Mắt kẻ ngụ cư xoáy đêm đại ngàn

|

Cầm thi tập đầu tay - “Thế kỷ trống” (NXB Hội Nhà văn) của cây bút trẻ Nguyễn Đức Hưng từ đại ngàn Kon Tum xanh thẳm tôi mừng.

Nói vậy để thấy thơ ngày nay với những người trẻ vẫn là một hành trình cân đo đong đếm với nhọc nhằn mưu sinh. Rất nhiều người trẻ yêu thơ đến với thơ nhưng chỉ năm thì mười đỗi rồi hun hút đâu đó trên phiêu bạt đường đời. Riêng với chàng trai trẻ này lại từ một vùng núi rừng heo hút Măng Đen mà dấn thân mạnh mẽ.

Nguyễn Đức Hưng bắt đầu làm thơ chỉ vài năm nay. Hưng in tập đầu tay, như một sự góp nhặt những cảm xúc để gióng lên những tiếng rì rầm từ đại ngàn. Tập thơ nhỏ gọn với 46 bài thơ tự do mang màu sắc chủ đạo là cảm xúc của chàng trai trẻ từ những ngày đầu đặt chân đến với phố núi rừng xanh này, cho đến bây giờ đã là gắn bó bền chặt. Sợi dây cảm xúc xuyên suốt tập thơ nối liền hai mảng là đại ngàn và tôi. Có thể thấy rất rõ, dù không chủ đích nhưng phần lớn các bài thơ chính là dành riêng cho núi rừng, tộc người, văn hóa và lấp lánh một tôi hòa quyện đan cái vào từng câu chuyện: “mắt đại ngàn xoáy vào đêm thăm thẳm/vỡ hoang từng thớ núi lòng sông/chim Ch’rao khản tiếng gọi bạn tình hội tụ/nhấp nháy mùa trăng lên/lời hứa người đồng bằng say bên bếp lửa/đã lỡ thương ai thì lặng lẽ đi tìm” (Đêm trăng đại ngàn).

Nguyễn Đức Hưng vốn người Nghi Xuân, Hà Tĩnh đến với cao nguyên bằng những bước chân thanh xuân đầu đời bỡ ngỡ nên lòng dạ bời bời sự thương tưởng một miền xanh xa cũ. Còn bây giờ, anh hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kon PLông ở thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum, đã yêu tha thiết một thị trấn mây mờ, một nẻo cao bảng lảng đang chuyển mình theo nhịp thở hiện đại. Sự thay đổi của một vùng đất luôn khiến những trái tim lỡ yêu nơi này trăn trở. Nhưng giữa được và mất, thơ tự khắc sẽ biết nâng niu và giữ gìn một hồn thiêng núi đồi trong chữ, trong ý và trong tâm khảm mình. Từ đó thơ sẽ mang một sứ mệnh bảo lưu văn hóa của vùng đất đó.

Tập thơ đầu chưa thể nói hết con đường của chàng trai trẻ này, Hưng từng trăn trở cùng tôi trong lần gặp gần đây, anh chàng vẫn cần phải đi về phía trước bằng tâm thế đọc và học, như một cuộc truy tìm chính mình trong một bản thể ngụ cư. Riêng với Kon Tum, độc giả sẽ cảm nhận sự hồi sinh của những người trẻ viết lách biết khơi nguồn một dòng chảy riêng biệt, như chính Hưng bộc bạch qua thơ: “ta giải nén chính ta trong thế giới mỏng manh/một vết sẹo chưa bao giờ khép miệng/một bản thể chưa bao giờ hoàn thiện/một cảm thức chưa bao giờ bất biến/một kẻ ngụ cư trong/chính/bản thân mình/”.