Người 30 năm viết tình ca

|

Vượt qua những ngày bạo bệnh, khối u chèn ép khiến thị lực giảm sút, có lúc rơi vào cảm giác bất lực, nhưng người nhạc sĩ có vẻ ngoài xù xì và thâm trầm ấy đã mạnh mẽ, kiên cường trở lại nhờ âm nhạc. 30 năm, quãng thời gian đủ dài để nhạc sĩ Quốc Bảo nhìn lại hành trình sống và viết tình ca thật đẹp đẽ của mình.

Sống để viết

Là giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng thu nhập hồi những năm 90 không đủ sống, nhạc sĩ Quốc Bảo kể rằng anh đã làm đủ nghề tay trái để mưu sinh, từ làm dàn trang cho nhà xuất bản, thiết kế hộp đèn quảng cáo, kẻ nhạc thuê để in, viết báo, dạy đàn, tham gia các công việc phòng thu và chơi ghi-ta. Từ năm 1992, nhạc sĩ Quốc Bảo bắt đầu tập trung nhiều cho việc viết báo, viết văn kiếm sống theo đúng nghĩa đen.

Thích đọc và đọc nhiều, cho nên ca từ trong ca khúc của Quốc Bảo luôn có một triết lý, một lối nghĩ suy nào đó thật sâu sắc, đôi khi còn như những chiêm nghiệm thành bài học về con người và tình yêu. Anh cũng là người mê bút máy và viết rất nhiều. Nhạc sĩ Quốc Bảo ngồi bất cứ đâu cũng có thể sáng tác văn chương, miễn là có bút và sổ tay: Trên ghế đá công viên, nơi bàn ăn ở nhà, quán cà-phê. Khi cuốn sổ đã kín kha khá, anh mới gõ lại trên máy tính. Việc sáng tác văn xuôi khác với viết báo và viết nhạc. Khi viết báo, anh viết thẳng trên máy tính. Viết nhạc, anh cũng thường viết trên máy tính với phần mềm chuyên dụng. Chỉ có sáng tác văn là viết tay hoàn toàn, như anh nói “để những lời từ tim chảy xuống ngón tay”.

“Một ai đó đã nói não hoạt động triệt để hơn, dễ nảy sinh các ý nghĩ bất ngờ hơn khi viết tay, vì có một mối liên kết rất chặt giữa hệ thần kinh trung ương với những ngón tay viết chữ. Giống như chơi đàn vậy, chơi đàn là lúc tập trung nhất. Gõ máy tính tuy tiện lợi, lại không hữu ích bằng. Tất nhiên cũng có phần là sở thích của riêng tôi”, nhạc sĩ Quốc Bảo nói về lý do thích viết trên giấy của mình.

Nhạc sĩ Quốc Bảo vào nghề lúc nở rộ việc sản xuất và tiêu thụ băng đĩa. Anh từng ví von rằng: “Mọi thứ nở hoa, tôi rơi vào đúng mùa đúng vụ, như người nông dân gặp thiên thời, lúa đầy đồng”. Nhưng dù thế, anh làm gì cũng rất cẩn trọng. Làm đĩa nào, đáng đĩa ấy, với kinh phí phù hợp. Cái duyên với nghề đem lại cho Quốc Bảo những dự án tốt, đầy cảm hứng: Hãy Yêu Nhau Ði (hợp tuyển song ca), Môi Hồng Ðào, các an-bum của hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi như Thanh Tùng, Bảo Chấn, Từ Huy, Trịnh Công Sơn, rồi một loạt an-bum của các ca sĩ đều gắn với tên nhạc sĩ Quốc Bảo. Anh làm việc gì cũng rất nghiêm túc. Giai đoạn đầu (những năm 1997 - 2002), nhạc sĩ Quốc Bảo chủ trương tập hợp nhân tài hơn là phô diễn năng lực cá nhân. Anh luôn tâm niệm làm sao để có một đội hình giàu có về mầu sắc nhất bằng hàng loạt cái tên uy tín trong làng nhạc như: Bảo Chấn, Bảo Phúc, Hoài Sa, Lý Ðược, Vĩnh Tâm, Kim Tuấn, Hồng Kiên, Trần Mạnh Tuấn... Làm sao kích thích cảm hứng làm việc cả với những cái tên rất lạ thời điểm đó như tam ca Thế Hệ Mới, Trung Kiên, Ðỗ Quang.

Là người cầu toàn, nhạc sĩ Quốc Bảo học đủ thứ: Học soạn lời Anh ngữ, Pháp ngữ, học xử lý âm thanh. Không chỉ thế, từ một người kiệm lời, thậm chí khắt khe, khó tính, anh còn học cách bao dung và hòa đồng với đồng nghiệp để thực hiện tốt nhất công việc, vẫn chuyên nghiệp mà không khiến ai cảm thấy áp lực.

Nổi tiếng từ Em về tinh khôi

Từ năm 1985 đã viết những ca khúc đầu tiên, nhưng mãi đến năm 1991, khi sáng tác ca khúc Tàn phai, nhạc sĩ Quốc Bảo mới xem như bài hát chính thức của mình. Anh kể: “Tôi vẫn còn nhớ như in ca khúc đầu tay Tàn phai viết tháng 3-1991 với lời khác (“Bi Khúc”) mà viết xong thì cất vào ngăn tủ. Những ca khúc trước năm 1997 đều bị xếp vào tủ như thế, cho đến khi Phương Nam Phim làm hợp tuyển Mùa Tình Yêu, lúc ấy tôi mới có dịp phổ biến bài Em về tinh khôi (do ca sĩ Khánh Du hát, nhạc sĩ Bảo Chấn hòa âm). Ðể một tác phẩm đến được với công chúng, phải chờ đợi rất lâu. Tôi là người may mắn vì dẫu sao khoảng đợi từ năm 1991 đến 1997 cũng chỉ có sáu năm. Từ điểm mốc đó, tôi bước đi những bước tin tưởng trên hành trình một người sáng tác và sản xuất. Nay thì vừa tròn 30 năm”.

Sau khi Em về tinh khôi viết năm 1992 trở thành bài hát thuộc nằm lòng của nhiều khán giả trẻ, nhạc của Quốc Bảo trở thành điều gì đó thân thuộc, đôi khi kịp trở thành một phần hoài niệm trong tình yêu của người nghe nhạc với hàng loạt tác phẩm Em về tóc xanh, Bình yên, Ðịa đàng, Còn ta với nồng nàn...

Có bề ngoài xù xì rất đàn ông của rock nhưng nhìn vào kho âm nhạc với một nghìn ca khúc lại chủ yếu viết về tình yêu của anh, rất khó có thể miêu tả chính xác về con người nhạc sĩ Quốc Bảo. Anh kể: “Ðã có thời tôi lãng mạn, tiếc rằng thời đó đã qua lâu rồi. Thực ra rock lãng mạn lắm chứ, khi tôi còn trẻ đã mê đắm rock. Rồi khi thời gian bào mòn mình đi, tôi mới chuyển sang yêu cổ điển và jazz. Nói chung có thể định nghĩa Quốc Bảo là một rocker già, còn một chút nhựa rock trong tim và rất nhiều phẳng lặng trong óc”.

“Tôi được gán cho danh hiệu người viết tình ca. Viết tình ca thì vui hơn viết nhạc đời, cho nên những lúc thấy buồn, tôi thường viết tình ca để thôi nghĩ về những điều buồn bã, sầu khổ. Khổ trong tình yêu cũng khác khổ trong đời. Nói chung tình ca cứu rỗi tôi nhiều phen”, nhạc sĩ Quốc Bảo nói về lý do viết ca khúc về tình yêu.

Tôi cảm nhận rất rõ về sự khắt khe của con người anh. Chơi, ăn, sáng tác, sống đều khá kỹ lưỡng. Nhưng những cô gái anh yêu, mà tôi biết, đều nói rằng người đàn ông trong Quốc Bảo rất nhẹ nhàng, dịu dàng, lịch thiệp và không đặt ra quy củ nào khắt khe cả. Quốc Bảo chia sẻ rằng, khi không có tình yêu, hoặc khi bị trơ lỳ trong tình cảm, anh thường không viết được gì cả. Tình yêu là nguồn năng lượng tối cần thiết để chắp cánh cho âm nhạc của Quốc Bảo. Một người lãng mạn đến đâu, mới có thể viết ra được những ca từ đầy yêu thương như thế này: “Này em ngoan ơi nói câu tình, cho thân ta tái sinh/ Cứ nói khẽ nói khẽ thôi, là khiến ta vui rồi” (ca khúc Còn ta với nồng nàn).

Những người biết và gắn bó với Quốc Bảo đã lâu, sẽ thấy nhạc sĩ Quốc Bảo là tuýp người hướng nội và ít bạn. Anh cũng tự xác nhận mình là người cô độc và tự tại trong sự cô độc của bản thân. Chẳng phải vì anh cố khép mình, mà tính cách của Quốc Bảo thường muốn nghe và nghĩ hơn là nói hay chia sẻ. Mỗi khi gặp vấn đề bế tắc, anh thường dùng lý trí và sự can đảm để tự vượt qua. Ngay cả khi đồng cảm với một cô gái muốn theo nghề ca sĩ nhưng khi vào phòng thu, nhạc sĩ Quốc Bảo mới phát hiện ra mắt cô ấy nhìn mọi thứ đều mờ ảo, anh đã viết: “Cần đêm trắng để trút vơi lòng đầy/ Cần thêm nắng để em nhìn vừa bóng tối” (bài hát Dạ khúc). Cuối mỗi sự cô đơn, người nhạc sĩ ấy vẫn tìm ra lối thoát cho tâm hồn mình được nhẹ nhõm và bình yên.

Muốn viết nhạc thêm 10 năm nữa

Khi nghe tôi hỏi về điều tự hào nhất sau 30 năm viết tình ca của mình, nhạc sĩ của những Ngồi hát ca bồng bềnh, Tóc nâu môi trầm, Dạ khúc... đã nói rằng: “Tôi tự hào vì đã sống được bằng nghề (một nghề bấp bênh) tuy có lúc vất vả kinh khủng. Tôi muốn được nghỉ ngơi một thời gian để chăm lo sức khỏe mà chưa được. Khi sức khỏe suy sụp, tôi thấy bất lực thật sự”.

Ðêm nhạc 30 năm Tình ca Quốc Bảo dự kiến được trình diễn vào tháng 3-2021 sẽ được thể hiện thành ba phần với 20 ca khúc với các ca sĩ: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Lê Hiếu và Nguyên Hà. Nhiều khán giả thắc mắc vì sao thiếu Mỹ Tâm và Thủy Tiên. Nhạc sĩ Quốc Bảo nói rằng anh cũng có nghĩ đến, nhưng sau khi suy đi tính lại, có những lý do khách quan cho nên anh quyết định chọn bốn ca sĩ đã có mặt trong các sáng tác của mình suốt 30 năm qua, và cho đến giờ, họ vẫn là những ca sĩ hiểu anh nhất.

Nhạc sĩ Quốc Bảo đang thực hiện hòa âm lại các bài hát trong đêm diễn theo một tinh thần khác hơn so với những gì khán giả vẫn nghe. Anh thêm vào một chút jazz rock để tối giản mà vẫn hấp dẫn. Những bài cảm thấy phối không đạt (do thói quen), nhạc sĩ Quốc Bảo đã mời nhạc sĩ Bảo Chấn phối lại giúp mình. Sẽ có rất nhiều các yếu tố lạ trong hòa âm, trong dàn dựng sân khấu và cả khán phòng là lời hứa mà nhạc sĩ Quốc Bảo muốn thực hiện bằng được để dành tặng những khán giả đã yêu mến mình trong suốt chặng đường sự nghiệp.

“Ðây là dịp để tôi nhìn lại chặng đường khá dài của mình, với cặp mắt người ngoài cuộc, để xem thật ra mình đã làm được gì hay và điều gì còn tệ. 1.000 ca khúc, tôi chỉ chọn có 20 bài, một con số quá nhỏ. Tôi tổ chức ở TP Hồ Chí Minh vì sự gắn bó của tôi với mảnh đất này. Tôi cho rằng đây là dịp mình cảm nhận được hết tình cảm của bạn bè và người ái mộ đối với âm nhạc Quốc Bảo đến đâu. Tôi trông vào điều ấy và vui vì điều ấy”, nhạc sĩ Quốc Bảo nói về đêm diễn sắp tới của mình.

30 năm viết hàng nghìn ca khúc mang theo những giai điệu đẹp, có đời sống âm nhạc khá bền lâu trong lòng khán giả, trải qua đủ những cùng cực khó khăn cũng như thăng hoa trong niềm hân hoan, hạnh phúc, nhạc sĩ Quốc Bảo nói rằng giờ anh chỉ còn thiếu một chút sức khỏe để đi trọn vẹn con đường đã chọn. Nếu không có gì biến động, nhạc sĩ Quốc Bảo muốn viết nhạc 10 năm nữa, sau đó sẽ nghỉ ngơi để viết sách, như để thỏa mãn những khát khao với câu chữ, công việc đã giúp nuôi sống anh trước khi viết nhạc.