Hội thảo quốc tế về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại

|

NDO - NDĐT- Trong hai ngày 5 và 6-1, Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại - Trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu” diễn ra tại thành phố Nam Định do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức.

Hội thảo thu hút gần 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ chín nước và vùng lãnh thổ (Bun-ga-ri, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hung-ga-ri, Nga, Pháp, Trung Quốc) cùng các nhà quản lý về văn hóa ở Trung ương và địa phương, đại diện những người trực tiếp tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tham dự.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS-TS Từ Thị Loan - Quyền Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VHNTQG) cho biết, Thờ Mẫu là một tín ngưỡng lâu đời và phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều dân tộc khác trên thế giới. Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt, có sức lan tỏa mạnh và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại. Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thay đổi lớn lao trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là những chuyển biến phức tạp trong đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng.

Vì vậy, ban tổ chức hội thảo đề nghị các nhà khoa học và các đại biểu tập trung thảo luận vào những vấn đề: Phương pháp nghiên cứu nghi lễ, tín ngưỡng; Các hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và các hình thức tương đồng khác; Chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng; Bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại.

Hơn 70 báo cáo khoa học, tham luận trình bày tại Hội thảo đều khẳng định ở Việt Nam tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh) có cội nguồn trong tâm thức của người Việt về thế giới tâm linh; thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn dân tộc; đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện.

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Nghi lễ chầu văn - một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang đầy tính thiêng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội.

Trong khuôn khổ Hội thảo các đại biểu còn đi tham quan Phủ Vân Cát, Nguyệt Du Cung và tìm hiểu diện xướng Chầu văn ở Phủ Tiên Hương thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) và đều có chung nhận xét: Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được phát triển mạnh mẽ trong xã hội đương đại; xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.