả người dân Bahamas cần phải nhận ra rằng đừng quá để tâm đến việc kiếm tiền nhanh, bởi khi nguyên liệu không còn thì tiền cũng không còn nữa”, ông Glinton nói.