Dẫu là tập sách đầu tay, nhưng tác phẩm của cô gái dân tộc Nùng lại đem đến một ấn tượng sâu sắc. Tập sách được chia làm ba phần. Phần I “Tam tấu tôi” - gồm ba khúc/bài viết về chính tác giả với những câu thơ đầy chất tự sự và thế sự, nhưng cũng đầy gợi nhắc đến niềm lạc quan, tin yêu.
Phần II là trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ”. Trường ca là nội dung cuốn hút, hấp dẫn bạn đọc nhất của tập, cũng là trường ca gửi gắm nhiều tâm sự nhất của Thèn Hương. Trong đoạn “Đi hay ở lại?”, tác giả trăn trở: “Đôi khi cỏ mơ giấc mơ của một loài cỏ/nhỏ nhoi thôi/nơi xó núi cuối rừng/một giấc mơ khờ khạo”. Có thể nói, với trường ca, tác giả đã phác họa ước mơ của những cô gái tuổi 15, 17 nơi núi rừng. Đó là Mảy, Luyến, Mây, Ngần, Lục… Hay chị Ngự, dì Lèng, thầy Phà… Họ là cỏ, là thân phận bé nhỏ, những người tác giả đã gặp ngoài đời thật, song đó cũng có thể là chính tác giả, hoặc là bất cứ ai. Với lối viết bộc trực, không dùng nhiều kỹ thuật, Thèn Hương như “bê nguyên” những trải nghiệm, bao điều mắt thấy tai nghe ở vùng cao, nơi quê hương chị vào thơ. Nhưng đó là cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ. Ở nơi đó có núi rừng, các sinh hoạt văn hóa, sản xuất, có lễ hội, các phiên chợ. Ở đó cũng có đau khổ, trở trăn và vươn lên. Bởi cuộc sống đã đổi thay, đô thị mới, sự dịch chuyển không gian vùng cao về thành phố để kiếm việc làm. Rồi chuyện smartphone đã “bò” vào bản làng, vào những ước mơ tuổi thiếu niên. Theo quy luật phát triển, có cái được thì cũng có cái mất. Nhưng dù có mất mát gì, có chịu vài ba vết xước, tác giả đều tin: “ẩn trong ánh mắt buồn bà mẹ vùng cao/giấu sau nụ cười gượng cô sơn nữ sớm vào đời/giấc mơ ở đó/chờ đợi…”. Mỗi đoạn, mỗi bài trong tập sách đều chứng tỏ chị là người yêu và có trách nhiệm với cuộc sống và môi trường sinh thái của quê hương mình.
Phần III “Thổ cẩm về xuôi”, gồm 15 bài thơ viết về đời sống, văn hóa các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Sán Chay… Bạn đọc sẽ được tiếp cận những điệu hát sình ca, múa chim gâu, cầu mùa; tục ở rể của người Dao, rồi múa thuông, hát then của người Tày… Nói về cỏ, Thèn Hương đã cố gắng găm nhiều hàm lượng văn hóa, sự trải nghiệm, trăn trở của mình thông qua giấc mơ của người vùng cao. Có thể coi đây như thể những nét đẹp riêng của đồng bào. Những bài thơ lẻ phần này xoáy sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng dân tộc.