Mạnh tay với nạn tranh giả

|

Trước những ồn ào của dư luận, vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã mời Hội đồng giám định tác phẩm của triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (trưng bày tại Bảo tàng từ ngày 10 đến 21-7). Với kết luận 15 trong tổng số 17 bức tranh không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện, hai bức còn lại bị mạo danh, một lần nữa câu chuyện về nạn tranh giả và uy tín của mỹ thuật Việt Nam lại trở thành vấn đề nóng…

Một triển lãm nhiều “sóng gió”

Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu giới thiệu 17 tác phẩm của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); cùng các họa sĩ nổi tiếng Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945) như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ. Trong thời gian triển lãm, nhiều ý kiến của giới chuyên môn và báo chí phản ánh, cho rằng hầu hết tác phẩm trưng bày là tranh giả. Còn ông Vũ Xuân Chung, một nhà sưu tầm đồ cổ, chủ nhân của bộ sưu tập khẳng định đây là những bức tranh thật, đồng thời, đặt niềm tin vào ông Giăng Phrăng-xoa Hu-be - chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của sàn đấu giá tầm cỡ thế giới Christie’s tại Hồng Công (Trung Quốc), người bán 17 bức tranh nêu trên cho mình. Và ông Hu-be cũng lên tiếng khẳng định điều đó.

Sự việc đột ngột trở nên “nóng” hơn, khi vào ngày 14-7, đến xem triển lãm, họa sĩ Thành Chương hết sức kinh ngạc trước bức sơn dầu Trừu tượng với chữ ký “Tạ Tỵ 52” (vẽ năm 1952) ở góc trái. Theo Thành Chương, đó chính là tranh do ông vẽ vào khoảng năm 1970 - 1971, thể hiện chân dung nữ họa sĩ Kim Anh, một người bạn thân của mình. Ngay sau đó, ông yêu cầu được gặp lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, mong muốn được làm cho ra lẽ. Ngày 15-7, ông Hu-be đưa ra bức ảnh cũ (theo ông là được chụp từ năm 1972) chụp bốn nhân vật, gồm: họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm và nhà làm phim Trần Quý Thịnh. Phía sau họ có bức tranh Trừu tượng nhìn rõ chữ ký của Tạ Tỵ dán trên cánh cửa gỗ; nhằm chứng minh nguồn gốc của bức tranh. Tuy nhiên, các trang facebook Nghệ Thuật Xưa và của họa sĩ Lê Huy Tiếp đã đưa lên một bức ảnh gốc chụp bốn nhân vật nêu trên lại không có bức Trừu tượng dán trên cánh cửa; cho thấy tấm ảnh của ông Hu-be là sản phẩm Photoshop (chỉnh sửa ảnh), ngụy tạo bằng cách ghép thêm bức tranh vào. Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết, ông nhận bức ảnh này từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tiếp đó, họa sĩ Thành Chương đã công bố phác thảo tranh Trừu tượng và nữ họa sĩ Kim Anh cũng lên tiếng xác nhận bà chính là người mẫu trong bức tranh của Thành Chương. Còn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cung cấp thêm thông tin: Tối 15-7, ông đã gửi email cho nhà đấu giá Christie's hỏi về chuyên gia Pháp Giăng Phrăng-xoa Hu-be và nhận được trả lời, rằng ông Hu-be không còn làm việc ở đó... Trước diễn biến phức tạp của vụ việc, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh lập Hội đồng giám định để sớm có phương án xử lý.

Siết chặt quản lý để tạo sự minh bạch

Sáng 19-7, Hội đồng giám định tác phẩm triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đã làm việc, với sự tham gia của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; các họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, Phan Gia Hương, Huỳnh Văn Mười, Lê Thị Kim Bạch, Lê Huy Tiếp... Căn cứ vào các yếu tố phong cách, chất liệu và kỹ thuật, tất cả thành viên hội đồng cùng thống nhất đưa ra kết luận: 15 trong số 17 tác phẩm không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; hai bức còn lại bị mạo danh. Hầu hết tác phẩm “chép” rất lộ với bố cục, đường nét vụng về, mầu sắc kém; khác xa phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo của các họa sĩ nổi tiếng. Các tác phẩm “giả” của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái sai từ tạo hình đến tên tác phẩm. 14 bức tranh sơn mài hầu hết sử dụng chất liệu sơn Nhật Bản và sơn hóa học làm đồ thủ công mỹ nghệ, bề mặt tranh phẳng lỳ, bóng; không sử dụng các kỹ thuật như dát vàng, bạc, vỏ trứng... của sơn truyền thống. Trong hai tác phẩm bị mạo danh, bức sơn dầu Trừu tượng được kết luận của họa sĩ Thành Chương khi tác giả đưa ra được bằng chứng (phác thảo, ảnh chụp tranh gốc) và gia đình cố họa sĩ Tạ Tỵ xác nhận không phải tranh của ông; bức sơn mài Trận đánh ký tên Nguyễn Sỹ Ngọc được gia đình cố họa sĩ xác nhận không phải là tranh của ông. Hội đồng giám định đã đề nghị Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Công an và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh tạm giữ tất cả 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra và vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất. Chiều cùng ngày, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Trịnh Xuân Yên cho biết đã thực hiện đề nghị của Hội đồng; đồng thời Bảo tàng cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã tổ chức triển lãm khi thông tin về các tác phẩm chưa đủ tính xác thực.

Theo quy định của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, hồ sơ xin cấp phép triển lãm phải có danh sách, ảnh chụp các tác phẩm trưng bày. Như vậy, trách nhiệm này thuộc Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Lâu nay, tranh giả, tranh chép luôn là “vấn nạn” của mỹ thuật nước nhà. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, trào lưu sao chép tác phẩm của các bậc danh họa Việt Nam, như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh... nở rộ. Một số khách hàng nước ngoài tố mua phải “tranh Phái” giả, nhà đấu giá lớn bị kiện vì bán “tranh Phái” giả... Không dừng ở việc làm giả tranh của các bậc thầy, tranh của các họa sĩ trẻ bán chạy cũng nhanh chóng có hàng nhái. Thực trạng đáng buồn này ảnh hưởng đến thanh danh của các nghệ sĩ đích thực, gây mất uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Không có ai chịu trách nhiệm, cũng không một cơ quan nào đứng ra phân loại thật, giả. Thi thoảng, một vài vụ việc bị phát hiện “chép” hoặc “đạo” thường rơi vào các tác phẩm đoạt giải tại triển lãm. Sau khi dư luận phản ánh, tác giả chỉ bị thu hồi giải thưởng; còn hầu hết tranh giả trôi nổi trên thị trường không hề bị kiểm soát, xử lý. Với triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu lần đầu ở một bảo tàng mang tính quốc gia xảy ra vụ việc lớn, cho thấy sự hoành hành công khai của nạn tranh giả và cần có sự vào cuộc của pháp luật. Ngày 21-7, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã có công văn gửi Cục Bản quyền, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh đề nghị sớm giải quyết vụ việc.

Sự việc này thật sự là một “cú sốc” lớn; gióng lên hồi chuông khẩn thiết cần phải có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục những bất cập, yếu kém và làm trong sạch thị trường mỹ thuật nước nhà. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, trong thời gian tới, ngành mỹ thuật và các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện hai công việc. Thứ nhất, cần triển khai ngay các chính sách, quy định quản lý thuế đối với cá nhân họa sĩ và nhà sưu tập trực tiếp tham gia hoạt động mua bán tác phẩm (lâu nay, việc này chỉ thực hiện với các ga-lơ-ry, nhà đấu giá). Cụ thể, khi mua bán phải có hóa đơn giá trị gia tăng nhằm bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc tác phẩm; góp phần trợ giúp vấn đề bảo hộ bản quyền và để họa sĩ, nhà sưu tập có trách nhiệm nộp thuế. Thứ hai, cần khẩn trương thành lập ba trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật tại ba miền, thuộc các Bảo tàng Mỹ thuật: Việt Nam (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đồng thời khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, tổ chức thành lập các trung tâm đấu giá phục vụ hoạt động mua bán tác phẩm. Mỗi trung tâm (thuộc ba Bảo tàng nêu trên) sẽ thành lập một đội ngũ chuyên gia đủ uy tín và năng lực để giám định chất lượng tác phẩm cho bảo tàng, cho các triển lãm và hoạt động mỹ thuật của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.