Cảnh tỉnh trước cuộc đời

|

Gần 500 trang sách “Tuyển truyện ngắn và ký” (NXB Hội nhà văn), chọn lọc, gói gọn phần đời nhân vật trong đời sống tinh thần, sự nghiệp văn xuôi của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh.

Trong tuyển tập này, phần truyện chị nghiêng về cách viết truyền thống, cách kể chuyện như chị đang kể với người nghe rất nhiều mảnh đời phong phú. Người trong song sắt, kẻ ngoài cánh cửa; trong bệnh viện, ngoài bệnh viện, cách viết liền mạch về phận người, có câu chuyện không có cốt chuyện vẫn cuốn hút người đọc. Một bác sĩ chuyên sâu về tim mạch, từng cứu vớt trái tim của một chàng trai và nhân vật được cứu, lại sống tàn mạt, ác độc cả đến đồng nghiệp, đến sinh mạng người. Câu chuyện gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về phận người.

Truyện ngắn Nguyễn Thị Vân Anh hướng vào nội tâm. Cách kể chân tình, rủ rỉ, khiến người đọc ngậm ngùi về đứa con trong truyện “Đứa trẻ sau song sắt”. Ám ảnh chi tiết tình mẫu tử và nỗi nhớ con nghĩ về mẹ làm rung động trái tim người đọc, cho thấy cảnh huống đẩy đứa trẻ đến tù tội lại do nguyên nhân từ bậc cha mẹ, sự khắc nghiệt của số phận đẩy đứa trẻ đến lao tù. Truyện “Hạnh phúc mong manh”, nhà văn bóc ra một thói tật đa nghi của gã đàn ông, nhân vật này khi làm chồng có tính khí đa nghi “Tào Tháo”. Cũng dễ thấy căn bệnh khá khó chữa của số ít đàn ông và nhiều gia đình Việt.

Phần ký của nhà văn, chị viết về GS Tài Thu, thế hệ hôm nay, giới trẻ ít người biết đến một tài năng bác sĩ châm cứu Nguyễn Tài Thu. Một bác sĩ tài danh lặng lẽ cứu người, sống ẩn dật cuối đời và ký của chị làm sống lại nhân vật của thế kỷ trước. Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh viết ký và tôi thấy vai trò của chị đóng góp cho văn học. Hay như ký “Tình quê hương”, cho thấy nhà văn đi thật rộng thật xa, thật nhiều. Những ấn tượng và cách thoại đều có sức lôi cuốn người đọc.

Đọc tuyển tập truyện ngắn và ký của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh, còn có một cảm giác khác nữa là chị viết xong là xong, đóng góp cho văn chương thấy đủ là đủ chứ chị không màng gì danh vọng, giải thưởng. Đọc chị lại thấy chị thanh thản viết, thanh thản lo tổ chức làm vườn, làm du lịch cộng đồng, không viết thì làm vườn, giản dị như quan niệm sống của người xưa, như ông bà ta vậy. Trân trọng, mừng rỡ với tác phẩm của bạn văn, tôi vẫn có quyền, ước phần sau của tập “Tuyển truyện ngắn và ký”, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh sẽ có một tập ký ngang ngửa, dày dặn hơn tập tuyển này.