Tạo nguồn lực nội sinh để văn hóa hội nhập với thế giới

|

Nhìn lại sự phát triển của văn học nghệ thuật ở Việt Nam trong 35 năm vừa qua, có thể thấy, tiến trình hội nhập quốc tế đã diễn ra một cách sâu sắc ở mọi cấp độ và lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học, từ nghệ thuật ngôn từ đến âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh.

Nghệ thuật Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của thế giới từ mô hình sản xuất đến tư tưởng mỹ học và lý luận nghệ thuật, từ hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ đến hoạt động tiếp nhận của công chúng. Sự gia tăng của toàn cầu hóa và sự hội nhập sâu sắc của Việt Nam và những "sân chơi" toàn cầu khiến tiến trình tiếp xúc giữa văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới diễn ra ngày càng phức tạp. Bên cạnh những cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cũng như những cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng tham gia vào tiến trình tiếp xúc văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Bên cạnh hệ thống pháp luật và chính sách quốc gia, chúng ta còn tham gia vào các điều ước quốc tế, trong đó, kinh doanh nghệ thuật cũng được xem như một hình thức kinh doanh và thị trường nghệ thuật cũng là một phần của thị trường hàng hóa.

Tính hai mặt của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đã khiến đời sống nghệ thuật ở Việt Nam kết nối trực tiếp với đời sống nghệ thuật đương đại toàn cầu. Hơn thế nữa, quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật đã diễn ra trên cả hai chiều, nghĩa là chúng ta không chỉ tiếp nhận nghệ thuật thế giới mà nghệ thuật Việt Nam đã hòa nhập vào đời sống nghệ thuật nhân loại. Toàn cầu hóa đã mở ra cánh cửa tiếp xúc với nghệ thuật thế giới và góp phần làm nên sự phát triển phong phú và đa dạng của đời sống nghệ thuật ở Việt Nam, với nhiều hình thức sản phẩm đa dạng hướng đến những nhóm công chúng khác nhau. Ðó là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực.

Tuy vậy, toàn cầu hóa cũng đang đặt đời sống nghệ thuật ở Việt Nam trước những thách thức. Nhìn trong một tương quan tổng thể, có thể nói, tiến trình toàn cầu hóa diễn ra một cách không đồng đều trong các lĩnh vực, các bộ môn của đời sống nghệ thuật. Có những ngành nghệ thuật, do tích lũy được truyền thống phát triển lâu dài nên tiến trình tiếp nhận nghệ thuật thế giới diễn ra một cách rất sâu sắc, chạm đến tầng lý luận và mỹ học. Ðiển hình là các lĩnh vực văn học, mỹ thuật và trên một phương diện nhất định là âm nhạc, điện ảnh. Cơ chế thị trường cũng khiến những tiếp xúc ở lĩnh vực nghệ thuật đại chúng diễn ra rất sôi động, trong khi đó nghệ thuật bác học, nếu thiếu đi bệ đỡ tài trợ từ Nhà nước hoặc những quỹ văn hóa nước ngoài sẽ gặp phải những khó khăn lớn.

Nếu nhìn vào thị trường sách hoặc thị trường âm nhạc, điện ảnh, có thể thấy, phần lớn những sản phẩm chiếm số lượng áp đảo trên thị trường đều là những sản phẩm thương mại, còn những sản phẩm nghệ thuật bác học, đỉnh cao sẽ rất khó có thể xuất hiện trên thị trường nếu không được tài trợ. Ðiều này có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối trong đời sống nghệ thuật và các hoạt động nghệ thuật, chỉ có chiều rộng mà thiếu chiều sâu, chỉ có mặt bằng mà thiếu đỉnh cao, công chúng quen với những sản phẩm thị trường, dễ dãi mà mất đi khả năng cảm thụ những tác phẩm phức tạp, đỉnh cao. Ðây là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với công chúng trẻ.

Bên cạnh đó, tiến trình toàn cầu hóa thiếu kiểm soát và thiếu những chính sách điều tiết sẽ dẫn đến sự lan tràn ồ ạt của những sản phẩm văn hóa giải trí ngoại nhập và có nguy cơ đe dọa nền nghệ thuật quốc gia. Ðiều này cũng tương tự như trong lĩnh vực kinh tế. Khi các doanh nghiệp trong nước phát triển sau, có những khó khăn về nguồn vốn và sở hữu trí tuệ thì sẽ bị những doanh nghiệp toàn cầu uy hiếp nghiêm trọng nếu không có chính sách bảo hộ và hỗ trợ hợp lý của Nhà nước. Công nghiệp văn hóa còn hết sức non trẻ ở Việt Nam, nhưng nó đã có một lịch sử phát triển đi trước nhiều thập kỷ ở các nước chung quanh chúng ta, cộng với bệ đỡ kinh tế phát triển dẫn đến tình trạng thị trường nghệ thuật Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ bị các sản phẩm ngoại nhập tràn ngập và uy hiếp sản xuất trong nước.

Ngoài ra, với sự tham gia của những tác nhân phi chính phủ và có nguồn gốc nước ngoài cùng với những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường có thể dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát từ phía Nhà nước cũng như nguy cơ công chúng tiếp xúc với những sản phẩm xấu, độc, sai trái về tư tưởng và độc hại về thẩm mỹ.

Tạo nội lực cho văn hóa

Trong những thập niên qua, Ðảng và Nhà nước ta đã có những đường lối hết sức đúng đắn để định hướng đời sống văn học nghệ thuật phát triển một cách lành mạnh trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Tuy vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, Ðảng và Nhà nước cần phải có những quyết sách kịp thời, hoàn thiện các thiết chế và thể chế để tạo nội lực cho nghệ thuật quốc gia, tạo sức đề kháng tự thân, nội lực tự thân của giới thực hành nghệ thuật, kinh doanh nghệ thuật, nghiên cứu, phê bình nghệ thuật cũng như công chúng nghệ thuật, chủ động tiếp nhận những tinh hoa nghệ thuật thế giới và giới thiệu những giá trị nhân văn của Việt Nam ra nước ngoài.

Bài học lịch sử từ công cuộc đổi mới đất nước vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước cho thấy, chính sự đổi mới về chính sách và thể chế mới là yếu tố quan trọng nhất tạo động lực cho sự phát triển. Từ 1986 đến nay, Ðảng ta đã có những quan điểm đúng đắn trong phát triển văn hóa phù hợp bối cảnh mới, mà quan trọng là tư tưởng xuyên suốt về xã hội hóa hoạt động văn hóa được hình thành từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và sự thừa nhận công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa được thể hiện trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI. Ðây là những sự đổi mới tư tưởng phù hợp sự phát triển của văn hóa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh toàn cầu hóa. Về bản chất, cả hai chủ trương đều liên quan việc thay thế cơ chế bao cấp và huy động các nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật.

Ðiều hết sức cần thiết ở đây là việc luật hóa và cụ thể hóa đường lối của Ðảng thành những chính sách phù hợp tác động trực tiếp đến sự phát triển văn hóa. Cần xác định lại một cách chính xác những lĩnh vực có thể huy động nguồn lực xã hội (chủ yếu liên quan nghệ thuật đại chúng) và những lĩnh vực bắt buộc phải có sự bao cấp của Nhà nước, thậm chí tăng cường sự bao cấp của Nhà nước (chủ yếu liên quan nghiên cứu nghệ thuật, đào tạo nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật tinh hoa). Hơn thế nữa, cần có những chính sách của Nhà nước để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư và tài trợ nghệ thuật. Trong hệ thống pháp luật của những quốc gia phát triển, hoạt động tài trợ nghệ thuật cũng được xem tương đương với các hoạt động từ thiện và sẽ nhận được những ưu đãi về thuế.

Từ một phía khác, nếu đã coi văn hóa là một ngành công nghiệp thì cũng cần có những chính sách bảo hộ và khuyến khích đối với ngành công nghiệp đặc thù này. Theo một thống kê được công bố vào năm 2019, số lượng phim Việt Nam được sản xuất trong một năm là khoảng 40 phim và số lượng phim nhập khẩu là gần 200 phim. Chúng ta hoàn toàn không có chính sách về quota nhập khẩu phim, trong khi tỷ lệ phim nhập khẩu ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đều không vượt quá 50% và gần như tất cả các nước trong khu vực ASEAN đều có chính sách áp quota phim nhập khẩu. Ðể có thể phát triển được thị trường xuất bản, sản xuất phim, hội họa,… đều cần những chính sách đặc thù trong việc ưu đãi thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như những chính sách liên quan thẩm định, kiểm duyệt và tài trợ mang tính đặc thù.

Thị trường hội họa những năm gần đây cho thấy bên cạnh việc tăng giá của tranh Việt Nam ở những sàn đấu giá quốc tế (có một phần nguyên nhân quan trọng liên quan việc chính người Việt đầu tư vào nghệ thuật) thì nạn tranh giả, tranh không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đang là một mối đe dọa lớn.

Kinh nghiệm từ những quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, để có thể phát triển được các hoạt động nghệ thuật quốc gia, rất cần có những chương trình do Nhà nước khởi xướng và đầu tư. Ðể văn học Việt Nam có thể được dịch thuật và quảng bá ở nước ngoài cần có những hội chợ để các nhà xuất bản trên thế giới có thể nắm được tình hình phát triển của văn học Việt Nam, có điều kiện thuận lợi trong việc mua bản quyền và cần có những học bổng dài hơi cho các dịch giả thông qua môi trường đại học.

Việc dịch những tác phẩm tinh hoa chủ yếu đều được thực hiện trong môi trường hàn lâm của đại học chứ không thể "thả nổi" cho sự vận hành của cơ chế thị trường và các nhà xuất bản nước ngoài. Ðể những ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh hay âm nhạc có thể cất cánh, cần có những chương trình đào tạo đồng bộ nguồn nhân lực, từ đội ngũ các nhà sản xuất cho đến người thực hành nghệ thuật và sáng tác nghệ thuật.

Sự thành công của loại phim Việt hóa kịch bản nước ngoài trong những năm gần đây cho thấy khâu đào tạo biên kịch ở Việt Nam đang có những lỗ hổng nghiêm trọng bên cạnh việc các studio có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ tiến trình sản xuất phim. Nếu không có một sự đầu tư mạnh mẽ cho khâu đào tạo biên kịch tiệm cận với những mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới và sự hợp tác chặt chẽ giữa giới làm điện ảnh và những người viết văn thì kịch bản sẽ mãi là khâu bị lệ thuộc vào nước ngoài, tương tự tình trạng phụ thuộc về nguyên phụ liệu trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất.

Có thể nói, việc hoàn thiện thiết chế và thể chế, chính sách hóa đường lối văn hóa của Ðảng kết hợp với những nỗ lực mang tính tự thân của giới thực hành nghệ thuật trong việc đạt đến mặt bằng tri thức và tư duy nhân loại, đi đến tận cùng những vấn đề bản địa thì văn học nghệ thuật ở Việt Nam mới có thể tạo nên được một nội lực mạnh mẽ để đối diện với tiến trình toàn cầu hóa.