Nan giải bài toán xóa “vùng trắng” điện ảnh

|

NDO - NDĐT – Theo thống kê mới nhất của Cục Điện ảnh, cả nước có tới 18 tỉnh “trắng” không có rạp chiếu bóng, không có phim ảnh. Bài toán đặt ra đối với việc xóa các vùng trắng này hiện tại đang rất nan giải cả với địa phương và Nhà nước, bởi “cái khó bó đủ đường”.

Theo thông tin của Cục Điện ảnh, hiện nay trong cả nước có tới 18 tỉnh không có rạp chiếu phim, không phát hành phim. Có 17 tỉnh rạp chiếu phim hoạt động chung với Nhà văn hóa, và phần lớn đều rất cầm chừng, chín tỉnh có rạp nhưng không còn hoạt động nữa. Hầu hết trong số này là những tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi. Tuy nhiên cũng có những tỉnh đồng bằng như Thanh Hóa, thậm chí sát ngay cạnh Thủ đô như Bắc Ninh vẫn “trắng” rạp chiếu phim.

Một tỉnh miền trung khác như Quảng Bình, ngay trước thời điểm Cục tổ chức hội nghị về phát hành phim, đã phải trải qua một nỗi buồn là chính giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Bình đã phải đề nghị tư nhân hóa rạp chiếu phim cuối cùng của tỉnh. Còn Sơn La, một trong những địa phương “trắng” rạp, 20 năm nay hoàn toàn không có phim chiếu rạp mà chỉ có đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Sơn La cho biết, không có rạp, nhiệm vụ phục vụ chính trị trên địa bàn tỉnh thiếu hụt hoàn toàn hoạt động điện ảnh, thiếu đi sự tuyên truyền với nhiều đối tượng như thanh thiếu niên, trẻ em… Các buổi chiếu phim lưu động đều do Cục Điện ảnh cung cấp nguồn phim và Nhà nước tài trợ kinh phí, đơn vị phát hành không có nguồn thu, do vậy cũng không có kinh phí để sửa chữa, tái đầu tư. Sơn La cũng là tỉnh có số đội chiếu bóng lưu động đông nhất trong cả nước: 26 đội. Nhiệm vụ tuyên truyền cho đến hiện nay đều đặt cả lên vai các đội chiếu bóng lưu động này. Và một trong những mong mỏi của người dân Sơn La được ông Trần Hồng Tuyến truyền đạt lại, là mong muốn có được một rạp chiếu phim để góp phần đẩy lùi ma túy, vấn nạn đang làm đau đầu cơ quan chức năng và người dân Sơn La.

Ở các tỉnh phía bắc và nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng chung hiện nay là sự “sống dở chết dở” của hệ thống phát hành phim Nhà nước. Rạp cũ nát, không sử dụng được hoặc không được sửa chữa, hoạt động cầm chừng, không có nguồn phim mới, hấp dẫn, không có tiền tái đầu tư để thu hút khách đến rạp…, đó là cái vòng luẩn quẩn mà hầu hết các hệ thống phát hành phim Nhà nước hiện nay gặp phải.

Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Ninh Bình bày tỏ: “Ninh Bình là một trong những địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát hành phim. Trong kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các công trình văn hóa của tỉnh giai đoạn 2014-2020, có đầu tư vốn sửa chữa, nâng cấp rạp Ninh Bình hiện tại với tổng vốn 10 tỷ đồng và xây mới cụm rạp với 100 tỷ đồng, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có. Hiện tại Ninh Bình không có rạp đủ điều kiện về trang thiết bị để chiếu phim của các hãng nổi tiếng, chất lượng cao, mà nguồn phim phần lớn thuê lại của công ty Điện ảnh Vinacinema, thường chậm hơn thời điểm phát hành ở rạp Việt Nam từ một đến hai tháng, nhiều phim chất lượng cao không được thuê để khai thác”.

Thiếu nguồn phim để khai thác là tình trạng chung của nhiều trung tâm phát hành phim và chiếu bóng hiện nay, khi chỉ có gần như một nguồn duy nhất là phim HD từ Vinacinema, với các phim hầu hết đã cũ, lại không hấp dẫn. Cái khó là hiện nay máy chiếu phim của các rạp phần lớn là máy chiếu phim nhựa đã cũ hoặc máy chiếu HD nên gần như chỉ phù hợp với nguồn phim này, còn đối với phim mới, kỹ thuật cao thì không đủ điều kiện chiếu hoặc không bảo đảm điều kiện bảo vệ bản quyền của nhà sản xuất.

Đại diện nhiều trung tâm phát hành phim và chiếu bóng còn cho biết, những năm trước đây, dù thiếu thốn nhưng họ vẫn có thể “túc tắc” đủ chỉ tiêu do Nhà nước giao, thường là doanh thu 200 triệu đồng/năm. Nhưng kể từ khi xuất hiện các cụm rạp tư nhân với nguồn phim phong phú, hấp dẫn và rất mới như Lotte, CGV… thì doanh thu của các trung tâm này sụt giảm thê thảm, nhiều trung tâm đứng trước nguy cơ đóng cửa, hoạt động cầm chừng, lay lắt. Điển hình là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng…. Thậm chí ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng còn đề nghị “trả lại rạp”, vì đã từng đánh tiếng xin đổi nguyên một rạp ở ngay vị trí “đất vàng” giữa trung tâm để lấy một máy chiếu hiện đại cũng không được. Kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thì gặp khó khăn về thủ tục giấy tờ…

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, đây đều là những vấn đề không mới, nhưng đã nhiều năm rồi chưa giải quyết được. Bản thân Cục cũng khó có thể “bao đồng” cho tất cả các tỉnh thành trong nước khi vừa cung cấp máy chiếu, vừa cung cấp nguồn phim, lại đầu tư vốn xây dựng hoặc sửa chữa rạp. Việc các trung tâm chủ động tìm nguồn vốn đầu tư, tìm hướng chuyển đổi là rất quan trọng. Ngay cả ở Hà Nội, nhiều rạp hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng không khác gì so với các tỉnh. Cục Điện ảnh ủng hộ việc các địa phương chủ động tìm giải pháp tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng địa phương.