“Người chế tác nhạc cụ giỏi không thể chỉ là một ông thợ lành nghề”

|

Hơn nửa thế kỷ, trong căn nhà nhỏ tại phố Hàng Nón (Hà Nội), nghệ nhân - NSƯT Phạm Chí Khánh hằng ngày bền bỉ chế tác và sưu tầm hàng trăm nhạc cụ từ 54 dân tộc. Chia sẻ với Thời Nay, ông Khánh bày tỏ nỗi băn khoăn với việc gìn giữ và lan tỏa giá trị nhạc cụ truyền thống.

Phóng viên (PV): Con đường đến với đam mê chế tác và sưu tầm nhạc cụ truyền thống của ông bắt nguồn từ đâu?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Tôi vốn xuất thân từ gia đình có nghề làm trống trên mảnh đất Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam), là nghề cha truyền con nối có từ thời Vua Lê Đại Hành đến nay. Khi còn bé, tôi đã được thừa hưởng và nuôi dưỡng tình yêu với việc chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Hễ nghe thấy tiếng trống, tiếng đàn là máu nghệ thuật trong người tôi lại trỗi dậy.

Hồi mới lên 7, 8 tuổi, tôi chỉ phụ giúp cả nhà những việc đơn giản như mắc dây đàn, đánh giấy ráp, bưng mặt trống... và quan sát mọi người làm việc. 10 tuổi thì được cha dạy cho cách chơi đàn nhị. Năm 1979, tôi bắt đầu theo học tại khoa Tuồng hệ trung cấp 4 năm của Trường nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, nay là Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Vào trường, càng được tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ từ cả trong lẫn ngoài nước, tôi lại càng say mê vẻ đẹp độc đáo của âm nhạc nước nhà, đặc biệt là ở thang âm, điệu thức và chất liệu.

Tốt nghiệp, tôi về Nhà hát Tuồng T.Ư và được đi biểu diễn tại nhiều vùng miền trên cả nước. Qua mỗi chuyến đi, tôi lại khám phá thêm những loại nhạc cụ mới lạ từ nhiều dân tộc khác nhau. Từ đó, tôi xin chơi thử, hỏi han thông tin, rồi mua về để sưu tầm và nghiên cứu nguyên lý chế tác dựa trên kinh nghiệm sẵn có của mình.

PV: Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Xin ông chia sẻ về những khó khăn, thử thách trong quá trình này?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Với tôi, những ngày tuổi trẻ có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng... đáng nhớ nhất. Hồi ấy, tôi vẫn là cậu sinh viên vừa học vừa làm, lắm lúc cũng rất muốn được đi đây đi đó, khám phá nhiều hơn nhưng điều kiện bấy giờ không cho phép.

Thứ nhất là vì thiếu thốn phương tiện đi lại, cũng như phương tiện lưu trữ như máy ảnh hay máy thu nên khó để tôi được học hỏi trực tiếp. Tầm chiều chiều, tôi thường ra mấy quán nước có mở đài cát-xét, thấy nhà nào đang phát những vở chèo, vở tuồng thì ngồi lại nghe, ghi nhớ để về học theo. Có những ngón đàn hay, tôi thường kể vui với mọi người là “học mót” được từ các cụ nghệ nhân trong Nam đấy!

Vấn đề thứ hai là ở công cuộc nghiên cứu các loại nhạc cụ dân tộc mà ít người biết tới. Ngày xưa, mỗi dân tộc lại sống tách biệt, ít có sự giao thoa văn hóa và không có nhiều công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin như hiện nay. Mỗi loại nhạc cụ lại chia thành nhiều chủng loại, nhiều kiểu chế tác khác nhau nên tôi cũng từng gặp không ít khó khăn trong việc thu thập và phân loại. Nhưng sau này, khi đã quen với nghề, đa số những nhạc cụ đều được tôi chế tác lại thành công và phát huy được màu sắc riêng của chúng.

PV: Được biết, nguyên liệu cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên một nhạc cụ hoàn chỉnh. Ông có thể cho biết bí quyết lựa chọn nguyên liệu chế tác nhằm bảo đảm chất lượng và âm thanh tốt nhất?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Với kinh nghiệm của tôi, bí quyết hàng đầu là chúng ta cần phải biết khai thác nguyên liệu vào đúng mùa vụ. Đặc biệt đối với nguyên liệu gỗ và tre, việc khai thác vào thời điểm “vàng” là cách hiệu quả nhất để chống mối mọt, giữ được chất lượng lâu bền cho thành phẩm. Như trong dân gian, các cụ ngày xưa cũng từng dạy rằng “Tháng tám tre non làm nhà, tháng năm tre già làm lạt”.

Đã có lần, trong chuyến lên Hòa Bình, chúng tôi thử khai thác những cây nứa già, chở về Hà Nội. Tới khi vệ sinh, phơi khô mới phát hiện chỉ còn khoảng 10% nứa là dùng được, 90% còn lại đã bị hỏng vì mối mọt. Lúc đó mới hiểu ra cây đã quá tuổi để chế tác rồi. Quả thật, phải có những bài học nhớ đời như vậy mới có thể rút ra kinh nghiệm xương máu cho mình.

PV: Trong quá trình chế tác, có những công đoạn hay kỹ thuật nào cần đặc biệt lưu ý không, thưa ông?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Đối với chế tác nhạc cụ, lựa chọn và xử lý chất liệu bao giờ cũng là công đoạn đòi hỏi kiến thức và tay nghề cao nhất.

Trước hết, người chế tác cần hiểu rất rõ về từng nhạc cụ để lựa chọn được chất liệu phù hợp. Không phải cứ lúc nào gỗ quý, đắt tiền đã là tốt, mà điều quan trọng là chọn được loại gỗ ăn nhập với từng loại trống, loại đàn để phát huy hết ưu điểm của nó. Như đối với gỗ để làm mặt đàn, hiện nay phổ biến nhất là gỗ vông và gỗ ngô đồng. Còn đối với trống, thường có hai phần chính là gỗ để làm tang trống (thân trống) và da trâu để bưng mặt trống. Thí dụ, nếu làm tang trống đồng, trống cơm thì nên chọn gỗ sung vì âm thanh khi đánh lên nghe rất ấm mà tiếng lại vang xa. Không nên chọn gỗ trắc vừa đắt, vừa trơ tiếng, lại không có âm sâu. Da trâu được lựa phải là da của những con trâu già có độ bền, dẻo dai, được đem đi bào mỏng, phơi khô ngay khi vừa mổ xong để giữ được độ đàn hồi, lúc đánh mới tạo nên tiếng giòn vang.

Trong quá trình xử lý, người chế tác cũng cần quan sát và cảm nhận rất kỹ độ dày, mỏng của chất liệu để cho ra âm thanh hay và chuẩn nhất. Như khi mài gỗ, tôi thường phán đoán trước gỗ đang ở dạng xốp hay cứng, rồi tùy vào tình trạng để đo lường độ dày sao cho vừa vặn. Hay khi làm đàn, kỹ thuật đục sâu bao nhiêu, lắp thế nào, nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất trong từng khâu chế tác đều có sự phức tạp riêng. Tất cả điều đó đều đến từ kinh nghiệm cảm âm và làm lâu năm trong nghề của tôi mà đúc kết ra được.

PV: Ông nghĩ sao về tình hình chế tác và phát triển nhạc cụ dân tộc trong bối cảnh hiện nay?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Hiện nay, tình trạng chế tác nhạc cụ dân tộc đang gặp khá nhiều thách thức. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là số thợ chế tác giỏi không nhiều, một số thợ mới vào nghề lại thiếu kinh nghiệm. Điều này dẫn đến một số nhạc cụ được chế tác chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và âm thanh.

Người chế tác giỏi không thể chỉ là một ông thợ lành nghề mà cần là một người có tâm, có tình với nghề, có am hiểu về âm nhạc, biết cách nghe người nghệ sĩ chơi nhạc cụ mình làm ra. Tôi từng biết có những người rõ ràng ở trong các làng nghề làm đàn, nhưng không có ham thích thật sự nên chỉ làm lại cho giống với mẫu, đến khi hỏi về tên đàn lại cười trừ vì không biết. Bản thân tôi cũng rất băn khoăn liệu sau này cái nghề của mình sẽ đi đến đâu nếu không còn ai kế tục…

Còn về con đường phát triển của nhạc cụ dân tộc, tôi có thể khẳng định rằng tinh hoa này luôn đóng góp một vai trò lớn cho việc lan tỏa văn hóa và âm nhạc Việt đến bạn bè quốc tế. Đã có đến 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, trong đó riêng âm nhạc đã có tới 11 di sản. Khi đã được công nhận, việc gìn giữ và bảo tồn được mới là điều quan trọng. Như với nhạc cụ cồng chiêng, nhiều nơi đã bị làm sai đi rất nhiều, không đúng với thang âm của âm nhạc cồng chiêng mà được UNESCO đánh giá.

PV: Theo ông, nên có những biện pháp gì để nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đối với nhạc cụ truyền thống Việt Nam?

NSƯT Phạm Chí Khánh: Trước hết, cần đưa nhạc cụ và âm nhạc truyền thống vào chương trình giáo dục, vào sân khấu học đường. Học sinh nước ta rất nên được tiếp cận nhiều hơn, được nghe, được trải nghiệm với nhạc lý và nhạc cụ truyền thống, để hiểu được sự đặc biệt, thiên biến vạn hóa của thang âm ngũ cung Việt Nam, từ đó cảm nhậc được cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc. Nhưng vấn đề này cũng còn nhiều điều làm tôi trăn trở, bởi chưa thấy có sự đào tạo giáo viên một cách bài bản và chuyên sâu, cũng như chưa có sự đồng bộ ở các cơ sở giáo dục.

Về phía tôi, bên cạnh việc chế tác, sưu tầm nhạc cụ, tôi vẫn ấp ủ nhiều nghiên cứu về âm nhạc dân gian. Tôi cũng cố gắng mở thêm các lớp dạy đàn, dạy trống cho các cháu nhỏ. Thật sự lắm lúc bản thân tôi cũng buồn và lo nghĩ, tự hỏi không biết rồi sau này còn những người thật sự đam mê như tôi và những nghệ nhân cùng thế hệ với tôi hay không. Lúc này, thật sự mong sẽ sớm có một cơ chế, một đường lối cụ thể để phát triển, gìn giữ âm nhạc truyền thống Việt Nam.

PV: Chân thành cảm ơn nghệ nhân, NSƯT Phạm Chí Khánh!