Phát hiện mới trong lần khai quật thứ 11 tại di chỉ Vườn Chuối

|

NDO - Địa tầng di chỉ Vườn Chuối tồn tại nhiều lớp văn hóa, trải qua các giai đoạn từ Phùng Nguyên muộn-Đồng Đậu sớm, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đến hậu Đông Sơn. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học khẳng định, những phát hiện tại khu vực quan trọng này cho thấy giá trị lịch sử về nguồn gốc bản địa và các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử.

Ngày 18/10, tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), đoàn công tác khai quật khảo cổ học đã công bố nhiều phát hiện quan trọng liên quan đến thời đại Kim khí.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, cán bộ Viện Khảo cổ học, cuộc khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối đã triển khai trên tổng diện tích 6.000m2. Nhiều hố được khai quật, mỗi hố có diện tích khoảng 100m² và bước đầu có những phát hiện quan trọng.

“Trước hết, nhóm nghiên cứu phát hiện ra mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, có cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m. Nhận định ban đầu, người xưa đã lợi dụng địa hình dương - gò đất tự nhiên cũng như địa hình âm dưới chân gò, giữa các gò và đã vượt thổ ở khu vực xung quanh. Từ đó, tạo khu cư trú ở bên trong, cùng một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu chừng 2,5-3m bao quanh bên ngoài”, vừa phân tích, ông Quý vừa khoanh vùng khu vực tìm thấy mặt bằng cư trú.

Di tích mặt bằng cư trú giai đoạn sớm và đường hào nước bên ngoài khu cư trú. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Nhìn bằng mắt thường, có thể thấy, đất đắp là đất sét màu nâu vàng dễ tìm được trên các gò đất tự nhiên ở khu vực này. Bên trong di tích là dấu vết các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài là nơi chôn cất người chết. Ở góc tây-bắc, mật độ chôn cất rất cao, tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn với ít nhất hai giai đoạn cắt phá nhau.

Các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học nhận định, khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn-Đồng Đậu sớm. Đây là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này.

“Phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền bắc Việt Nam, giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại. Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho hay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường phân tích các điểm đặc biệt trên bộ xương người Việt cổ. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Di chuyển đến khu vực phát hiện nhiều mộ táng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam phỏng đoán, dựa trên những vết tích liên quan đến xương người, khu vực này có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn-Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn.

“Chúng tôi phát hiện khoảng 54 bộ xương người. Nam có chiều cao trung bình khoảng 1,57m. Nữ có chiều cao trung bình khoảng 1,49m. Một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này. Và tục nhổ răng này từng tồn tại ở miền nam Trung Quốc, tại Nhật Bản và nhiều quốc gia có niên đại như Việt Nam”, ông Cường nói thêm.

Đến nay, đoàn nghiên cứu đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau và vẫn còn được bảo tồn khá tốt. Tuy nhiên, di tích từng nhiều lần bị xâm phạm, đào trộm trong những năm qua.

Hướng mắt về phía bộ hài cốt khá nguyên vẹn có vòng kim loại mắc ở khuỷu tay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ: “Suốt 60 năm làm khảo cổ, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tục đeo vòng ở khuỷu tay và chôn cùng người mất. Dựa vào các vật dụng, đồ gốm mai táng cùng thi hài, các nhà khoa học có thể nhận định về thời đại họ sống”.

Dấu tích cho thấy, từng có giai đoạn người Việt cổ đeo vòng kim loại ở khuỷu tay, phía dưới là các vật dụng mai táng cùng thi hài. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Những phát hiện mới này sẽ giúp các khoa học tìm hiểu sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền bắc Việt Nam.

Phát hiện cuối cùng trong lần khai quật Vườn Chuối mới đây là những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn.

“Việc này đã bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài, tương tự như những ngôi của một số tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên (gần đây vẫn còn sử dụng). Phát hiện mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho biết thêm.

Dấu tích nhà ở của người Đông Sơn. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Trong khuôn khổ buổi thảo luận về những phương án di dời di tích, đoàn khai quật đề nghị các đơn vị chức năng liên quan sớm cho phép triển khai giai đoạn chỉnh lý, tránh thất thoát những di sản văn hóa. Đặc biệt, cần đẩy nhanh việc công nhận Di chỉ Vườn Chuối là Di tích cấp thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đề xuất: “Cuộc khảo cứu đã tiến hành được 2/3 chặng đường. Thời điểm này, chúng tôi mong muốn sẽ có một cuộc hội thảo để xin ý kiến về các phương án di dời, bảo quản và nghiên cứu các di vật, mộ táng sao cho tương thích với từng trường hợp di vật cụ thể”.