1/Theo thống kê của Vườn quốc gia Hoàng Liên, trong năm 2023, đã có 11.315 lượt du khách tham gia hành trình leo bộ chinh phục đỉnh Fansipan với 51% là du khách nước ngoài.
Nếu lựa chọn cáp treo, mỗi du khách chỉ mất 30 phút để lên tới đỉnh núi nhưng nếu chinh phục bằng đường bộ thì thời gian sẽ lên đến 7 giờ leo hoặc có thể lâu hơn với những người mới bắt đầu. Quãng đường từ điểm bắt đầu là Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan dài 16 km, băng qua Vườn quốc gia Hoàng Liên kỳ vĩ, những đoạn dốc dựng ngược nối tiếp nhau vắt kiệt sức người. Nhưng xuyên suốt hành trình đó, người leo sẽ được ngắm trọn vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc hoang dại khi nổi gió, thơ mộng với những ánh nắng len lỏi rải xuống lối đi, những đoạn đường rực đỏ cánh hoa đỗ quyên cuối mùa. Thảm thực vật phong phú tại đây cũng sẽ thay đổi theo độ cao và nhiệt độ khiến đây là một trong những lý do để nhiều người lựa chọn trekking thay vì cáp treo.
Cầm chiếc máy ảnh trên tay, Fynn và nhóm bạn (quốc tịch Đức) không khỏi bất ngờ trên hành trình chinh phục Fansipan. “Thiên nhiên và cảnh quan quá tuyệt vời. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ tại Việt Nam mà tôi sẽ kể lại cho bạn bè ở nhà”, Fynn chia sẻ.
Khác với những cung đường khám phá tự do khác, trước khi leo bộ lên Fansipan, du khách sẽ phải đăng ký với Trạm kiểm lâm Núi Xẻ và rồi sau khi hoàn thành chặng đường leo, sẽ nhận được huy chương danh dự và giấy chứng nhận có chữ ký. Không ai rõ con đường leo bộ lên đỉnh Fansipan có từ bao giờ, do ai khai phá nhưng kể từ khi có cáp treo, con đường này vẫn thu hút đông đảo những người thích khám phá, chinh phục thiên nhiên và loại hình du lịch này đã đóng góp không nhỏ vào doanh thu của địa phương. Tổng lượt tham quan trong tháng 2 đầu năm 2024 đã tăng 2,6% so cùng kỳ với 538 nghìn lượt khách, trong đó có 57.191 khách quốc tế.
“Lần đầu tiên tôi leo Fansipan là vào năm 2016, cung đường này vô cùng hiểm trở và khó đi, có những đoạn phải đu dây chứ không có bậc thang như bây giờ. Nhưng lần nào cũng thế, cảm giác vượt qua giới hạn bản thân lên đến đỉnh núi thật vui và khó tả”, anh Nguyễn Hoàng Long (đến từ Hải Dương) chia sẻ sau gần 10 năm quay lại.
2/Cùng với sự phát triển của loại hình du lịch này, đời sống của đồng bào tại đây cũng có sự thay đổi đáng kể. Anh Sùng A Dơ (27 tuổi, người dân tộc H’Mông), một trong những người dẫn đường, mang vác hành lý có 8 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, công việc tuy vất vả nhưng thu nhập gia đình được cải thiện. Không chỉ đem lại việc làm cho nam giới địa phương mà cả nữ giới. Như trường hợp chị Mã A Di (25 tuổi, người dân tộc H’Mông), còn được tham gia các lớp học tiếng Anh cơ bản tổ chức tại đây để phục vụ các đoàn khách nước ngoài. Có thể thấy, sự phát triển của cung đường trekking này không chỉ đem lại doanh thu về du lịch mà còn góp phần giúp tăng trưởng du lịch cộng đồng, cải thiện thu nhập và phổ cập kiến thức cho người dân bản địa.
Với thế mạnh về tài nguyên sẵn có, Sa Pa hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch trekking chinh phục đỉnh Fansipan cùng các loại hình dịch vụ khác để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch. Đặc trưng của loại hình du lịch trekking là thực hiện tour bằng phương thức đi bộ và điểm đến là những vùng thiên nhiên hoang sơ, hẻo lánh, giao thông bất tiện nên sự gắn kết với cộng đồng địa phương rất quan trọng. Khách du lịch trekking và cộng đồng địa phương vừa tác động qua lại vừa hỗ trợ nhau phát triển. Để hình thức du lịch này được bền vững cần có những kế hoạch cụ thể để nâng cấp chất lượng dịch vụ từ lưu trú đến con người nhằm tránh những tác động xấu đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến Vườn quốc gia Hoàng Liên.