Người khắc họa sống động những chân dung

|

"Cảm ơn nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ đã đem hết tình cảm và trí tuệ tạc thành công bức tượng chân dung tặng tôi". Ðó là những dòng viết tay chứa đựng bao cảm xúc yêu mến mà Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày lễ kỷ niệm sinh nhật 97 tuổi đã trân trọng trao tặng họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ, người nghệ sĩ tài hoa.

Từ "họa sĩ làng" đến "ông vua thạch cao"

Công ty Viễn Phương, nơi vừa là tư gia, là chốn đi về, vừa là điểm nuôi dưỡng và hiện thực hóa niềm đam mê nghệ thuật của họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ. Bước vào tiền sảnh, ánh nhìn của chúng tôi đã bị hút lại bởi hai cột đá lớn hình trụ với hoa văn cẩm thạch đứng sừng sững bên cửa ra vào. Thân cột tròn, bóng, nhẵn thín, khiến người ta có cảm giác như chúng được đẽo gọt từ một khối đá nguyên tảng khổng lồ rồi được mài giũa thêm cho bóng láng. Cạnh đó là bức tranh treo tường khổ lớn nhìn tựa tấm phù điêu đá có vân sóng mầu ngọc bích tự nhiên, cùng nhiều bức tượng chân dung làm từ gỗ, đồng, thạch cao muôn hình vạn trạng...

Tiếp chúng tôi bên chén trà xanh nghi ngút thoang thoảng hương hoa nhài, nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu nhiều gian khó. Khi còn là cậu học sinh cấp hai ở miền quê Kim Sơn, Ninh Bình, Trần Hiếu Lễ đã say sưa vẽ làng quê với cảnh thiên nhiên bốn mùa yên ả; cảnh những em nhỏ tung tăng cắp sách đến trường; cảnh các bà, các mẹ, các cô í ới gọi nhau ra đồng cấy lúa... Chẳng hề được học qua một lớp mỹ thuật nào, nhưng bằng khả năng thiên bẩm, Trần Hiếu Lễ có thể chép lại y như thật những bức tranh mà cậu thích, từ bức tứ bình trong tranh Ðông Hồ, tranh tĩnh vật làng quê cho tới chân dung những lãnh tụ cách mạng... Dân làng ưu ái gọi ông là "họa sĩ", danh xưng được làng phong đủ để thắp lên niềm hãnh diện, tình yêu và đam mê nghệ thuật.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông anh em nên đến năm hết cấp hai, Trần Hiếu Lễ buộc phải nghỉ học đi làm đủ mọi nghề: từ gặt lúa, làm thủy lợi cho tới chở bè, luồng gỗ về xuôi... Song thật đặc biệt, chính năng khiếu hội họa, điêu khắc thiên bẩm đã đem đến cho anh bậc thang để đi lên trong những công việc chẳng liên quan gì nhiều đến nghệ thuật. Năm 19 tuổi, anh trở thành công nhân của Công ty Xây dựng số 5 thuộc Bộ Xây dựng. Nhờ khéo tay, anh được phong làm tổ trưởng tổ mộc nề. Có năng lực tổ chức công việc tốt nên cả tổ anh đã được hưởng lương cao gấp đôi bình thường. Sau đó, khi Nhà máy điện Ninh Bình chuẩn bị khánh thành tổ máy 1, nhờ công việc trang trí, vẽ tranh cổ động bằng bột mầu và cắt chữ khổ lớn cho buổi lễ mà anh đã được giữ lại làm ở nhà máy... Ngay khi Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp tuyển hệ trung cấp năm 1975, anh đăng ký thi và trở thành một trong hai người đỗ cao nhất khóa.

Ðang là sinh viên năm thứ ba, với tác phẩm "Nữ tự vệ thủ đô" làm bằng gốm đất nung được chọn trưng bày tại Triển lãm Ép-buốc (CHDC Ðức), anh đã nhận được phần thưởng là một khoản tiền nhỏ và bốn mét vải lụa. Ngay lập tức Trần Hiếu Lễ nghĩ về người mẹ sớm hôm đã tảo tần nuôi anh khôn lớn và đến tận bây giờ, anh vẫn không thể quên cảm xúc rưng rưng xúc động của người mẹ hiền lần đầu tiên nhận được quà từ con trai... Trong lớp, được bầu làm lớp trưởng, trong trường lại có tiếng học tốt song sau khi phân ngành, Trần Hiếu Lễ đã kiên quyết từ chối cơ hội vào các khoa như đồ họa, sơn mài, hay tạo dáng công nghiệp vốn là những ngành đầu bảng của khối mỹ thuật khi đó để dấn thân vào điêu khắc. Cũng chỉ vì chết mê chết mệt với điêu khắc và hội họa từ nhỏ nên sau khi ra trường với tấm bằng giỏi, anh đã bỏ qua những lời mời về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Sở Văn hóa tỉnh Nam Ðịnh, chấp nhận làm công việc trái ngành tại Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai chỉ để được bám trụ lại Hà Nội, nơi sẽ cho anh nhiều cơ hội nhất để học hỏi và thỏa mãn đam mê. Vừa công tác tại viện, anh vừa học thêm hai khóa về quay phim, nhiếp ảnh trồng cả ruộng rau muống, vẽ truyền thần để sinh nhai. Công việc tối mắt tối mũi tưởng chừng đã choán hết sức lực của Trần Hiếu Lễ, song đam mê nghệ thuật không cho phép anh dừng lại. Thời gian này, ngoài những bức tranh cổ động những sự kiện lớn, anh còn có hàng chục tác phẩm điêu khắc nhiều chất liệu được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và Triển lãm điêu khắc toàn quốc như Cô nuôi dạy trẻ, Người Nữ y tá, Công kênh, Tuổi thơ...

Năm 1979, Trần Hiếu Lễ trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và năm 1985, trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Theo một dòng sông, sẽ ra biển lớn

Ðó là phương châm sống, cũng là nguyên tắc sáng tạo của nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ. Ðiều này lý giải tại sao, suốt gần chục năm đầu tiên công tác tại bệnh viện, Trần Hiếu Lễ vẫn miệt mài nghiên cứu cách làm hoa văn thạch cao và đem kỹ thuật này ứng dụng vào chế tác các sản phẩm nội thất như: trần phào, hoa văn, phù điêu... Trải nghiệm cuộc đời đã tạo nên những rung cảm nghệ thuật đặc biệt cho người nghệ sĩ. Năm 1997, anh là người duy nhất được chỉ định không qua đấu thầu cải tạo, phục chế trần vòm khán giả Nhà hát Lớn Hà Nội. Công trình được hoàn tất mỹ mãn, giới xây dựng chính thức gọi anh bằng cái tên "ông vua của nội thất thạch cao".

Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm công phu, Trần Hiếu Lễ đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật với việc sáng tạo ra đá nhân tạo marble với vân tranh tự nhiên bằng composite, một vật liệu siêu bền chịu được va đập, mài mòn, mưa nắng, đặc biệt thích hợp với khí hậu Việt Nam và có thể được thi công trên mọi địa hình với độ lớn không giới hạn. Nghe anh nói về quy trình công phu để tạo ra đá nhân tạo marble, chúng tôi mới hiểu tại sao những cột đá ở lối vào nhà anh, nhất là những cột đá lớn đặt tại Phòng họp Quốc hội - Bộ Quốc phòng, lại có vẻ đẹp tự nhiên đến vậy.

Phát minh đá nhân tạo của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp hai bằng độc quyền sáng chế, vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2006 và được Hội chợ EXPO tặng bốn Huy chương vàng. Gắn liền với phát minh này, nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ đã quyết định đứng ra thành lập Công ty Viễn Phương để thỏa ước mơ đem nghệ thuật phục vụ cuộc sống.

Qua hơn mười năm thành lập, đến nay, gắn liền với tên tuổi của Viễn Phương, hàng loạt những công trình trọng điểm đã được thi công và đi vào sử dụng như: trần tường cách âm Hội trường Ba Ðình, đại sảnh Nhà khách 37 Hùng Vương, phù điêu mặt trước Nhà làm việc Ban Chấp hành Trung ương, nhà khách VIP Sân bay quốc tế Nội Bài, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội... Những sản phẩm đá nhân tạo của anh còn vượt qua cả biên giới quê hương để đến với nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ca-na-đa, Ai Cập...

Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Trần Hiếu Lễ đặc biệt say mê lĩnh vực đắp tượng. Từ ngày còn là sinh viên đến nay, anh luôn nổi danh trong giới điêu khắc với việc tạc tượng chân dung hàng trăm văn sĩ trí thức, các chính trị gia, các nhà hoạt động cách mạng. Có nhiều tác phẩm của anh đã trở thành một phần không thể thiếu của những công trình đặc biệt như: Tượng cụ Hồ Ðắc Di tại đại sảnh Trường đại học Y, Tượng cụ Chu Văn An, đại tá Lê Quân đặt tại Văn Miếu, Học viện Cảnh sát nhân dân, Cụm tượng Bác Hồ với thiếu nhi và Bác Hồ với ngành y tế tại Bệnh viện Bạch Mai... Ðưa chúng tôi xuống xưởng sản xuất để tận mắt chứng kiến quy trình tạc và đúc tượng, nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ còn chỉ cho chúng tôi Bức tượng Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn nặng 2,5 tấn, cao 1,96 mét vừa được tác giả đổ đồng và sắp tới sẽ được đặt tại Ðền thờ Trần Hưng Ðạo, Nam Ðịnh...

Nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ tâm sự, anh đã từng tạc tượng hàng trăm chân dung ở nhiều độ tuổi, chức vụ khác nhau nhưng lần đúc tượng để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất là lần được tạc nên chân dung của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ðược gặp Ðại tướng một lần trong đời là ao ước từ nhỏ của anh song không dễ để thực hiện. Mãi tới năm 2006, khi nhận được Giải thưởng VIFOTEC, giải thưởng cao nhất về sáng tạo khoa học công nghệ, anh mới có điều kiện được tiếp cận gần hơn với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó nguyên là Chủ tịch danh dự Quỹ VIFOTEC. "Không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một nên khi xin gặp được Ðại tướng, tôi đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng muốn được làm tượng chân dung cho ông, không ngờ ông đồng ý ngay", nói tới đây, đôi mắt của người nghệ sĩ bỗng ánh lên niềm vui và sự tự hào, hãnh diện.

Suốt những tháng ngày sau đó, dựa vào hàng trăm bức ảnh ở nhiều giai đoạn của Ðại tướng, Trần Hiếu Lễ đã dựng nên pho tượng thạch cao để xin ý kiến Ðại tướng, gia đình Ðại tướng cũng như những tướng lĩnh gần gũi với ông. Và cuối cùng thì ước mơ để đời của anh cũng đã được thực hiện khi bức tượng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp bằng đồng nguyên chất đã được hoàn thiện vào đúng sinh nhật 97 tuổi của Ðại tướng. Bức tượng nặng 115 kg, cao 83 cm, rộng 93 cm, khắc họa chân dung Ðại tướng ở tầm tuổi 70, nhưng riêng đôi mắt lại toát lên thần thái của nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Bức tượng được đánh giá là thành công khi phác họa chân dung Ðại tướng từ trước đến nay. Bức tượng hiện đang được đặt tại Phòng khách số nhà 30 Hoàng Diệu-nhà riêng của Ðại tướng. "Cả đời tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc xúc động khi nhận được những dòng chữ cảm ơn mộc mạc mà đầy ý nghĩa từ Ðại tướng. Ðây là niềm hạnh phúc, cũng là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời đeo đuổi nghệ thuật của tôi" - Nghệ sĩ Trần Hiếu Lễ rưng rưng tâm sự.

Chào anh để ra về, người nghệ sĩ tạm biệt chúng tôi bằng những cái bắt tay. Có cảm nhận được sự thô ráp, chai sạn từ đôi bàn tay cả đời gắn bó với thạch cao, xi-măng, búa, đục... mới sâu sắc nhận ra con đường để trở thành một người nghệ sĩ không hề bằng phẳng. Con đường ấy cần được vượt qua bằng tình yêu, đam mê và cả nghị lực, ý chí không lùi bước...