Giá điện thế nào cho phù hợp?

|

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố cập nhật giá nhiên liệu đầu vào của sản xuất ngành điện từ đầu năm 2023 đến tháng 10/2023. Trong đó, giá nguyên liệu có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn neo ở mức cao, dẫn tới tình trạng EVN ngày càng thua lỗ.

Nỗi niềm của EVN

Cụ thể, giá than nhập khẩu NewC Index năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Giá dầu thô Brent tăng 86% so năm 2020 và tăng 13% so năm 2021. Việc phải tăng cường huy động các nguồn nhiệt điện có giá mua cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt của nguồn thủy điện dẫn đến chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng cao trong quý III/2023.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ ngày 4/5/2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5 giúp doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.

Trong năm 2022, EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng trong sản xuất, kinh doanh điện. Riêng sáu tháng đầu năm 2023, với việc kinh doanh dưới giá vốn, EVN đã lỗ hơn 29.000 tỷ đồng. Nếu giá bán lẻ điện tiếp tục duy trì theo giá điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023, khả năng EVN tiếp tục bị lỗ là không thể tránh khỏi.

Nhìn nhận về tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dù giá điện đã có những điều chỉnh trong thời gian qua, tuy nhiên các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh điện.

Ông Thỏa cho rằng, giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh nhưng không phản ánh đúng giá trị thị trường, tạo ra các hệ lụy đối với doanh nghiệp ngành điện như dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh (chưa nói đến tái sản xuất) gặp khó khăn và khó thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.

Cùng quan điểm trên, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, giá điện phải đúng để bảo đảm cân bằng sản xuất và tiêu dùng. Ông Thiên cảnh báo: nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.

Tính thế nào là đúng và đủ?

Theo tính toán của EVN, ước tính cả năm 2023, sản lượng phát thực tế của các loại hình nguồn điện so với phương án kế hoạch 2023 đã được Bộ Công thương duyệt như sau: thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh.

Dựa vào thực tế trên, EVN tính toán giá thành sản xuất điện năm 2023 khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

Trong những năm qua, Nhà nước vẫn đang nỗ lực bù đắp về giá để phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế, duy trì tăng trưởng. Do đó, giá điện hiện tại được đánh giá là phù hợp với thị trường, nhưng tạo ra mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành.

PGS, TS Trần Đình Thiên thừa nhận rất khó để có thể xác định một mức giá điện như thế nào là phù hợp cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng sử dụng giá điện như công cụ để thúc đẩy hành vi tiêu dùng.

Theo ông Thiên, thị trường điện chia ra thành các phân khúc: Nhà sản xuất, nhà phân phối, tiêu dùng. Các công cụ chính sách điều tiết lợi ích để không làm cho một bên được hưởng lợi và không gây thiệt hại quá mức cho bên kia, cũng như đạt được các mục tiêu, chính sách khác. Do đó, ông Thiên cho rằng, muốn tính đúng, tính đủ giá điện cần tập trung vào các mặt sản xuất, phân phối và chính sách tiêu dùng.

Cụ thể, đối với sản xuất điện, đặc biệt phải rà soát các quy định, làm sao giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất và tăng sự cạnh tranh. Ngoài chi phí sản xuất bình thường - đó là cộng dồn của nguyên vật liệu, phương thức sản xuất. Ông Thiên nói thêm, hiện đang có tình trạng chi phí về thủ tục, độ trễ về thủ tục, thủ tục trở nên khó khăn, với nhiều điều kiện, đã hạn chế việc gia nhập thị trường. Như thế sẽ giảm tính cạnh tranh và xu thế độc quyền tăng lên, gia tăng các chi phí khác sẽ cộng vào giá điện. Bên cạnh đó, liên quan đến phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối. Cùng với đó, các chính sách tiêu dùng phải được rà soát, thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng là tiết kiệm điện. Đó không chỉ là hành vi của người tiêu dùng mà còn cả các chính sách liên quan khác như các sản phẩm tiêu thụ ít nhiên liệu, công nghệ tiêu thụ ít nhiên liệu.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, đoàn giám sát chuyên đề đánh giá: Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.