Số phận trái ngược
Danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ở tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp do UNESCO trao vừa là một vinh dự, cũng vừa là một lời cảnh báo. Lời "cảnh báo" ấy đến với hát xoan năm 2011. Hát xoan là một đặc sản riêng có của vùng đất Tổ - Phú Thọ. Đây là lối hát có từ thời các vua Hùng. Có ba hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Điều ấn tượng nhất khi đem hát xoan giới thiệu với thế giới đó là sự trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác qua hàng ngàn năm lịch sử. Năm 2009, khi làm hồ sơ về hát xoan đệ trình UNESCO, bốn phường xoan trên địa bàn Phú Thọ chỉ còn có bảy nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Số nghệ nhân có khả năng biểu diễn cũng rất ít. Nguy cơ mai một là rất rõ ràng.
Và dường như tỉnh Phú Thọ đã cảm nhận rõ sức nặng của lời cảnh báo này. Ngay sau khi nhận danh hiệu từ UNESCO, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 – 2020". Kèm theo đó là hàng loạt giải pháp như: Hỗ trợ kinh phí truyền dạy hát xoan; đầu tư cho bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích thuộc không gian văn hóa của hát xoan; thực hiện Chương trình phát triển người thực hành, công chúng của hát xoan; nghiên cứu xây dựng Tổng tập hát xoan Phú Thọ...
Trong đó, có những giải pháp mang tính đột phá là hỗ trợ kinh phí truyền dạy và đưa hát xoan vào học đường. 80/90 trường học ở TP Việt Trì gắn kết hát xoan với chương trình học tập trong nhà trường.
Bằng những phương thức như thế, từ chỗ chỉ có 13 Câu lạc bộ những người yêu hát xoan, giờ con số này là 28, với tổng số hơn 1.100 thành viên. Số nghệ nhân có khả năng truyền dạy cũng tăng lên đến 62 nghệ nhân. Các di tích là không gian trình diễn hát xoan cũng được tu bổ bảo tồn. Hầu hết giới nghiên cứu đều thừa nhận, tỉnh Phú Thọ đã có một chiến lược đầu tư bài bản, có tính lâu dài để khôi phục, phát huy giá trị hát xoan. Kết quả là mới đây, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xin rút hát xoan khỏi tình trạng khẩn cấp.
Nếu như hát xoan chỉ có ở Phú Thọ thì ca trù là "của chung" của 14 tỉnh thành trong cả nước, trải dài từ Bắc chí Nam gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... cho đến Thanh Hóa, Nghệ An và cả TP Hồ Chí Minh. Điểm khác biệt lớn tiếp theo là lời "cảnh báo" của UNESCO đến với ca trù sớm hơn hát xoan 2 năm. Năm 2009, ca trù đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể ở tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Sau sáu năm được đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, ca trù có thể được "đưa ra". Nếu được đưa ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, cơ hội trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (tương tự như Hội Gióng) của hát xoan là khá lớn, thì ca trù đứng trước nguy cơ bị cho... ra hẳn.
Có phải vì cha chung?
Hà Nội là một trong những cái nôi của ca trù, cũng là nơi phát triển mạnh nhất. Hiện nay trên toàn địa bàn có 14 câu lạc bộ, nhóm ca trù. Tổng số người có khả năng truyền dạy, theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là 50 người. Nhưng khác biệt lớn nhất so với hát xoan là hầu như sự hồi phục này do... tự phát. Từ khi được UNESCO công nhận đến nay, thành phố mới chỉ hỗ trợ cho một số câu lạc bộ loa đài, nhạc cụ. Còn lại truyền dạy, biểu diễn thế nào thì tùy. Các nghệ nhân vẫn diễn, vẫn học, vẫn dạy với niềm tin rằng rồi chính sách có ngày sẽ đến. Hà Nội là "kép chính" về ca trù. Nhưng đến nay, chưa có một chương trình, một đề án mang tính tổng thế nào về bảo tồn ca trù.
Trên bình diện quốc gia, cho đến hiện tại, vẫn chưa có một đề án nào, chí ít tương tự như đề án bảo tồn hát xoan của tỉnh Phú Thọ - điều mà các chuyên gia như GS TS Tô Ngọc Thanh, TS Lê Thị Minh Lý... cho là hết sức cần thiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủng đỉnh trước lời cảnh báo về việc cần bảo vệ khẩn cấp. Các tỉnh thì vẫn tự biên, tự diễn. Một vài địa phương khác như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình... có quan tâm hơn. Song nỗ lực đó còn quá nhỏ bé so với bức tranh tổng thể. Thi thoảng, có một kỳ liên hoan. Các nghệ nhân được vời đến biểu diễn. Hát xong xuôi tất cả lại về. Một đôi lần Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp dạy ca trù trong thời gian ngắn. Nhiều người ví ca trù hiện nay như người đang đi trên dây. Một vài tín hiệu đáng mừng chưa khỏa lấp được nỗi lo mai một. Với những "nỗ lực" như thế, không khó hiểu tại sao các nhà khoa học luôn bức xúc đến rát cổ họng mỗi khi nói về ca trù.
Cứ bốn năm một lần, những quốc gia có di sản được UNESCO công nhận sẽ phải báo cáo về thực trạng bảo tồn, phát huy. Cứ tiến độ này, không biết đến năm 2017, Việt Nam sẽ báo cáo với UNESCO thế nào về ca trù?
Phú Thọ chưa bao giờ là một tỉnh giàu. Nhưng cách tỉnh Phú Thọ làm với hát xoan cho thấy việc bảo tồn di sản không phụ thuộc quá nhiều về kinh tế như chúng ta nghĩ. Ca trù tồn tại ở nhiều tỉnh thành "giàu", như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh..., nhưng so sánh với hát xoan, số phận ca trù thực sự như là một nghịch lý. Lý do ở đây phải chăng là căn bệnh "cha chung không ai khóc" - một căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam lâu nay?