Bảo tồn "Làng hai vua"

|

Giữa ngổn ngang những mâu thuẫn khó giải quyết chung quanh vấn đề bảo tồn và phát triển di tích đã tồn đọng ở làng cổ Đường Lâm từ nhiều năm nay, Đề án "Đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây" giai đoạn 2014-2020 vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đã mang đến nhiều tín hiệu đáng mừng cho những người dân đang sinh sống trên mảnh đất "hai vua" này.

Hy vọng của người dân làng cổ

Giới chuyên môn vẫn thường gọi Làng cổ Đường Lâm là "làng di sản" bởi nó không chỉ là sản phẩm hữu cơ của một tiến trình lịch sử liên tục, chứa đựng nhiều di tích và công trình kiến trúc có giá trị, mà còn là quỹ không gian kiến trúc luôn đòi hỏi sự cải tạo và phát triển. Vì thế, không giống như các di tích đình, đền, chùa... mang tính cá thể khác, Làng cổ Đường Lâm với chín làng, 1.500 hộ và hơn 6.000 cư dân đang sinh sống đặt ra vấn đề phải bảo tồn và phát triển một "cơ thể sống", trong đó đòi hỏi cách ứng xử mềm mại cho từng hạng mục. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, kể từ năm 2005, khi Làng cổ Đường Lâm chính thức trở thành ngôi làng đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia, đã xuất hiện nhiều lúng túng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh các di tích bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, còn "nở rộ" hàng loạt vụ xây dựng trái phép trong vùng bảo tồn phải dùng tới biện pháp cưỡng chế tháo dỡ. Chính quyền kêu gọi người dân phải biết bảo tồn di sản để phát triển du lịch nhưng kỳ thực, nguồn lợi đến từ kênh này mới chỉ bảo đảm được chi phí hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý thu phí tại Làng cổ và một số đối tượng có nhà cổ mà chưa thể đến với số đông. Đã thế, dân số trong làng ngày một gia tăng, trong khi nhà cửa không được cải tạo, xây dựng hay mở rộng diện tích, kinh phí hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước lại hạn hẹp. Trong hơn tám năm qua, cũng chưa có một kế hoạch giãn cư khả quan nào được thực hiện...

Sống trong di sản, làm chủ di sản nhưng lại không được hưởng lợi từ di sản, vì thế có thời điểm 78 cư dân của gần 60 hộ gia đình đã phải viết đơn xin trả lại danh hiệu. Trong cảnh tù mù khó khăn chồng chất khó khăn ấy, việc ban hành Đề án "Đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây" giai đoạn 2014-2020 được coi như "phao cứu sinh" đem đến hy vọng người dân nơi đây sẽ dần hết khổ. Theo Đề án, với những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh, thành phố sẽ bố trí 100% vốn đầu tư. Với những di tích còn lại, thành phố sẽ đầu tư 60% kinh phí xây lắp đối với hạng mục gốc của di tích. 40% còn lại lấy từ ngân sách xã và huy động xã hội hóa. Hiện nay, Đường Lâm có 99 ngôi nhà cổ, đang tôn tạo 10 nhà. Theo kế hoạch, giai đoạn 2014-2016 sẽ tôn tạo 10 ngôi nhà, giai đoạn 2017-2020 là 30 nhà và 49 nhà còn lại sẽ tiếp tục được tôn tạo các năm tiếp theo. Đề án phấn đấu đến năm 2020 sẽ cải tạo được 125 nhà trong tổng số 258 nhà loại ba với ngân sách thiết kế, thi công là 6,2 tỷ đồng, kinh phí tháo dỡ, bồi thường thiệt hại là 37,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016 sẽ cải tạo, sửa chữa 90 ngôi nhà loại bốn... Dự án cấp đất giãn cư và kế hoạch tổ chức giãn dân ở Đường Lâm được chia thành hai giai đoạn: Từ 2014-2015 giãn 150 hộ dân có nhu cầu bức thiết, từ 2016-2020 giãn 470 hộ dân còn lại...

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết: Đề án là một công trình công phu đã được các ngành, phòng, ban của Đường Lâm thực hiện suốt hơn một năm với sự tham mưu của nhiều sở, ngành như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường..., trải qua ba lần thẩm định mới được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Vì thế, Đề án đã giải quyết được nhiều bất cập, bức xúc bấy lâu mà người dân Đường Lâm phải chịu đựng. Trong đó, những điểm mạnh đáng kể của Đề án là: đưa ra được dự trù quỹ đất và cơ chế giãn dân, mặt bằng do thành phố hỗ trợ. Thành phố cũng hỗ trợ tiền thiết kế nhà mẫu giúp công tác quản lý dễ dàng hơn, đồng thời có phương án huy động vốn cụ thể để đáp ứng việc đầu tư, tôn tạo những di tích đã xuống cấp. Trước mắt, trong năm 2014, thành phố đã bố trí hơn 18 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng được dùng để tu bổ ba di tích: đình Cam Thịnh, lăng Ngô Quyền, 12 điếm ở Làng; 3,7 tỷ đồng được dùng làm vốn sự nghiệp cho những đề án xây dựng nhà mẫu.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Đây là Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, vừa tổng thể, vừa cụ thể, có cơ sở khoa học và thực tiễn, mang tính khả thi. Ông cho rằng việc ban hành Đề án tuy hơi chậm nhưng cần thiết, thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước về di sản văn hóa của chính quyền thành phố cũng như quyết tâm của thành phố trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm. Đề án đã phát huy được nhiều ưu điểm khi bám sát Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, các quy định có liên quan của Nhà nước; vận dụng cụ thể vào tình hình, đặc điểm của Di tích Làng cổ Đường Lâm. Thực hiện tốt Đề án này không chỉ góp phần quan trọng vào việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ, phát huy giá trị di tích với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng cư dân địa phương; động viên, khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ di tích; mà còn là kinh nghiệm quý cho việc bảo tồn và phát huy các di tích làng cổ khác trên địa bàn Thủ đô và cả nước, đang đứng trước sự tác động mạnh mẽ, hằng ngày, hằng giờ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Bảo đảm sự kết hợp giá trị văn hóa và kinh tế

Đặc thù của Làng cổ Đường Lâm là đan xen giữa hai loại hình di sản thuộc sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu tư nhân là chủ yếu. Tư nhân lại được chia ra làm nhiều loại với những đối tượng ưu tiên mức độ khác nhau. Vì thế, muốn bảo tồn và phát triển, dù có nhiều kinh phí cũng không thể làm theo kiểu "đồng khởi". PGS, TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, để Đề án triển khai đạt kết quả, không thể thực hiện một cách vội vàng. Chẳng hạn, đối với việc giãn dân, cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể, chi tiết và công khai, minh bạch theo từng bước. Bước đầu sẽ giãn những hộ nào, tại sao lại giãn những hộ đó. Những hộ dân còn lại cũng phải hiểu được tại sao những hộ này được ưu tiên giãn trước, hộ của mình khi nào sẽ được giãn và tại sao? Có như vậy, việc giãn dân mới thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng và không gặp phải những thắc mắc, tranh chấp... Ở đây, Đề án đã bước đầu thể hiện quyết tâm, nỗ lực của UBND thành phố nhưng cần có cơ chế rõ ràng hơn trong việc khuyến khích, nâng cao ý thức đối với di sản của những chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng cần cụ thể hóa vai trò giám sát của cộng đồng bởi Đề án là của Nhà nước nhưng liên quan đến sở hữu tư nhân cho nên cộng đồng nhất thiết phải được tham gia vào quá trình thực hiện và giám sát thực hiện Đề án. Cộng đồng ấy là các đoàn thể, đại diện các dòng họ, đại diện các gia đình có di sản, chính họ sẽ là cầu nối truyền tải cơ chế chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đến dân và truyền tải nguyện vọng của người dân đến các cơ quan quản lý, đồng thời đưa ra ý kiến tư vấn cho cơ quan quản lý. Ngoài ra, để Làng cổ Đường Lâm không chỉ là di sản đến từ quá khứ mà còn là một bộ phận cần thiết của đời sống xã hội hôm nay thì bên cạnh kế hoạch tôn tạo tu bổ, chính quyền cũng cần có kế hoạch cụ thể liên quan đến phát triển. Vừa tạo ra giá trị văn hóa để bảo tồn, vừa tạo giá trị kinh tế để phát triển thì mới thật sự thu hút được người dân cùng bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản.

Theo Giám đốc lữ hành Công ty TransViet Nguyễn Tiến Đạt, Đường Lâm phải có kế hoạch biến mỗi người dân thành nhân lực tại chỗ có công ăn việc làm từ di sản. Bởi bảo tồn di sản kiến trúc là phục vụ lợi ích quốc gia nhưng trước hết phải bảo đảm làm lợi cho cộng đồng cư dân địa phương, có vậy họ mới hành động bảo vệ di sản. PGS, TS Đặng Văn Bài khẳng định: Trong phát triển du lịch ở Làng cổ Đường Lâm, phải tuyên truyền để người dân hiểu du lịch là phải đầu tư và qua một thời gian mới có sản phẩm, mới thu được lợi chứ không đơn thuần chỉ dựa vào tiền bán vé trước mắt. Trong thời gian đầu, phải làm người dân hiểu được đây là bước đầu tư, bảo tồn. Đến giai đoạn phát huy hiệu quả đầu tư, người dân sẽ được hưởng lợi từ những lợi thế của di tích.

Từ những nỗ lực của Nhà nước, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và những bài học kinh nghiệm, thời gian tới, Làng cổ Đường Lâm có thể có những bước đi thật chắc chắn để phát huy được các giá trị bền vững.