Tay Phật và tâm Phật

|

NDO - NDĐT- Tết đang đến. Nhiều người đã bắt đầu săn lùng những đồ cúng "độc, lạ". Được tìm nhiều nhất là những quả "tay Phật" - phật thủ. Có quả giá đến vài triệu đồng. Nhưng khi mải mê tìm kiếm những quả "tay Phật", hình như, không mấy ai nghĩ đến điều cốt yếu nhà Phật vẫn dạy: "Phật tại tâm".

Tết đang đến gần. Nếu trước kia, phải mất cả tháng, thì giờ, việc chuẩn bị Tết thuận tiện. Ở thành phố, 29, 30 Tết làm một vòng siêu thị là đủ cả, từ bánh chưng, thịt gà, cho đến bánh mứt kẹo Tây, ta...

Nhưng, khi mà đời sống vật chất ngày càng cao, sắm sanh cho ăn, cho chơi ngày Tết giản tiện thì riêng phần tâm linh, người Việt lại cầu kỳ hơn.

Được ưa chuộng nhất, săn lùng nhất là một loài quả thuộc họ cam chanh. Thay vì có dạng tròn như cam, bưởi, vỏ loại quả này lại có những nhánh, tựa như những ngón tay. Thiên hạ gán cho nó mỹ danh “Phật thủ”, nghĩa là “tay Phật”. Những “ngón tay” của loài quả này phát triển hết sức đa dạng, nhiều hình thế. Người ta gọi là “tay Phật xòe” khi nó mở ra tứ phía, hay “tay Phật khép” khi nó co lại. Nhưng có quả Phật thủ đẹp không dễ, nhất là Phật thủ xòe nhiều ngón tay, tạo liên tưởng đến tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt. Có mùi hương tựa như bưởi, nhưng thơm hơn, dịu hơn. Quả phật thủ càng được ưa. Nhà nhà “săn” phật thủ.

Có cầu ắt có cung. Vài chục năm trước, nhiều người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) còn chưa biết quả phật thủ hình dáng thế nào. Mãi năm 2008, cả xã mới có khoảng 20ha thì giờ, Đắc Sở có đến hơn 100 ha chuyên canh trồng loài cây dành riêng cho cúng bái mà rất ít người ăn này.

Chưa bao giờ chuyện tâm linh được coi trọng đến thế. Trước Tết Nguyên đán cả tháng, bên vườn trồng phật thủ, những chiếc xe ô tô sang trọng đã dập dìu. Những người cẩn thận đi “săn” phật thủ sớm. Rất khó can thiệp để có những quả phật thủ dạng “tay xòe nhiều ngón”. Thành thử chúng rất hiếm. Không đến vườn, khó kiếm “hàng độc”. Cái hay là do phát triển tự nhiên, nên không quả nào giống quả nào. Những quả phật thủ có dáng “độc” như thế, có giá vài triệu đồng. Cá biệt, có quả được trả giá hơn mười triệu đồng. Năm nay, phật thủ không được mùa. Giá cả nhiều khả năng tăng vọt. Gần Tết, xấu xí cũng phải đến trăm nghìn đồng mỗi quả. Có hề gì. Nhiều người không giàu cũng cứ bạo chi. Còn gì bằng khi khởi đầu năm mới với niềm tin rằng được tay Phật giang ra nếu không nâng đỡ để thăng chức, buôn may thì cũng độ trì, cứu giúp!

Người Việt từ xưa đã rất giỏi sáng tạo. Khi không có “tay Phật” một cách tự nhiên như quả phật thủ, thì người ta có “tay Phật cưỡng chế”. Người ta nghĩ ra cách tạo khuôn nhựa hình bàn tay chắp, bọc lấy quả bưởi khi còn nhỏ. Quả bưởi được "đúc" trong cái khuôn đó, lập tức có hình bàn tay chắp. Cũng gọi đó là "tay Phật".

Nhiều loại quả như: dưa, bưởi, hồ lô... cũng được "cưỡng chế" theo cách tương tự để thành các hình thù khác nhau, như hình đĩnh vàng, hình Phật, hình cậu bé... hay có những chữ trên quả. Khi không thể "ép" quả ra chữ, thì người ta khắc chữ trên quả. Nhiều người có tay nghề cao, thoắt cái, biến quả dưa hấu tăng lên bốn, năm lần giá trị sau khi khắc lên những chữ viết như... thư pháp. Phổ biến nhất, bán chạy nhất vẫn là các chữ "Tài", "Lộc" hay... "Tiền". Cũng như xin chữ thư pháp thời nay, người nào khắc chữ: Trí, Đức, Tâm, Thiện... có mà ế chỏng. Một cặp quả cúng "độc, lạ" không hề rẻ. Bưởi "tay Phật" bán đến hai, ba triệu đồng một cặp. Dưa vàng hình đĩnh vàng cũng không thể mua một cặp nếu không có vài triệu đồng... Có "từ điển" google hỗ trợ, người ta có dịp khám phá thêm những "tính năng" mới của các loài quả dành cho cúng bái. Nhờ câu chuyện mâm ngũ quả, lại có những ông chủ vườn thành tỷ phú.

Với nhiều người, mâm "ngũ quả" dâng cúng lên giời đất, tổ tiên, giờ thành mâm "độc" quả. Vì càng độc đáo, càng được ưa chuộng, săn tìm. "Độc quả" còn được hiểu theo nghĩa đen, ví như quả phật thủ. Nhiều lương y lên tiếng, sau khi thành tâm dâng cúng quả phật thủ lên thánh thần, tiên tổ, người phàm dứt khoát không nên ăn. Trong quá trình chăm bón, để có được những dáng thế đẹp, người trồng đã phun rất nhiều thuốc sâu độc hại. Nguy cơ ngộ độc rất cao. Loại quả này chỉ có các bậc thần Phật, tiên tổ mới thụ hưởng được.

Tết đang đến. Người đô thị vẫn lơ đễnh nhìn hàng hóa trong siêu thị, hay những quầy hàng Tết mở sớm. Người ta nghĩ đến những loại hoa quả tâm linh nhiều hơn. Người ta mải tìm mua những quả "tay Phật", quả hình tượng Phật mấy triệu đồng. Nhưng ở những làng bản hẻo lánh vùng xa, hơi thở của Tết đang gấp gáp dần sau lưng những ông bố, bà mẹ nghèo... Tết ở vùng cao, ở miền quê xa bất đắc dĩ vẫn còn dáng nét xưa. Người ta phải hì hụi chuẩn bị, dành dụm cả tháng. Đâu đó, vẫn có người không đủ ăn trong dịp Tết, vẫn có những đứa trẻ mơ ước bộ quần áo mới, miếng bánh chưng xanh...

Khi tìm mua những quả "tay Phật", hình như không mấy ai nghĩ đến điều cốt yếu nhà Phật vẫn dạy: "Phật tại tâm". Tâm Phật là cái là lòng từ ái, yêu thương, sẻ chia...