Đây là một cuốn sách thật đẹp, quyến rũ người đọc bởi sắc thái mĩ học truyền thống Nhật Bản, lịch sử một giai đoạn của xứ sở Phù Tang, giấu trong hình hài câu chuyện của tuổi trẻ, tình bạn và tình yêu.
“Vang rộn tiếng ve” được viết năm 1980, lấy bối cảnh một phiên trấn ở nước Nhật thời Edo. Nhân vật trung tâm là chàng Bunshiro cùng những người bạn Owada Ippei, Shimazaki Yonosuke, Fuku… Câu chuyện được bắt đầu bằng một ngày mùa hè vang rộn tiếng ve, khởi đầu cho hành trình đầy biến động của tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Dưới chế độ Mạc phủ, võ sĩ trở thành tầng lớp đứng đầu trong xã hội Nhật Bản, có địa vị thống trị (dù thực tế, trong tầng lớp này cũng phân hóa nhiều tầng bậc: cao - trung - thấp - mạt hạng…). Những người bạn trẻ đã lớn lên cùng nhau, trải qua nhiều biến cố vui buồn trong quá trình sống và học tập, tu dưỡng. Truyền thống lễ nghi theo tinh thần Nho giáo được tái dựng một cách nghiêm cẩn qua lời nói, hành động của các nhân vật. Tuy vậy, người đọc vẫn nhận ra những khát vọng âm thầm trong trái tim thanh xuân của họ. Có lẽ, những xao động đầu đời đã đến với cả Bunshiro và Fuku (cô con gái nhà bên vừa đến tuổi dậy thì) khi họ gặp nhau bên dòng sông xanh mát một ngày mùa hạ. Khi Fuku bị rắn cắn, Bunshiro đã không ngần ngại, lập tức dùng miệng hút máu độc trên ngón tay Fuku. Đó là dấu hiệu của một mối tương giao tươi trẻ, có thể sẽ đi suốt cuộc đời hai người. Nhưng tiếc là, mọi sự lại dở dang…
Cuộc đấu tranh giành quyền lực với âm mưu từ hậu cung và các đại thần Gia lão là sự kiện trung tâm của tác phẩm. Đến hồi kết của câu chuyện này, Bunshiro đã lựa chọn danh dự gia đình, trách nhiệm bản thân, tình yêu và tình bạn để lao mình vào cuộc chiến cuối cùng. Mọi sự dần sáng tỏ, kẻ tạo nghịch bị trừng phạt, những người có công được tưởng thưởng. Bạn bè trưởng thành, có gia đình, vợ con và vẫn thân thiết bên nhau. Riêng mối tình giữa Bunshiro và Fuku vẫn không ngừng đốt cháy trái tim thầm lặng mà kiêu hãnh của họ.
“Vang rộn tiếng ve” làm trái tim ta xúc động về tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ, về những khát vọng sống và danh dự, nhân phẩm. Tác phẩm còn rất đáng lưu ý bởi thể hiện được mạch nguồn mĩ cảm truyền thống Nhật Bản vốn đã được công chúng Việt Nam biết đến qua những tác phẩm của Kawabata Yashunari, Yukio Mishima…