- Theo nếp nghĩ thông thường, con gà sẽ là hình tượng chủ đạo xuyên suốt trong một hội chợ nghệ thuật chào xuân Đinh Dậu. Và đó cũng là cách mà nhiều đồng nghiệp của anh đã chọn lựa. Vậy ý tưởng xuất phát từ truyền thuyết “bọc trăm trứng”, về cha Rồng – mẹ Tiên và những người con chia nhau xuống biển – lên rừng mà mỗi con dân nước Việt đều thuộc nằm lòng đến với Hải từ đâu?
Để chào đón một mùa xuân mới, mọi người đều hoan hỉ hướng tới, đợi chờ và kỳ vọng vào những vận hội mới sẽ đến trong năm con gà. Giới hoạ sĩ thường chọn cách phóng bút giao hoà với những hình tướng gà đa sắc (phần lớn thường là gà trống) để phô bày trọn vẹn vẻ uy dũng, ngợi ca những khí tiết vốn có đại diện cho đức khôi nguyên, đại cát, uy vũ và khai dương.
Họa sĩ Phạm Hà Hải.
Là một họa sĩ theo đuổi phong cách trừu tượng, tôi thường chọn cách tư duy mang tính liên tưởng. Trong tranh dân gian Đông Hồ, tôi rất thích bức tranh "gà đàn". Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tình mẫu tử trong hình tượng sum vầy gà mẹ - gà con ấy, tôi chợt nghĩ tới truyền thuyết "bọc trăm trứng". Bộ tranh "Mẹ Âu Cơ", với 100 đơn vị tranh độc lập (kích thước 30x25cm) của tôi đã ra đời trong tâm thế ấy. Tình mẹ con, lòng hiếu thảo là nền tảng cho hình tượng quả trứng - ổ rơm, là sự kết tinh từ hai đấng sinh thành trao truyền cho những đứa con yêu dấu. Tác phẩm sẽ như một thông điệp chúc phúc của chính tôi gửi đến mỗi người. Về lòng biết ơn, sự chia sẻ, vẻ đẹp từ di sản truyền thống được trao truyền cho muôn đời hậu thế.
- Hải từng chia sẻ, “đi tìm vẻ đẹp trong tinh thần văn hoá di sản lưu tồn là một hành trình vô tận”. Bộ tranh Mẹ Âu Cơ chắc cũng nằm trên hành trình không mệt mỏi ấy?
Tôi nghĩ, mỗi người Việt Nam khi sinh ra đều được thừa hưởng, đồng cảm và duy dưỡng từ những mạch nguồn thẳm sâu của văn hoá Việt. Chúng ta cảm nhận sự tiếp truyền di sản ấy bằng rất nhiều con đường khác nhau. Từ lời ru của mẹ trên cánh võng chao nghiêng đến những làn điệu dân ca – hò vè đậm hồn xứ sở. Từ những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại – truyền thuyết xiết bao gần gũi đến kho tàng tục ngữ - ca dao giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh... Những giá trị truyền thống ấy luôn ẩn hiện trong đời sống tinh thần của mỗi con người, vẫn vẹn nguyên trong tim, trong óc dù đôi lúc ta chẳng hề nhận ra. Chúng không bao giờ rời bỏ ta, và ta cũng chẳng thể nào xa được chúng. Để tới một lúc nào đó, chúng nhắc ta sống chậm hơn, thôi thúc ta tìm về nguồn cội, khiến ta chợt thấy yêu tha thiết ánh lấp lánh của những giá trị cổ truyền.
Bộ tranh "Mẹ Âu Cơ".
Trong mỗi con người, từ khi sinh ra, đều hiện diện lòng biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành. Mẹ Âu Cơ là một ý niệm. Bọc trăm trứng là hình ảnh mang ý nghĩa trừu tượng. Quả trứng - ổ rơm là mối quan hệ lồng ghép. Trên tất cả, những hình tượng ấy mang dấu ấn đậm nét của nền văn hoá Việt, của những đặc điểm nhân học – xã hội và lịch sử riêng biệt. Hiểu rõ những đặc điểm đó, ta mới có thể lý giải tại sao lại đẻ ra trứng (mà không phải sinh con), tại sao lại chọn con số 100 (mà không phải số bất kỳ nào đó), tại sao những đứa con lại được chia đôi lên rừng – xuống bể.... Sau những gì được học, được tiếp nhận qua nhiều con đường kể trên, những mạch nguồn quá khứ ấy đã âm thầm thấm đẫm trong tôi, để một ngày bừng nở, để có được ý tưởng về bộ tranh này.
- Được biết tới như một nghệ sĩ tạo hình hoạt động đa dạng trong nhiều thể loại, từ hội hoạ, đồ hoạ, đến trình diễn, sắp đặt và đã gặt hái được một số thành công bước đầu từ năm 1997, tại sao Hải lại chọn con đường hội hoạ ý niệm – trừu tượng, vốn khó hiểu, khó cảm với đám đông và vì vậy khó nổi tiếng, khó được thị trường săn đón, chiều chuộng?
Tôi là người nghiên cứu nghiêm túc và viết luận án đầu tiên tại Việt Nam về nghệ thuật sắp đặt từ năm 1997. Rồi tôi làm việc với nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ nước ngoài. Và cảm thấy thú vị với loại hình nghệ thuật trình diễn – sắp đặt. Trong khuôn khổ triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Đất và con người (Land and Human) tại Salon Natasha vào năm 1998, tôi đã kết hợp nhiều loại hình tự do mà mình thích, từ sắp đặt kết hợp điêu khắc đến tranh biểu hiện.
Tôi đến với tranh trừu tượng từ rất sớm và đã có tác phẩm bán được từ thời điểm đó - năm 1994. Và trung thành với trừu tượng, tới tận bây giờ. Có lẽ bởi từ ngày đó, tôi nhận ra mình không thích những điểm tụ cổ điển. Tôi thích rời bỏ phong cách cổ điển, thích tìm ra những điểm tụ khác (ví dụ như đa điểm, phân tán điểm tụ trên bề mặt, thoát khỏi điểm tụ hoặc đưa điểm tụ ra ngoài biên tranh...). Chọn lựa con đường gập ghềnh ấy, nói như bạn, tôi biết mình không dễ được đám đông tung hô đón nhận, không dễ nổi tiếng và cũng không dễ bán tranh. Nhưng tôi luôn tin, khi một chủ thể cất tiếng, âm thanh sẽ truyền lưu trong không gian và ở đâu đó, chắc chắn sẽ có sự thu nhận và phản hồi. Mỗi tác phẩm mà người hoạ sĩ sáng tạo đều sẽ tìm được đối tượng thấu hiểu, đồng cảm và yêu thích. Chỉ cần từng nét cọ, mảng màu, hình khối trên tấm toan thực sự xuất phát từ những rung cảm đích thực trong trái tim.
Tác phẩm "Sen đỏ".
Là người sáng tác và tích cực tham gia nghiên cứu, giới thiệu mỹ thuật, tôi hiểu rất rõ mọi con đường và cách thức hữu hiệu để tiếp cận số đông. Tôi nhớ có nhà sưu tập tranh từng đưa ra bảng tổng kết vui, rằng muốn dễ dàng tiếp cận thị trường, tranh của anh phải có nón lá, áo dài, có trâu – chim và những cảnh vật yên ả, thanh bình... Những đề tài ấy, đối tượng phản ánh ấy trùng khít với chuẩn tiếp cận chung của số đông công chúng, đáp ứng phần lớn nhu cầu hưởng thụ tinh thần của những năm giữa thập kỷ 90 nhưng đã trở nên không phù hợp, ở thời điểm này. Theo quan điểm cá nhân của tôi, phương thức sáng tác ấy không đóng góp được nhiều cho sự phát triển mà còn gây hiểu sai về đời sống mỹ thuật nước nhà. Làm nghệ thuật không phải là chạy theo, chiều chuộng thị hiếu đám đông. Làm nghệ thuật là phải kéo được lượng công chúng đích thực gần lại, giúp họ tiếp cận với tác phẩm có giá trị - vừa có thể thoả mãn nội lực sáng tạo cá nhân vừa làm rạng danh mỹ thuật Việt. Ai đó đã đúc kết, “đi đến tận cùng cái của ta, sẽ gặp nhân loại”. Hay nói như cố danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, “đi tìm truyền thống sẽ thấy cái hiện đại”. Tôi chọn cách tìm trong huyền sử để gặp đương đại, dù không dễ dàng, mà bộ tranh Mẹ Âu Cơ là một ví dụ cụ thể.
Cảm ơn Hải về cuộc trò chuyện thú vị và cởi mở này!
Hoạ sĩ Phạm Hà Hải sinh năm 1974. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Hội hoạ (năm 1997) và trở thành Thạc sĩ Mỹ thuật tạo hình chuyên ngành Hội hoạ (năm 2005) tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Hiện anh đang công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Từng tham gia khá nhiều các triển lãm trong và ngoài nước từ năm 1995 tới nay, Phạm Hà Hải đã có một triển lãm cá nhân, mang tên Đất và con người, năm 1998. Ngoài giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 1997, anh còn nhận Giải thưởng danh dự tại TL Mỹ thuật châu Á Philip Morris trong hai năm liên tiếp 1998 – 1999 và Huy chương Đồng tại TL Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Bộ tranh mới nhất Mẹ Âu Cơ của Phạm Hà Hải sẽ đến với công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô từ ngày 20 đến 25.1.2017, trong khuôn khổ Domino Art Fair tại tầng 6, toà nhà HNCC, số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. |