Những nhỏ nhoi tráng lệ

|

Với tập thơ mới - “Ngoài mây trời đầy trống vắng” (NXB Hội Nhà văn, 2023), nhà thơ Đoàn Văn Mật khéo phác ra những khoảng vu vơ huyền hoặc. Ở đó gồm có chữ gọn, hình ảnh rất giản dị và chuyển động thì khác thường.

Chính sự khác thường này nối những cái tưởng quen thuộc và sơ lược thành ra một phối cảnh là lạ và gieo bâng khuâng vào ý nghĩ. Như khổ đầu bài thơ “Ban mai”: “Gió thổi mạnh/ban mai rót vào tôi/mặt trời đến lúc nào không biết”, khổ đầu bài thơ “Bóng”: “Bóng em/bóng hoa/nhập nhau làm một/hương thơm ùa vào anh nao nức”.

Có lẽ, đó là hiệu quả của quan sát, ngẫm ngợi miên man từ những hình, vẻ, sắc mầu, trạng thái… mà ta có thể gặp quanh mình, trên những rong ruổi, hay kể cả giữa không gian quen. Nó khiến cho những cái dù bên cạnh, dù thường thấy, cũng có thể được tái lập ở những đẹp tươi và sinh động khác hơn. Đó chính là “quyền lực” của tâm tưởng nhà thơ khi gây dựng không gian và cách thức sáng tạo của mình. Và như thế nó khiến câu thơ có thể trở nên lung linh khi đo đếm những điều vốn không thể: “Đêm rất dày/ánh trăng nhu nhú mỏng/ánh sáng tìm lối vắng để mà trong”. Nó giúp tạo cảm giác hư hư thực thực, quyện hòa xa gần, kết nối và chuyển đổi giữa mắt nhìn với lòng đang dâng cảm xúc: “ngơ ngác gặp một người đi biệt/bóng ngang qua hoa đại trắng chập chờn” (Một đêm mùa thu).

Cách kết nối các hình ảnh, xen lẫn những chuyển động giúp nhà thơ lồng ghép nhiều hơn vào trong một. Bài thơ “Những đám mây cuối trời” bừng lên một bức tranh kỳ vĩ, nôn nao: “Đã dạt về cuối trời/vẫn đổ bóng sang vòm trời khác/những đám mây kia ơi/bay nhẹ thế làm ta kinh ngạc…/đã có lúc ghì mình sát đất/rồi bay theo mộng mị kiếp người/hòa tất thảy vào đời sống khác/lại làm mây di tán lưng trời//bay nhẹ thế, làm sao ta hiểu nổi/người từng mang gương mặt con người”. Có những bài thơ, khổ thơ, câu thơ khác, cứ thế, giúp người đọc nhận ra thêm từ đồ vật, từ quang cảnh những vẻ khác. Và ngồi với đêm như sâu hơn, dằn vặt hơn bởi “mười năm soi cùng khuya khoắt/không sao rõ mặt một người”, đối diện những bức tường căn phòng thêm vời vợi khi “ăn luôn cả/bóng tôi trên tường” (Tôi ăn bóng tôi)… Cũng có khi đó là chính phần khác của sự vật mà ta chưa biết đến. Đời sống nhờ thế mà rộng ra, sâu xa hơn, đa chiều, nhiều ý, cứ như “mỗi cúc áo là một mặt trời” (Phơi mưa), cứ như “đom đóm bay sao rụng quanh nhà” (Cúc ma)…

Xét đến cùng, chính bởi ý nghĩ bay lượn không ngừng mà người thơ tạo nên trước mắt ta những nhỏ nhoi tráng lệ. Phải vậy chăng, mà tác giả đã đặt tên các phần trong tập thơ luôn với những trạng thái chuyển động qua không gian vào trong suy tư. Và những cái tên ấy cũng bao quát không khí chung của các bài thơ trong mỗi phần đó: “Sợ làm lay chiếc bóng”, “Những con mắt mở lời thú tội”, “Nơi chưa từng dừng lại”, “Chờ một mùa lá mới” và “Sinh ra từ trắc ẩn”.

“Ngoài mây trời đầy trống vắng” là tập thơ “sinh ra từ trắc ẩn”.