“Lớp học” đặc biệt
Liên tiếp những chuyến xe từ Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình… tập kết về Mường Phăng, hàng đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong mà phần đông đã ở tuổi xưa nay hiếm, cùng các nhóm cơ quan, đoàn thể, các đoàn du khách, trong đó nhiều người ở lứa tuổi trung niên, thanh niên nối nhau trên những con đường xi-măng gắn sỏi dưới những tán rừng xanh tốt.
Các điểm tham quan, tưởng niệm từ trạm gác chiến sĩ, nơi làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ Hoàng Đạo Thúy, lán ngủ của điệp báo viên, nơi làm việc của Thiếu tướng, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đến lán và hầm của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ và đường hầm xuyên núi, sang lán họp của Sở chỉ huy chiến dịch… đều tấp nập các nhóm khách và trầm trồ những lời thán phục, những sẻ chia cảm động. Không gian núi rừng, cùng những chiếc lán tre, nứa, lá, rơm đơn sơ với mô hình bàn làm việc, chõng nghỉ… và những hầm trú ẩn nhỏ, dù là hiện vật phục dựng nhưng đã gây ấn tượng cho người xem.
Đại tá Nguyễn Xuân Hùng ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), hơn 39 năm quá bận công tác, nghỉ hưu từ Tổng cục Kỹ thuật, nay mới sắp xếp lên thăm di tích Mường Phăng lần đầu, trong “đội hình” 90 cựu chiến binh của phường. Ông cho rằng, phục dựng, xây dựng đường đi như thế này đã là rất thuận tiện dù ngày xưa các cụ ở còn thiếu thốn và đi lại thì khó khăn hơn nhiều. Điều đó cũng cho thấy sự tài tình của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật sự là vị tướng tài của đất nước ta. “Hôm nay thời tiết hơi nóng. Chúng tôi có tuổi rồi, đi lại hơi vất vả một chút nhưng tinh thần rất phấn chấn. Mong không gian lịch sử này sẽ được giữ gìn mãi mãi, giữ tốt cả về môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt là tiếp tục phục hồi, sưu tầm cho đầy đủ hơn các hiện vật theo các nguồn tư liệu lịch sử”, Đại tá Hùng mong muốn.
Còn cựu chiến binh bảo vệ biên giới phía bắc Đỗ Văn Long, hiện là Chi hội trưởng Cựu chiến binh tổ dân phố Phương Lạn 4, thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam, cùng đoàn 45 cựu chiến binh lên từ Bắc Giang rất xúc động trước tinh thần chiến đấu của bộ đội ta năm xưa. “Thiên nhiên thì rất phong phú và đẹp. Nếu có điều kiện thì nên đầu tư cho đường dễ đi hơn nữa. Tôi mong tại các điểm di tích có hướng dẫn viên thuyết minh để mọi người hiểu sâu hơn”, ông Long đề xuất.
Em Hoàng Quốc Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Hà Nội, theo đoàn cơ quan bố (Công ty 207 - Bộ Tổng tham mưu) lên thăm Mường Phăng và các di tích trong TP Điện Biên Phủ. Lần đầu lên Điện Biên, lên hầm Đại tướng, với Quốc Anh, có nhiều cái lạ, cảm xúc thật khó nói thành lời, nếu không đi thì không thể biết được sự hào hùng của ngày xưa như thế nào. “Ở trường em cũng học về giáo dục quốc phòng, nhưng những chuyến đi như thế này cho mình thêm ý nghĩa lịch sử. Lần này em về nguồn, mong các liệt sĩ phù hộ em thi đỗ vào Trường Sĩ quan lục quân 1. Mặc dù đã biết thời tiết Sơn Tây rất khắc nghiệt với câu “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, nhưng đó là niềm đam mê của em”, Quốc Anh chia sẻ.
Bà Trương Thị Hà, cũng ở thị trấn Phương Sơn, là cựu chiến binh biên giới phía bắc thì tấm tắc: Khung cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, giữ được rừng. Về địa hình trước thì chắc hiểm trở, giờ tiên tiến hơn nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Chứ như xưa thì các cụ vất vả gian truân lên đây lập sở chỉ huy như thế này thì không gì sánh nổi. Bây giờ giữ được là rất quý!”.
Lời dặn xưa cùng ước mong nay
Trong ngôi nhà sàn ở trung tâm xã Mường Phăng, ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bồi hồi kể chuyện. Ông là con của cụ Lò Văn Bóng, năm xưa khi Mường Phăng được chọn đặt sở chỉ huy, cụ Bóng khi đó còn trẻ, được cụ Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo (sau gọi là Tây Bắc) tin tưởng giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được giao nhiệm vụ thông tin, báo cáo tình hình trên địa bàn. Bởi khi đó, trong dân cũng có người tốt, kẻ xấu, có tai mắt của địch, nên các hoạt động của lãnh đạo chiến dịch và các bộ phận bảo vệ, kỹ thuật, hậu cần… phải tuyệt đối giữ bí mật. Cụ Bóng đã góp phần bảo đảm an toàn cho sở chỉ huy quân ta. “Khi tôi lớn lên, thì bố tôi mới kể hé dần chứ không nói hết. Sau này, năm 1994 và 2004, Đại tướng về thăm Điện Biên, lên Mường Phăng, bố tôi còn được gặp lại. Ông cụ còn được bố trí đưa về Hà Nội thăm Đại tướng”, ông Biên kể.
Ông Biên nhớ mãi những lời Đại tướng dặn đồng bào xã Mường Phăng năm 2004: Giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ núi rừng, bảo vệ rừng thật tốt và giữ mối đoàn kết các dân tộc, cả tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế nữa… Ở nơi tiếp khách trong nhà, ông Biên treo trang trọng bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số ảnh tư liệu Đại tướng về thăm Mường Phăng, ảnh Đại tướng tiếp cụ Bóng cùng một số cán bộ, đồng bào khác, ảnh Đại tướng Hoàng Văn Thái chụp cùng gia đình và dân bản... cùng những giấy khen, bằng khen. Bên bàn nước ở vị trí này, ông vẫn bồi hồi kể chuyện xưa cho các đoàn cán bộ, các nhà báo đến thăm.
Lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 20 năm trước, cùng những cảm nhận, đề nghị của nhiều cựu chiến binh, du khách hôm nay thăm mảnh đất này, liên hệ bối cảnh hiện tại, cũng chính là những gợi mở hay cho việc giữ gìn và phát huy cao hơn giá trị khu di tích Mường Phăng. Đó là tuyệt đối giữ địa hình, không gian, màu xanh thiên nhiên; thêm hiện vật và nội dung một cách cụ thể như bản đồ, ảnh tư liệu, phim tài liệu, những câu chuyện nhỏ sinh động... Để mỗi người đến đây có thêm nhiều chi tiết đáng nhớ về cơ quan chỉ huy vô cùng quan trọng của chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.