Trong thế giới tượng Tạ Quang Bạo

|

NDO - NDĐT- Tạ Quang Bạo là nghệ sĩ giỏi nhiều thể loại, cả vẽ tranh, điêu khắc tượng đài, tượng sa-lon, cảnh vật. Tác phẩm của ông vừa kỹ lưỡng, vừa linh hoạt, dường như không bao giờ tĩnh, mà các đường nét hình khối cứ tự nhiên chuyển động, như đưa người xem trôi vào thế giới vừa thực, vừa ảo.

Dễ xúc động trước cái đẹp

Xem các tác phẩm điêu khắc của Tạ Quang Bạo cùng cách mà ông làm việc, tôi nể cách ông khéo léo sắp xếp thời gian cho công việc và có nhiều sản phẩm. Hằng trăm bức tượng đang được trưng bày ở nhà, như một bảo tàng nhỏ trên ngõ 8 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), hàng chục tượng đài do ông điêu khắc được đặt ở nhiều tỉnh trong cả nước, trong các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân… Để trả lời cho câu hỏi vì sao sức lực dồi dào, Tạ Quang Bạo bảo: “Phải sống đúng chất nghệ sĩ: máu lửa. Mà nghệ sĩ thì anh biết rồi, khi người khác chưa buồn thì đã buồn rồi. Khi người khác chưa yêu thì đã yêu rồi. Cá tính của người nghệ sĩ là dễ xúc động. Nhất là trước cái đẹp”.

Điều Tạ Quang Bạo chia sẻ rất đúng. Tôi đã từng nghe một số nghệ sĩ nói những điều tương tự. Điều đó lý giải vì sao Tạ Quang Bạo yêu cũng bạo. Ông yêu theo cách của ông. Xong rồi, ông nhận ra, tình yêu là một thứ gia vị, nhưng vô cùng thiêng liêng của đời người nghệ sĩ. Dẫu phải trải qua buồn đau vì yêu, thì cũng có lúc phải dứt ra, để tỉnh ngộ, tiếp tục đắm vào công việc cả đêm lẫn ngày. “Khi đó, cảm xúc thăng hoa. Cái hồn của tượng cũng từ đó hình thành. Không có tình yêu, bản thân con người đã khô cứng, chai sạn. Vậy thì các tác phẩm làm sao tạo nên sự xúc động!”, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo nhấn mạnh.

Vì nghệ thuật

Tạ Quang Bạo kể rằng, ông từng là họa sĩ của Đoàn văn công Quân khu 5, từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cũng là người từng tham gia giải phóng Trường Sa nên sớm nhận ra biển đảo vô cùng quan trọng và thiêng liêng với Tổ quốc ta. Bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ của muôn dân và đặc biệt là người lính hải quân. Cũng vì thế cảm xúc về người lính, cái bi hùng trong chiến tranh lưu giữ trong ông. Bức “Đảo tiền tiêu” ra đời năm 1980, là kết quả ông tỉ mẩn suốt 5 năm trời. Hoàn thành, ông cảm thấy sung sướng và nghẹn ngào vì bức tượng đã tạc được vẻ đẹp lãng mạn của người lính đảo. Còn bức “Hoàng Sa”, ông làm trong những ngày bị tai biến, liệt một tay, vào giữa năm 2014, trong thời điểm giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Thật vinh dự, đầu năm 2015, ông nhận được giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với bức tượng “Hoàng Sa”.

Lúc này, phải thừa nhận Tạ Quang Bạo đã ở tuổi xế chiều (ông bước sang tuổi 75), sức lực giảm sút, nhưng vẫn trọn vẹn một tình yêu dành cho nghệ thuật. Ông vẫn dùng một tay để sáng tác. Tuy nhiên, mấy năm nay ông dừng vẽ mà tập trung cho điêu khắc. Điêu khắc là một công việc cực nhọc. Khi chỉ còn một tay, mức độ cực nhọc tăng lên gấp ba. Nhưng ông tự tin bảo rằng, chẳng nhằm nhò gì với nỗi vất vả ngày xưa. Ông nói: “Tôi vừa vẽ tranh vừa làm tượng. Trong chiến trường, rất khó kiếm vật liệu để làm điêu khắc. Từ trong gian khó đã nảy sinh nhiều phát kiến. Không có đất sét để nặn, tôi lấy đất từ tổ mối, xin thạch cao bên quân y để nặn tượng. Bởi muốn lưu giữ những tác phẩm, cảm xúc của mình ngay tại chiến trường. Tiếp đó, tôi cũng làm trên chất liệu gỗ và cũng có thành cô như những bức “Cõng đạn”, “Học chữ Bác Hồ”… ra đời trong điều kiện như thế”.

Sau năm 1975, trở về đời thường, người nghệ sĩ vấp phải nghèo. Tranh, tượng không bán được, ông sống đạm bạc trong căn nhà chật chội. Những thứ gì vừa rẻ, vừa nhiều thì ông mua ăn, cốt cho no bụng để có sức cầm các dụng cụ là một chiếc bay, một chiếc nạo nhỏ, một con dao. Trước mặt ông là khối đất sét. Ông cứ thế mà đập, mà vỗ, rồi nặn, rồi nạo và khoét. Mùa đông cũng như mùa hè. Bàn tay lấm đất cứ cắt ra, thêm vào, từng li, từng tí với sự tập trung cao độ. Những tác phẩm đẹp lần lượt ra đời. “Tôi làm cốt bằng đất sét trước, sau đó thuê thợ đổ đồng, thạch cao. Hoặc có thể dùng chất liệu đá trắng, gỗ, tùy theo ý tưởng chọn lựa chất liệu”, ông Bạo nói. Ấy vậy, khi đó tuy nghèo, nhưng ai bảo bỏ nghề thì ông lắc đầu. Phải theo, bỏ là bỏ thế nào. Ông bị hút vào nghệ thuật như nam châm hút thanh sắt. Ông ăn với tượng, ngủ với đất sét và thở những hơi thở của đồng, của thạch cao, của đá. Có thời gian ông điêu khắc, vẽ tranh cho quên đói. Lại có độ bành bạch ngồi đắp, nặn cả đêm, khiến hàng xóm có những lần mất ngủ. Cũng may họ là nghệ sĩ, hiểu và thương nên thông cảm cho ông.

Họa sĩ Đỗ Đức, một người hiểu và kính trọng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, tâm sự: “Tôi xem, tôi bị dắt đi trong cái không gian điêu khắc anh tạo ra. Khi xem gần trăm bức tượng của anh, tôi thấy cả một kho vàng cảm xúc của anh được bày đặt trên đá, trên đồng bằng những khối đa dạng từ hiện thực đến biểu hiện và trừu tượng”.

Luôn làm mới mình

Xem tượng Tạ Quang Bạo, người ta thấy ông là người giàu ý tưởng, sáng tác nhiều đề tài. Vài trăm bức tượng trưng ở nhà, không cái nào giống cái nào cho thấy ông là người luôn làm mới mình. Đó là tài sản cần có của bất cứ người nghệ sĩ làm ngành nghệ thuật nào. Về đề tài thiếu nữ, ông yêu nhiều, có lẽ vì thế mà dành một số lượng lớn tâm huyết đắp tượng để ca ngợi vẻ đẹp người thiếu nữ, có sức mạnh, có nguồn sống như những dòng sông mang nước tưới tắm cho các cánh đồng. Tượng nào về thiếu nữ cũng đầy trau chuốt và tràn trề cảm xúc, như gió quyện vào mây, như có cả hơi thở hào hển trong đá rắn. Cũng có bức tượng mô tả cận cảnh vẻ đẹp hình thể người thiếu nữ, gây cho người xem sự ngỡ ngàng. Nó cho thấy bàn tay tác giả nâng niu, trân trọng và khát sống, khát yêu và đã yêu là hết mình.

Ông cũng dành nhiều tâm sức cho tượng về những người mẹ, vẻ đẹp tình mẫu tử, rất đời thường và ấm cúng. Những người mẹ trăn trở vì nỗi đau chiến tranh, người mẹ nuôi nấng đàn con, cho con bú, nựng con, bồng bế con. Hẳn là ông đã quan sát kỹ, đã sống, đã khóc và tự khoác lên vai mình tấm áo trở trăn, để có thể tạo nên những tác phẩm biến hóa tinh vi, lúc bổng, lúc trầm, khi thuận, khi đảo chiều. Nhà điêu khắc Lê Lâm nhận xét, sự si mê của Tạ Quang Bạo đã hằn lên tất cả những tác phẩm của ông. Cái chất của ông là chất quan sát. Trường quan sát rộng, đến nhiều chuyển động xung quanh đời sống hiện đại. Ông xúc động bằng linh hồn thật, bằng những nỗi cô đơn và cả niềm yêu thương, suy tư về cuộc đời. Bởi thế, mạch sáng tác của ông được nối dài, như những bản tình ca không dứt.

Nhưng người xem cũng có quyền thắc mắc, rằng vì sao những bức tượng gần đây nhất của Tạ Quang Bạo chủ yếu xoay quanh đề tài phụ nữ? Hình ảnh người phụ nữ, vì sao cứ đeo đẳng, trở đi trở lại đến quặn đau trong ông? Hay là ông còn ám ảnh, day dứt về những chuyện tình trong quá vãng? Hay là ông còn những dự định nào?

Không gì cả! Tạ Quang Bạo chợt thở thật dài. Đó không phải là sự ngán ngẩm. Chỉ là ông hít thật sâu để thở thật dài và mạnh, như hít luồng sinh khí trong xuân mới. Ông không dự định gì cả, bởi cảm xúc của người nghệ sĩ đến bất chợt. Ông sẽ điêu khắc khi con tim mách bảo. Nhưng ông khẳng định, đó là sự phát tiết của quả tim biết đau. Đau khi người khác chưa đau. Xúc động khi người khác chưa kịp xúc động. Tạ Quang Bạo vẫn sẽ giữ được phong độ, say đắm và si mê, như cách mà ông đã sống và sáng tạo. Bàn tay ông cứ thế, sẽ tiếp tục chẻ những khối đá vô hồn ra, để lấy bên trong viên ngọc quý cho đời. Những khối đá dường như khô kiệt cùng, sẽ thành tác phầm nần nẫn, mềm mại và đáng yêu.