Than đỏ trong trang văn

|

Trước “Than đỏ dưới tro tàn” (NXB Hội Nhà văn, tháng 4/2023), nhà văn Đỗ Bích Thúy từng ra mắt độc giả bốn tập tản văn. Cuốn sách lần này là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của nữ tác giả, tập hợp 29 tản văn của Đỗ Bích Thúy sáng tác trong thời gian gần đây.

Tiếp nối mạch cảm xúc về miền núi, tác giả dành phần lớn trang viết cho những ký ức thương mến tuổi thơ với núi rừng, cỏ cây hoa lá, mây trời, sông suối, với bạn bè và những người dân miền núi - có tên và “không tên” đã từng đi vào tác phẩm của chị, với cha mẹ, hai người anh trai trong ngôi nhà nhỏ giữa thung lũng ngút ngát xanh bên dòng Lô cuộn chảy. Với nhiều người viết, ký ức luôn là mỏ quặng quý giá để họ tạo tác nên những đứa con tinh thần. Đỗ Bích Thúy cũng vậy, ký ức là vùng trời trong lành, nguyên khiết, là viên bạch ngọc trong tâm hồn chị, để dù năm tháng đi qua và những giông gió từng lĩnh trải, chị càng luyến nhớ, nâng niu, trân quý và làm sáng những ký ức, cho mình và độc giả của chị. Đã viết hàng trăm truyện ngắn, hàng trăm tản văn, nhiều con người, loài hoa, ngôi nhà... gắn với tuổi thơ của cô bé Thúy năm nào trở đi trở lại trong sáng tác của chị, nhưng không hề gây cảm giác cũ mòn, nhàm chán. Ngược lại, mỗi lần xuất hiện trở lại đều cho độc giả một điều gì đó mới mẻ, đầy xúc động, mến thương. Có lẽ điều đó được chiết ra từ chính những câu chuyện thật, cảm xúc thật và tình yêu thương chân thật ngày thêm đầy lên trong chị.

Nhiều người nhận xét, càng về sau, văn của Đỗ Bích Thúy, nhất là ở thể loại tản văn càng căng đầy cảm xúc, chân tình, day dứt, suy tư, chiêm nghiệm. “Tôi trả tôi về bên những ngọn núi, để sống cuộc đời mê say”, đó là những dòng cuối cùng Đỗ Bích Thúy viết trong cuốn sách, thêm một lần nữ nhà văn xác quyết dù chị đã xa núi rừng hơn 20 năm nhưng núi rừng chưa khi nào ra khỏi tâm hồn chị.

Hà Nội, nơi Đỗ Bích Thúy gắn bó bao năm qua, yêu quý và luôn biết ơn vùng đất này, nhưng chị cũng luôn thành thật: “Tôi vẫn nghĩ, dù đôi khi đi xa tôi có chút nhớ nhung cái thành phố đông nghịt mà mình đã nương náu hơn hai thập kỷ, tôi vẫn không thể thuộc về nó. Cũng như nó mãi mãi không thuộc về tôi”. Và trong phút giây suy tư nào đó chị lại tự hỏi: “Thành phố này rốt cuộc là nơi trú ngụ, dừng chân, ở tạm của bao nhiêu phận người?” (Những bông hoa nở lúc trời chiều).

Trong những bước lãng du, Đỗ Bích Thúy cũng để lại những miền đất, miền người mà chị từng có duyên hạnh nhiều cảm xúc đẹp: yêu mến, thấu cảm, sẻ chia... Đó là đôi mắt nàng Chăm, là vóc hình những bà mẹ già, những em thơ bé nơi vùng đất An Giang xa xôi không thôi ám ảnh người phụ nữ viết văn giàu lòng trắc ẩn (Đôi mắt nàng Chăm), là những con phố, cửa hiệu, người bán hàng, con chó nhỏ... cho chị biết bao thương mến, nhớ nhung (Tôi tìm gì phố Hội đêm qua). Đó còn là những cảnh, những người của Hòa Bình, Sơn La, Hải Phòng, Bình Thuận... mỗi nơi, mỗi con người đều cho chị thật nhiều, thật đầy cảm xúc đẹp đẽ, trong ngần, để rồi tựu cả vào bốn chữ “yêu quá đời này” như chị từng viết.