1.“Thủa ấy xứ Đoài" là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ… Trên một sân khấu lần đầu tiên có tại Việt Nam, hơn 140 người nông dân vùng Sài Sơn đã tái hiện lại nguyên bản không gian cổ tích với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình.
Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài” lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn với khán đài 2.000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở, là một sân khấu mênh mông hơn 3.000m2 mặt nước. Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, vừa gần, vừa xa, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo.
Thuỷ đình nguyên bản nặng gần 10 tấn.
Việt Tú đã khéo léo lồng ghép vào câu chuyện làng quê xứ chùa Thầy là những hiệu ứng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre; là từ 10m sâu dưới đáy Long Trì, kỳ diệu hiện lên thuỷ đình nguyên bản nặng gần 10 tấn; là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông.
Vở diễn còn gây ấn tượng với cấu trúc thủy đình nặng 10 tấn (kể cả máy móc) thi công trong 6 tháng, diện tích mặt hồ 3,75 ha, 3000m2 mặt nước. Phần trang phục được đầu tư cầu kì và công phu đến từ ekip designer Châu Uni thực hiện trong 6 tháng. Phần biên đạo được thực hiện bởi các vũ công Kiều Lê, Hà My, Xuân Sơn, Sơn Dương, Tùng Nguyễn, Đức Minh. Phục dựng rối nước được thực hiện bởi Quốc Khanh, Đoan Trang đến từ Nhà hát múa rối Thăng Long. Trong khi đó phần thực hiện sân khấu được chính đạo diễn Việt Tú cùng ekip Hải Linh và Liên Anh thực hiện.
2.Việt Tú vẫn đang gây tiếng vang với “Tứ phủ” – vở diễn giới thiệu nét văn hóa độc đáo của Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Vở diễn vẫn sáng đèn đều vào tối thứ 5 và thứ 7 tại Rạp Công nhân, 42 Tràng Tiền.
Đâu đó có người còn e dè chuyện “sân khấu hóa” nghệ thuật chầu văn với tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ trên sân khấu. Nhưng những gì mà Việt Tú làm được, đã mang hình thức tín ngưỡng này, đến gần hơn với khán giả thế giới. Vì thế, “Thủa xứ Đoài” có lẽ cũng mang trong nó nhiều hoài bão như thế.
Việt Tú có hai năm, hơn một lần đã định dừng lại vì quá nản. Bế tắc ý tưởng, không tìm thấy đường dây kết nối kịch bản, diễn viên thuần người dân bản địa cứ đi một chặng đường lại “rụng” phân nửa. Quay cuồng giữa cái nợ với ông Đào Hồng Tuyển – người quyết định đầu tư mạnh tay cho dự án này; quay cuồng giữa việc phải đi vào tận nhà từng người dân thuyết phục từ cụ ông chớm 80 tuổi đến các em nhỏ đang học cấp 2 tham gia vở diễn. Thậm chí, có lúc cuồng nộ với việc đào tạo mãi những người dân chân chất nơi đây không ra được hồn cốt vở diễn.
Sân khấu mênh mông hơn 3.000m2 mặt nước.
Việt Tú bảo, ở thời điểm khởi đầu, khi nhận được yêu cầu từ ông Đào Hồng Tuyển, nếu ekip quyết định sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, vở diễn có thể ra mắt sau đó ba tháng. Nhưng đạo diễn Việt Tú đã có một ý tưởng táo bạo, đó chính là kết hợp cùng những người nông dân thuần thành vùng Chùa Thầy. Sự mạo hiểm này đã làm thời gian dàn dựng tăng lên thành một năm.
Và thực tế đã chứng minh không gì tuyệt vời bằng người nông dân kể câu chuyện của chính mình. Phần diễn xuất của những người nông dân vẫn giữ nguyên được sự thuần thành, vô tư, xúc động.
Hơn 140 nông dân chất phát thuần hậu, đã cùng nhau trải qua hàng nghìn giờ tập luyện miệt mài trong suốt một năm qua để bước ra sân khấu lớn nhất của đời mình. Họ kể câu chuyện về cuộc sống lao động, sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.
Hơn 140 người dân bản địa tham gia vào vở diễn.
3.Tại sao không có quyền mơ mang nghệ thuật truyền thống đến với khách quốc tế. Việt Tú không quá tự tin. Anh thừa sự khôn ngoan để hiểu đã có nhiều cách “làm mới” của nhiều bậc tiền nhân trước đó đã “chết từ trong trứng nước”. Anh biết nhiều nhà hát giong trống mở cờ để rồi lại bỏ xó. Anh biết nhiều nhà đầu tư đã phải lắc đầu vì sự không tới của các tác phẩm nghệ thuật cổ truyền Việt Nam đến với khách quốc tế. Và anh biết, “rào cản ngôn ngữ” là cái tất yếu làm cho văn hóa Việt Nam vẫn còn ẩn sâu đâu đó, chưa được khai phá bằng thứ ngôn ngữ quốc tế, để làm điểm đến cho du khách.
“Thuở ấy xứ Đoài” hội tụ đầy đủ giữa cái mới và cái cũ; giữa bản sắc và hội nhập; giữa ngôn ngữ bản địa và ngôn ngữ quốc tế; giữa âm nhạc world music và âm nhạc cổ truyền Việt Nam… Với âm hưởng âm nhạc múa rối truyền thống kết hợp chèo và World Music, Master Fader đã đồng hành cùng ekip của vở diễn trong hơn một năm để thực hiện phầm âm nhạc và hiệu ứng âm thanh. Các thành viên của nhóm đã có nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa của khu vực chùa Thầy để thu những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống nơi này.
Hiệu ứng ánh sáng và âm nhạc được đạo diễn Việt Tú xử lý tài tình.
Nhưng thứ đặc sắc nhất, ấy chính là nghệ thuật “hôn phối” giữa rối và người trên một sân khấu đại cảnh. Ở đó, rối và người nhuần nhuyễn làm một, tạo nên bức tranh sống động, nửa mơ, nửa thực nhưng đầy tính triết lý về văn hóa lúa nước, về cuộc sống lao động, vui chơi, phấn đấu vượt gian khổ của những người dân Việt cổ.
Việt Tú rất tài tình trong việc chọn chi tiết đắt giá để chuyển cảnh. Vì thế, khi thấy đàn vịt thật được lùa ra giữa sân khấu để chuyển cảnh cho đàn vịt rối ở thủy đình, cả trăm khán giả đã phải ồ lên thích thú, vỗ tay không ngớt. Những chi tiết ấy, đánh trúng thị giác của người xem không khỏi làm du khách, nhất là khách quốc tế thích thú vì sự phá bỏ đi tính ước lệ của sân khấu bấy lâu nay.
Quay trở lại chuyện “làm cái gì nhỏ nhỏ thôi, hợp với văn hóa Việt Nam”, Việt Tú bày tỏ, anh không mong muốn làm những gì cao siêu văn hóa thế giới tại Việt Nam. Anh muốn mang những gì Việt Nam nhất, bản sắc nhất để giới thiệu với khán giả quốc tế. “Thủa ấy xứ Đoài” vì thế rất kiệm lời, chỉ có âm nhạc, ánh sáng, biểu cảm diễn xuất sẽ trở thành thứ ngôn ngữ quốc tế, kết nối cảm xúc với người xem, đặc biệt là du khách quốc tế.