Đền Diên Cờ - di tích lịch sử bảy lần nhận sắc phong

|

Nhân dịp đầu xuân Bính Thân (2016), tôi có dịp đến với mảnh đất Nghi Trường, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để dự lễ hội đền Diên Cờ, nơi từng nhận bảy sắc phong qua các triều vua, ghi nhận công lao của các vị “Thần hộ quốc” được thờ tại đây. Nhưng đã có một thời, ngôi đền gần như một phế tích do các biến động chiến tranh, sự thiếu quan tâm, quản lý và những tác động khắc nghiệt của khí hậu miền trung.

Đền Diên Cờ mang đậm dấu ấn lịch sử và tâm linh của người dân miền biển xã Nghi Trường, vùng đất từng được người đương thời tôn vinh là một trong những “trung tâm đào tạo hiền tài”, là “cái nôi của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng” của huyện Nghi Lộc trong suốt khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ 19 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Cùng với truyền thống khoa cử và yêu nước, mảnh đất Nghi Trường còn lưu giữ những truyền thống quý giá về văn hóa tâm linh, nổi tiếng bởi hệ thống đình, chùa, miếu cổ.

Đền Diên Cờ nguyên bản có ba tòa “lộng lẫy” là: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Trước sân đền từng có tàu voi, tàu ngựa, tướng canh. Chung quanh đền có nhiều cây cối rậm rạp; trong đó có cây vối, cây rói cổ thụ. Cách đền không xa là một lạch nước- dấu tích còn lại của sông, suối, ao, đầm thuở trước. Cảnh quan đền Diên Cờ thuở xưa thâm nghiêm, u tịch và nổi tiếng là linh thiêng, cho nên trong quá trình vận động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Huyện ủy Nghi Lộc và cơ sở Đảng địa phương đã từng tổ chức nhiều cuộc họp bí mật, quan trọng tại khu đền này. Sau nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, đền Diên Cờ đã gần như bị phá hủy toàn bộ. Cho đến những năm 2009-2010, đền mới được phục dựng lại nhờ sự huy động xã hội hóa từ nhiều nguồn và nhân dân trong vùng, trong đó có sự đóng góp của dòng tộc ông Nguyễn Đăng Cẩn và Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, những người con của quê hương Nghi Trường. Sau ba năm phục dựng và trùng tu trên cơ sở những tư liệu lịch sử để lại, đến ngày 15-7-2012, ngôi đền Diên Cờ đã được khánh thành trên khuôn viên rộng 7.000m2 với chín hạng mục: Thượng điện, trung điện, hạ điện, nhà hóa vàng, nhà phục vụ, núi đất, cổng tam quan, sân đền và bia đá. Tất cả những hạng mục này đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống để tăng độ thâm nghiêm, thiêng liêng vốn có.

Việc phục dựng lại ngôi đền là một việc làm tất yếu bởi bấy lâu nay, ngôi đền đã trở nên hoang phế không còn tương xứng như giá trị vốn có của nó. Ngôi đền Diên Cờ chính thức thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần) với tư cách là vị Thần "Hộ quốc tỷ dân", có công lớn với dân, với nước. Phối thờ có Cương Quốc công Nguyễn Xí, một trong những tướng lĩnh chủ chốt đã cùng Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược, giành thắng lợi; là người hai lần giúp nhà Lê khai quốc, lập vương, được Đại minh đế Lê Thánh Tông phong là "Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn Trung hưng". Đền Diên Cờ cũng là nơi thờ các thần Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa Thánh Mẫu và Ngũ vị quan lớn thuộc hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam và các bậc tiền hiền của địa phương.

Mặc dù xã Nghi Hợp gần đó mới là quê hương của Cương Quốc công Nguyễn Xí, nhưng việc đền Diên Cờ phối thờ Cương Quốc công, một nhân thần nổi tiếng là điều dễ hiểu. Một số tư liệu đã cho thấy, việc tạo lập đền Diên Cờ có liên quan đến sự kiện Nguyễn Xí khao quân mừng thắng trận. Trong tiếng Hán, Diên có nghĩa là Hội. Diên Cờ là Hội Cờ. Tương truyền, sau khi cùng Nguyễn Chích chỉ huy quân đánh thắng trận Trà Lân (thuộc huyện Con Cuông, miền tây Nghệ An), Nguyễn Xí đã kéo quân về quê và tổ chức lễ hội khao quân. Sau đó, điểm khao quân của ông được nhân dân trong vùng lập đền thờ ông cùng các vị sơn thần, nhân thần khác và tên đền là để ghi nhớ nơi diễn ra Hội Cờ khao quân của Nguyễn Xí. Một nguồn tư liệu khác cũng cho thấy, còn liên quan đến việc Cương Quốc công luyện quân. Tương truyền, trong một lần được nhà vua cử cầm quân chinh phạt giặc phương nam, Nguyễn Xí và Lê Thận đã cho quân sĩ dừng để huấn luyện tại làng Đông Chử (Nghi Trường ngày nay). Sách "Cương Quốc công Nguyễn Xí tộc phả - Di huấn - Phụ lục" cũng chép về việc triều đình vua Lê Thánh Tông cho xây dựng đền thờ Cương Quốc công tại tổng Thượng Xá (Nghi Hợp) và nhân dân làng Đông Chử cũng lập điện tế Cương Quốc công Nguyễn Xí tại địa điểm Ngài và quan Tư đồ Lê Thận dừng chân trên đường đem đại binh vào đánh dẹp quân Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía nam vào năm 1445. Nền điện tế và ao Voi Nẹp (hồ Bạch Tượng) tại xóm 14 xã Nghi Trường hiện nay là những dấu tích còn lại liên quan đến hoạt động của Nguyễn Xí và quân sĩ của ông thuở xưa.

Theo Anh hùng Lao động - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, việc phục dựng ngôi đền, vừa có giá trị củng cố đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân vùng biển, vừa có giá trị giáo dục cho thế hệ noi gương những bậc nhân thần, tiên hiền để phấn đấu, học tập, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đền Diên Cờ được trùng tu, khôi phục là thành quả của chủ trương đúng đắn, xã hội hóa các hoạt động phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh. Được đến thăm và chứng kiến đền Diên Cờ, một công trình văn hóa lịch sử gắn với tên tuổi của những vị tiên liệt của nước Việt ta, tôi càng ghi nhận công lao, tâm sức và sự tri ân của thế hệ hôm nay. Từ công trình này mỗi người đến đây sẽ chiêm nghiệm cho mình về trách nhiệm với dân, với nước trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Cho nên như tôi đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nhưng nhân kiệt cũng sinh địa linh là như thế.