Đã có một thời gian dài, nhiều người cho rằng, vùng đất Thăng Long - Hà Nội không có truyền thống múa, hoặc nghệ thuật múa chỉ hết sức mờ nhạt trong một số lễ hội. Tuy nhiên, sau khi thực hiện những chuyến điền dã đầu tiên vào năm 2000, các thành viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội nhận ra vùng đất Thăng Long - Hà Nội có một kho báu di sản múa cổ. Hầu hết các điệu múa cổ của Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều gắn với các nghi thức tâm linh, song, chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đây là lý do khiến múa cổ bị biến đổi do người dân tại các địa phương không ý thức được những giá trị, làm sai lạc đi ý nghĩa của múa cổ. Nhiều điệu múa cổ bị mai một.
Sau 15 năm liên tục nghiên cứu, sưu tầm, kết hợp với người dân các địa phương phục dựng, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã sưu tầm, khảo tả một cách khoa học, bài bản thành "bộ sưu tập" 59 hình thức múa cổ truyền của Hà Nội. Những nghiên cứu này khảo tả toàn diện từng hình thức, động tác, với những chỉ dẫn cụ thể, khảo tả môi trường diễn xướng, mục đích diễn xướng. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho người dân các địa phương gìn giữ các điệu múa cổ theo sát nguyên gốc. Trong đó, có nhiều điệu múa nổi tiếng như: múa Giảo long (hội Lệ Mật - quận Long Biên), múa Rồng lửa (hội Đống Đa, quận Đống Đa), múa Kéo chữ (hội làng Sọ, huyện Sóc Sơn), múa cởi yếm mo (hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh)...
Tuy nhiên, do địa bàn Hà Nội hiện nay rất rộng, nhân lực để tham gia nghiên cứu của Hội Nghệ sĩ Múa hầu hết là những người cao tuổi nên chưa thể bao quát hết địa bàn. Trong khi đó, những nghệ nhân ở các làng quê hiểu rõ điệu múa tại địa phương mình đều cao tuổi. Nhiều người đã qua đời mà chưa kịp truyền lại những kinh nghiệm, kiến thức... Các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ múa đều cho rằng cần khẩn trương tìm về các địa phương để hiểu thêm về vốn múa cổ, qua đó, xác định đối tượng ưu tiên trong công tác bảo tồn, phục dựng. Những thành tựu trong nghiên cứu bảo tồn, phục dựng múa cổ Thăng Long - Hà Nội là đáng kể, nhưng một bộ phận của múa cổ vẫn đang đứng trước nguy cơ thất truyền.