Tiềm năng dồi dào...
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong số hơn mười triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016, có 284.855 lượt khách đến bằng phương tiện đường biển, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2015, cao nhất trong các phương tiện đưa khách du lịch tới nước ta (đường hàng không tăng 31,7%; đường bộ giảm 2,3%).
Riêng tháng 11-2016, đã có tới 16.640 lượt khách tàu biển đến Việt Nam. Ngoài khách Mỹ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Áo... có thêm khách Trung Quốc - thị trường hoàn toàn mới với du lịch tàu biển. Ngày 1-11, tàu biển Superstar Virgo do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng khai thác đã đưa 1.200 khách Trung Quốc cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ngày 2-11, Saigontourist đón và phục vụ đoàn 1.800 du khách và thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc, Áo, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa...) tham quan Hà Nội và Hạ Long. Ngày 8-11, tàu du lịch Genting Dream của Tập đoàn Du lịch tàu biển Genting Hong Kong và Dream Cruise Line đã đưa 2.044 du khách quốc tế từ Xin-ga-po cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày 10-11, con tàu này đưa 2.300 du khách cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ngày 16-11, tàu Genting Dream đưa 2.500 du khách quốc tế cập cảng nổi Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày 25-11, tàu du lịch Ovation of the Seas (quốc tịch Ba-ha-mát) chở gần 4.100 du khách và 1.596 thủy thủ đoàn cập cảng Chân Mây (Đà Nẵng). Mùa du lịch tàu biển hằng năm được tính từ tháng 10 năm trước đến tháng tư năm sau. Như vậy, du lịch tàu biển Việt Nam mới chỉ “vào mùa”. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Thị trường khách du lịch tàu biển sẽ là một trong những thị trường tiếp tục có sự tăng trưởng cao và ổn định thời gian tới, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng số lượng khách quốc tế tới nước ta.
Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km cùng nhiều vịnh, bãi biển đẹp và những thắng cảnh, di sản văn hóa, lịch sử nổi tiếng, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để có thể trở thành “điểm son” trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới. Bên cạnh đó, nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn nhất trong khu vực là Hồng Công và Xin-ga-po; là nơi trung chuyển hành khách bằng đường biển với nhiều nước như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ... cũng giúp Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển thị trường khách tàu biển ổn định. Thời gian gần đây, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi các tuyến quen thuộc ở châu Âu, châu Mỹ, Địa Trung Hải đã bắt đầu phát triển thêm các tua du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Đại Dương. Khu vực Đông - Nam Á không những trở thành một điểm đến hấp dẫn mà còn là nơi khai thác thị trường khách cho các hãng tàu lớn này. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), xu hướng phát triển du lịch tàu biển toàn cầu đến năm 2020 sẽ phát triển mạnh tới vùng Viễn Đông, trong đó có Việt Nam, có khả năng mang lại doanh thu cao hơn 30 đến 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Từ đây, có thể khẳng định, du lịch tàu biển là loại hình cần được đặc biệt chú trọng phát triển thời gian tới.
Cần đầu tư đồng bộ
Thời gian qua, để thúc đẩy du lịch tàu biển phát triển, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Mở cửa đảo Phú Quốc và Côn Đảo cho tàu khách nước ngoài vào tham quan; giảm phí visa cho khách du lịch tàu biển, giảm cảng phí cho tàu khách quốc tế... Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành, loại hình du lịch tàu biển nước ta vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Võ Anh Tài, nước ta vẫn đang sử dụng các cảng hàng hóa hay cảng công-ten-nơ hiện có để đón khách, chưa có cảng hành khách chuyên dụng tại một số nơi vốn là điểm đến chủ yếu của các con tàu du lịch như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long... Các cảng còn thiếu nhiều tiện ích cơ bản như trạm điện thoại, quầy đổi tiền, nhà vệ sinh..., gây bất tiện cho công tác đón tiếp khách. Các sản phẩm du lịch tàu biển còn nghèo nàn, đơn điệu; các tua du lịch chưa tạo được điểm nhấn. Các dịch vụ khác như ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí... cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của hành khách. Nhân viên phục vụ tại các cảng biển hiện nay còn yếu về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống... cho nên chất lượng phục vụ chưa tốt.
Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Cần nhanh chóng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng; cải tạo điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn để phù hợp việc đón tàu du lịch, bảo đảm phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Để phát triển bền vững loại hình này, nhất thiết phải đầu tư xây dựng một số cảng du lịch chuyên dụng với ga đón khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi và dịch vụ đi kèm để có thể phục vụ các tàu kích thước lớn và tăng cường sức mua, khả năng chi tiêu của du khách. Thời gian tới, chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch sẽ có hạng mục đầu tư vào cảng biển. Việc nâng cấp cảng biển đang được triển khai tại một số cảng như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Huế...
Du lịch tàu biển là loại hình đặc biệt mang lại doanh thu cao cho nên cũng đòi hỏi năng lực phục vụ cao của các hãng lữ hành. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tham gia chuỗi cung ứng này. Hiện nay, cả nước mới có khoảng mười doanh nghiệp du lịch có khả năng đón khách. Trước xu thế khách du lịch tàu biển ngày càng tăng, chúng ta cần sớm có biện pháp nâng cao năng lực và số lượng doanh nghiệp có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đưa, đón khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách khác nhau; trong đó, chú trọng các hoạt động tham quan di sản thiên nhiên ở các vùng ven biển bởi đây là những yếu tố mang lại sự khác biệt và cũng là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Để tập trung thu hút khách du lịch tàu biển đến từ các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và mới đây là Trung Quốc, ngành du lịch và các hãng lữ hành cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam tới các thị trường này; kết nối điểm xuất phát với chuỗi điểm đến trên hành trình du lịch, nhất là tăng cường kết nối với các hãng tàu biển lớn để đón được nhiều khách và nâng cao chất lượng dịch vụ.