Làm thế nào để thu hút các nhà làm phim nước ngoài, hợp tác với họ thành công và đôi bên cùng có lợi? Những kinh nghiệm từ phía các nước như Singapore, Cam-pu-chia, hay Malaysia là rất quý đối với Việt Nam, nhất là sau cú hích “Kong – Island of the skul” vừa qua.
Đối với Cam-pu-chia, lợi thế lớn nhất là từ những di sản văn hóa thế giới như Angkor Vat, Angkor Thom. Khán giả yêu điện ảnh thế giới vẫn còn nhớ những hình ảnh ấn tượng của những đền đài cổ kính bên dưới những rễ cây cổ thụ khổng lồ trong loạt phim Lara Croft của Hollywood.Ông Pok Borak, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và Phổ biến văn hóa Cam-pu-chia cho biết: “Chính sách phát triển văn hóa quốc gia của chúng tôi rất chú trọng sử dụng hình ảnh đất nước như một nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài. Năm 2009, Cục Điện ảnh Cam-pu-chia đã có những nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư những gì họ thiếu với những năng lực mà chủ nhà có sẵn hoặc có thế mạnh. Ông Pok Borak cũng cho biết, trước năm 2009, các nhà làm phim nước ngoài vào Cam-pu-chia thường phải đem theo nhiều loại máy móc thiết bị hoặc thuê từ Thái-lan, rất tốn kém và mất nhiều công sức. Nhưng từ năm 2009, Cục Điện ảnh Cam-pu-chia đã quyết định mua một số thiết bị hiện đại phục vụ cho việc làm phim, vừa hỗ trợ các nhà làm phim nước ngoài, vừa làm dịch vụ.
Ngoài những yếu tố trên, lịch sử cũng là một yếu tố thuận lợi giúp Cam-pu-chia thu hút nhà làm phim nước ngoài. Ông Pok Borak cho biết, có rất nhiều đạo diễn quốc tế đã tìm đến Cam-pu-chia quay phim tài liệu, ngoài nhiều bộ phim truyện nổi tiếng sử dụng bối cảnh đền đài cổ kính của Angko Vat, Angkor Thom… Ở Cam-pu-chia, trong năm 2015 có 67 phim nước ngoài quay tại đất nước này, còn trong năm 2016 tính đến hết tháng 9, đã có 53 phim bấm máy.
Về hợp tác sản xuất điện ảnh, theo ông Pok Borak, có hai kiểu chính thức và không chính thức. Chẳng hạn, năm 2013, Cam-pu-chia đã ký Hợp tác thỏa thuận điện ảnh với Pháp, và các nhà làm phim hai nước sau đó đã cho ra đời những tác phẩm “song tịch”. Đối với những dự án này, chính phủ sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, còn Bộ Tài chính hỗ trợ giảm thuế.
Hợp tác không chính thức là các đơn vị trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài, cùng góp tiền sản xuất phim và phim được quay ở cả hai nơi.
Đối với Singapore, bà Wei Xuan Sim, Ủy ban Điện ảnh Singapore cho biết, LHP quốc tế Singapore diễn ra vào tháng 12 này là một trong những cánh cửa để điện ảnh đảo quốc này tìm kiếm cơ hội hợp tác phim với các nhà làm phim nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để tăng số lượng sản xuất phim trong nước và thúc đẩy phát hành phim ra nước ngoài.
Tổ chức LHP thu hút nhà đầu tư, làm đúng vai trò chất xúc tác đầu tư điện ảnh cũng là cách thức mà ngành điện ảnh Malaysia lựa chọn. Bà Norashikin Ahmad Nor, Trưởng phòng Thương mại quốc tế FINAS, Malaysia cho biết, việc hỗ trợ hợp tác phát triển cũng là một trong những ưu tiên của ngành điện ảnh nước này.
Các nước trong ASEAN hợp tác và hỗ trợ nhau phát triển điện ảnh cũng là một xu hướng mà các nhà quản lý điện ảnh ASEAN đang hướng tới. Hiện nay, sự liên kết này còn lỏng lẻo và chưa nhiều. Ông Đỗ Duy Anh, Cục Phó Cục Điện ảnh Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, phim ASEAN chiếu rạp gần như không có, trừ một số phim Thái-lan gần đây được nhập khẩu theo thị hiếu khán giả trẻ. Trên truyền hình, số lượng phim đến từ các nền điện ảnh ASEAN có hơn, như phim Thái-lan, Philippines, Singapore…, nhưng cũng chưa nhiều. Ông Đỗ Duy Anh cho biết, vì từ trước tới nay ở ASEAN chỉ có Việt Nam là chưa có chính sách ưu đãi hợp tác phát triển, cho nên Cục Điện ảnh đang xây dựng một đề án đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm khuyến khích các nhà làm phim nước ngoài hợp tác với điện ảnh Việt.
Ông Pok Borak (Cam-pu-chia) cho biết, gần đây một số nhà làm phim ASEAN cũng đã bắt đầu chú ý tới việc hợp tác với Cam-pu-chia, trong đó có các nhà làm phim Việt Nam.
Hợp tác cũng là con đường tốt nhất để các nền điện ảnh ASEAN cùng nhau phát triển. Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN Briccio Santos cho rằng, với một thị trường rộng lớn gồm gần 700 triệu dân, cần phải hợp tác để tăng cường sản xuất và phát hành phim của nhau trong khu vực. Các nước ASEAN cũng nên xâydựng một quỹ chung để hỗ trợ các nhà làm phim, bởi vì các nhà làm phim châu Âu, Mỹ có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn vốn, còn các đồng nghiệp ở ASEAN lại không nhiều cơ hội. Ngoài ra, còn có thể xây dựng các LHP lớn, các sự kiện điện ảnh lớn để thu hút các nhà làm phim quốc tế.