Chuyện Ông Hiệu Cờ ở Hội Gióng Phù Đổng

|

NDO - NDĐT - Ông Hiệu Cờ là một nhân vật đặc biệt trong Hội Gióng. Người được chọn phải đạt được những tiêu chuẩn về tác phong, lối sống và cả kinh tế gia đình. Nhân vật này được tôn trọng và có thể được mang danh hiệu cả đời.

Đền và Hội Gióng có từ thời Lý, Hằng năm, Hội Gióng ở Phù Đổng (Sóc Sơn) được tổ chức gọi là Hội lệ. Năm năm một lần vào giữa và cuối một thập niên (thí dụ 2010,2015) tổ chức Hội chính.

Hội Gióng là một ngày hội toàn dân, đúng nghĩa với sự tham gia của tất cả các thôn làng. Với đội ngũ khánh tiết gồm 100 cụ, đội Phù Giá có từ 72 người trở lên; đạo quân của mỗi ông hiệu, cô tướng khoảng 40-50 người chưa kể người tháp tùng, cộng với các phường, tính ra có khoảng 2.000 người trực tiếp tham gia hội.

Ở Hội Gióng, ngoài “Phù Giá” là đội quân ngự lâm, còn có Làng Áo Đen là dân binh; Làng Áo Đỏ, roi đồng là đội quân thiếu nhi; Phường Ải Lao là đội quân của các dân tộc thiểu số, trong đó có Ông Hổ là tượng trưng cho các loài vật thuần phục được để đánh giặc. Rước nước là rửa binh khí cho sắc bén trước chiến dịch. Khám đường là kiểm tra mặt trận trước một trận đánh lớn. Hậu cần tuy đã chuẩn bị sẵn nhưng đi theo đoàn quân còn có “ông câu cá” để lo cái ăn cho quân đội dọc đường hành quân chiến đấu. Trận đánh đầu tiên là “Trận Đống Đàm” ở thôn Đổng Viên, trận đánh tập trung nhất, ác liệt nhất là Trận Soi Bia (diễn ra trước cửa Đền Gióng.

Ông Hổ.

Sau trận Soi Bia, tất cả 28 cô Tướng giặc giương cờ trắng, không được ngồi kiệu nữa mà phải bộ sau đoàn quân thắng trận của các Ông Hiệu. Tới đền Thượng, Ông Gióng khao đại quân. Các ông Hiệu lần lượt vào lễ Thánh, báo tiệp. Hai cô Tướng Đốc và Tướng Ngựa, vào đền Thượng làm “lễ” nộp mũ, dâng kiếm, dâng áo xin hàng. 26 nữ tướng còn lại phải quỳ xuống bái vọng trước cửa đền. Chỉ có hai chỉ huy cao nhất của giặc bị lột áo mũ, chịu hành quyết; còn 26 cô tướng còn lại và đạo quân của họ được tha bổng, sau cùng cho vào dự tiệc!

Nhờ Hội Gióng mà dân xã Phù Đổng và làng Đổng Xuyên (trước đây thuộc Phù Đổng) lưu truyền được nhiều tục đẹp.

Khi mẹ Gióng chỉ dẫm vào vết chân lạ và ăn cà mà mang thai, đến ngày sinh đẻ, bà bị đuổi đi. Chỉ dân Trại Nòn (nay là Xóm Ban) là đón và chăm sóc bà, bà đã sinh hạ Thánh Gióng ở đây vào ngày Mồng Bảy Giêng. Vì vậy, dân xóm Ban đời đời được cả xã kính trọng, có gì cũng ưu tiên xóm Ban trước.

Ai được cử làm Ông Hiệu, nhất là Ông Hiệu Cờ (Thánh Gióng) là một vinh dự lớn cho cả làng, cho bản thân suốt đời. Ông Hiệu, Cô Tướng nào cũng phải trẻ đẹp, có đạo đức tốt. Gia đình phải chuẩn mực về mọi mặt và đương nhiên phải khá về kinh tế. Ông Hiệu Cờ được chọn năm nay là Ông Hiệu Hoàng Xuân Biên sinh năm 1991 tại xóm Lăng, thôn Đổng Viên.

Nhận mệnh từ 21 – 3 âm lịch, ông ở trong dinh riêng, ăn chay và trai giới nghiêm mật; không ai được tiếp xúc, kể cả cha mẹ. Phục vụ riêng ông có ba người hầu, chỉ ba người này với thầy dạy mới được nói chuyện với ông. Đội quân của Hiệu Cờ có khoảng trên dưới 40 người luôn theo sát ông trong những ngày hội; ăn uống nhà ông hiệu phải lo. Ngày trước hội Khám 7-4, nhà ông Hoàng Văn Giới (bố ông Hiệu Cờ Hoàng Xuân Biên) mở tiệc khao mừng bà con 100 mâm. Bà con đến mừng đông và thể hiện niềm tự hào chung, vừa đóng góp kinh tế (dù ít) để chung lo việc Nhà Thánh như truyền thống góp gạo nuôi Thánh Gióng xưa.

Được làm Ông Hiệu, thì suốt đời được gọi là Ông Hiệu kèm tên (như Ông Hiệu Biên), được mọi người kính trọng. Ông Hiệu cũng phải suốt đời rèn luyện để xứng danh.