Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Tạo Hội nghị tổng kết sau 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới về phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai rộng khắp.
Bên cạnh những thành công bước đầu, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Tỷ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa với các chiêu thức quảng cáo qua các kênh trên mạng xã hội, do đó việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Kết quả điều tra việc sử dụng thuốc lá trong học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%.
Theo các chuyên gia, với lứa tuổi học sinh, khi sử dụng một trong các loại thuốc lá sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc, có nguy cơ gặp phải những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập.
Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá. Chẳng hạn, thường xuyên truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá, thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá, tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá… để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, đồng thời nâng ý thức của học sinh trong việc chủ động phòng chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ học sinh hút thuốc lá, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2024, học sinh được học nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá trong ba môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp THPT gồm: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, môn giáo dục kinh tế và pháp luật, môn sinh học.