Văn hóa là động lực cho Hà Nội phát triển

|

NDO - NDĐT - Khi nói đến một đất nước nào đó, bao giờ người ta cũng nhìn vào gương mặt của Thủ đô. Nhìn mặt để biết người, không chỉ là một tâm lý thông thường mà là một đúc kết. Diện mạo văn hóa Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Thăng Long - Hà Nội, thành phố hơn một nghìn năm tuổi, có vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước.

Không phải đến bây giờ, khi có Nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, phát triển con người làm nền tảng cho sự phát triển xã hội thì vấn đề văn hóa và phát triển mới được đặt ra. Các danh nhân văn hóa như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi... từ nhiều thế kỷ trước đã cho rằng, văn hóa là cội nguồn để tạo dựng nên sức mạnh dân tộc, sự bền vững cho một quốc gia, là niềm tự hào để sánh với các quốc gia khác.

Cái nhìn của ông cha ta, không được xây dựng thành những lý thuyết như bây giờ, nhưng từ bản chất, những vấn đề địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa, địa ngoại giao... đã được nhìn nhận, nghiền ngẫm trên cơ sở “hợp lẽ trời’ và “thuận lòng người”-nói như bây giờ là hợp quy luật và đồng thuận về mặt tâm thế xã hội. Lý Công Uẩn, không phải ngẫu nhiên đã chọn mảnh đất này để “mưu sự đế vương muôn đời”. Từ đó về sau, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” những giá trị văn hóa tiêu biểu của cả nước đã là sức mạnh nội sinh tạo nên truyền thống Thăng Long, Đại Việt. Trải qua bao đời, văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã giữ vai trò định hướng, thúc đẩy văn hóa đất nước phát triển, là điểm tựa cho Đại Việt đứng vững trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc và ở thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ vị thế dẫn đầu của cả nước, trở thành “niềm tin và hy vọng” trong lòng mỗi người, được bạn bè quốc tế vinh danh là “thành phố vì hòa bình”. Đó là sự ghi nhận vai trò của một thành phố có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, tiêu biểu cho sức sống của một đất nước đã vượt qua biết bao thử thách, đã và đang vượt lên chính mình, để xứng đáng với truyền thống dân tộc và với vai trò đầu tầu của đất nước hôm nay.

Năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, khai sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân, Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm làm ngỡ ngàng không ít người: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Không ít người thấy lạ bởi trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng bấy giờ, Hồ Chí Minh lại chọn văn hóa như một khâu quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều người lúc đó đã nghĩ, cái cần nhất cho một nước Việt Nam phải là khôi phục nền kinh tế đã kiệt quệ, xây dựng lực lượng quân sự để bảo vệ nền độc lập mới giành được, củng cố chính quyền. Nhưng, Hồ Chí Minh, với nhãn quan vượt trước thời đại, đã lựa chọn văn hóa như khâu quan trọng nhất. Hồ Chí Minh nhìn thấy tính chất mở đường, soi đường, tạo ra đột phá của văn hóa trong đời sống dân tộc. Ngày ấy, những nghiên cứu về văn hóa và phát triển chưa được chú ý nhưng Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển đất nước phải trên nền tảng văn hóa, văn hóa phải vừa mang ý nghĩa dẫn đường, vừa là chất lượng của một xã hội phát triển.

Hà Nội là Thủ đô của đất nước, trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, đối ngoại, văn hóa... trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, đã trở thành đầu tầu của nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào. Những phẩm chất của truyền thống văn hiến, anh hùng đã được Đảng bộ, nhân dân Hà Nội bảo vệ, giữ gìn, nhân lên trong cuộc sống bộn bề thách thức, trở ngại, lựa chọn. Nếu tính từ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ tám, năm 1986, là Đại hội đầu tiên thực hiện Đổi mới đến nay sẽ thấy khá rõ điều ấy. Đại hội X của Đảng bộ Thành phố đã tổng kết và đánh giá rằng sự chuyển đổi về cơ cấu và phát triển kinh tế được chú ý hơn những vấn đề phát triển văn hóa, xã hội, đã là nguyên nhân phát sinh nhiều tệ nạn, hủ tục; một bộ phận xã hội, trong đó có thanh thiếu niên, có xu hướng chạy theo những nhu cầu hưởng thụ, lối sống trái với truyền thống thuần phong mỹ tục, nhiều biểu hiện tha hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội trong cán bộ đã xuất hiện. Vấn đề văn hóa, vì vậy, được đặt ra trong Đại hội của Đảng bộ trực tiếp hơn, nhằm giải quyết từng bước những nhiệm vụ của thực tiễn, mang tính “ứng dụng” hiệu quả hơn, đi vào chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột cho Hà Nội phát triển.

Chỉ tính từ thời kỳ Đổi mới đến nay, không thể không nhận thấy những chuyển động rất mạnh mẽ của văn hóa Hà Nội. Chúng ta còn nhiều điều chưa hài lòng với những khuyết điểm trong văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, văn hóa học đường, văn hóa quản lý... nhưng không thể không nhận thấy những chuyển động và những kết quả rất đáng trân trọng trong lĩnh vực này. Hà Nội đã có cả một chiến lược và những phương thức tổ chức thực hiện đồng bộ, vừa chú ý đến những cái trước mắt và đến những mục đích lâu dài.

Từ năm 2008, khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, những vấn đề văn hóa, con người của Hà Nội không có những thay đổi lớn mà chỉ là điều chỉnh, bổ sung về chính sách, chủ trương, kế hoạch, kinh phí, tổ chức lại hệ thống quản lý văn hóa trên địa bàn. Văn hóa Sơn Nam Thượng và văn hóa Thăng Long vốn có chung một hệ giá trị, đã có sự tiếp biến, giao thoa từ trong lịch sử, nay lại có dịp bổ sung cho nhau, làm phong phú thêm cho văn hóa Thủ đô, tạo nên những sức sống mới. Nhưng mặt khác cũng phải thấy do hai địa phương dù sát nhau nhưng vị trí, chủ trương đầu tư, chương trình công tác… khác nhau nên sau khi đã sáp nhập, Hà Nội phải thực hiện việc điều chỉnh nhiều vấn đề từ chủ trương, kế hoạch công tác, định mức đầu tư, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm thống nhất tư tưởng và hành động.

Những thế mạnh trong công tác của hai địa bàn được đưa ra cân nhắc, xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới. Những thành tựu về xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn di sản, xây dựng làng nghề, phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của Hà Tây cũ được Hà Nội tiếp nhận, phát triển trong những điều kiện mới. Những vấn đề về văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc ít người trở thành những vấn đề mới, những lĩnh vực mới của văn hóa Hà Nội. Văn hóa đô thị và những bài học về quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật, xây dựng công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh, xây dựng nông thôn mới... lại trở thành nhiệm vụ chung của ngành. Có thể nói, sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, nhiều vấn đề của văn hóa và con người Thủ đô được xem xét từ nhiều góc độ, trong đó mục đích đầu tiên là xóa nhòa những khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của hai địa bàn, từ đô thị đến làng xã, khai thác những thế mạnh của văn hóa Thủ đô để xây dựng văn hóa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn, đầu tàu của cả nước.

Từ năm 2000-2020, trong nhiều chương trình công tác của Thành ủy, nội dung văn hóa Hà Nội được xây dựng và thực thi không phải chỉ vì nó gắn với hoạt động Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội đang đến gần mà Thành ủy chủ trương các chương trình xây dựng con người, phát triển văn hóa sẽ tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô xứng đáng với tầm vóc của một Thủ đô văn hiến, thành phố di sản.

Mục tiêu của Thành ủy đặt ra trong các chương trình là khơi dậy những tiềm năng của văn hóa truyền thống, tạo ra một sức bật mới trong đời sống, đặc biệt tạo ra những chuyển biến bước đầu trong văn hóa ứng xử trên tất cả mọi lĩnh vực. Điểm mấu chốt trong hai chương trình (05,08) kéo dài 10 năm là hướng tới mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, tạo ra môi trường văn hóa mới lành mạnh trong từng đơn vị công tác, trường học, đơn vị hành chính, bệnh viện, trường học, đơn vị kinh doanh, các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị cộng đồng (làng, xã, tổ dân phố ) hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Lấy con người là trung tâm, gia đình là đơn vị nhỏ nhất, địa bàn dân cư, công tác, sinh hoạt, học tập... là môi trường trực tiếp để bồi đắp, rèn luyện, giáo dục nhân cách con người, phát huy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống, khơi gợi và xây dựng ý thức công dân, trách nhiệm xã hội đối với con người là những nội dung chính của mọi hoạt động, phong trào thuộc hai chương trình nói trên.

Về nhận thức, hai chương trình này đã tạo ra một thay đổi quan trọng trong nhận thức về trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội và các đoàn thể quần chúng cùng chung tay làm thay đổi văn hóa Thủ đô.

Về thực tiễn, hai chương trình đã đem lại những kết quả tích cực trong phong trào xây dựng những nhân tố văn hóa mới, đấu tranh, bài trừ những hành vi, thói quen, hủ tục của văn hóa truyền thống, không còn phù hợp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và mở cửa. Những nhân tố mới trong xây dựng đời sống văn hóa ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, thị xã Sơn Tây... đã được nhân rộng ra trong toàn thành phố, các đơn vị điển hình của Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, ngành y tế, giáo dục, của bà con tiểu thương ở các chợ trung tâm, các phố buôn bán... cũng được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, làng, xã văn hóa, xây dựng nông thôn mới được phát triển. Hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo tồn di sản, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân đã thu được những kết quả khả quan. Ngân sách nhà nước và ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% kinh phí bảo tồn, tôn tạo di sản nhưng bằng nguồn xã hội hóa, mỗi năm, trung bình thành phố huy động hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động này, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Từ Đại hội XII, vấn đề gia đình, văn hóa gia đình được đặt ra như môi trường văn hóa quan trọng để xây dựng con người, phát triển văn hóa Thủ đô theo hướng văn minh, thanh lịch. Cũng từ Đại hội này, vấn đề truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng đã được đặt ra như một định hướng để phấn đấu xây dựng Hà Nội thành một trung tâm văn hóa của đất nước. Chủ trương coi trọng vai trò của gia đình và truyền thống văn hóa tốt đẹp của Hà Nội trong định hướng xây dựng con người, phát triển văn hóa hướng tới phát triển bền vững của Hà Nội đánh dấu một bước đi trước của Thủ đô trong nhận thức về lĩnh vực văn hóa, con người. Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XII đã nhấn mạnh hơn vào việc xây dựng con người để phát triển văn hóa. Chủ trương “chăm lo, phát triển con người không chỉ về cuộc sống vật chất mà cả cuộc sống tinh thần; giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội” đã mở ra một giai đoạn mới trong chủ trương chú ý đến con người. Chương trình “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, xây dựng chính sách đãi ngộ ưu tiên cho văn nghệ sĩ trong điều kiện kinh tế thị trường được triển khai ngay sau khi Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII đã thể hiện những nhạy bén của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Nội dung chính của phong trào nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh để bồi dưỡng, xây dựng nhân cách văn hóa của con người là một hướng đi đúng, nó phù hợp với mục tiêu của quan điểm coi môi trường văn hóa Thủ đô là nhân tố quan trọng để xây dựng một thành phố văn hóa, thành đầu tàu văn hóa của cả nước.

Đến năm 2013, Quy hoạch xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030 được phê duyệt thực hiện. Đây là quy hoạch xây dựng và phát triển văn hóa đầu tiên của cả nước, thể hiện một tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người, phát triển triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quy hoạch này khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa và con người Thủ đô trong thời kỳ mới của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trước quá trình mở cửa và hội nhập. Ở trong quy hoạch này có nhiều điểm thể hiện tầm nhìn đi trước, mang tính dự báo mà chỉ vài năm sau, thực tiễn phát triển đã chứng minh sự đúng đắn của tư tưởng ấy. Chương trình công tác 13 của Thành ủy khẳng định quan điểm chỉ đạo: “phấn đấu xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trở thành bộ phận tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi thành viên của cộng đồng dân cư, lấy văn hóa làm mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Điều này có ý nghĩa nhận thức và ý nghĩa chỉ đạo rất quan trọng. Có thể về kinh tế, Thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải là trung tâm lớn dẫn đầu của cả nước, nhưng về văn hóa, Hà Nội phải trở thành đầu tầu, tiêu biểu cho văn hóa cả nước và có ý nghĩa lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến các địa phương khác của cả nước là một hướng đi thể hiện tầm nhìn mang ý nghĩa chiến lược.

Lần đầu tiên, văn hóa không còn bị nhìn nhận như một lĩnh vực đứng ngoài, đi bên cạnh các lĩnh vực khác của đời sống mà nó cần được thẩm thấu vào các lĩnh vực khác cả trong các hoạt động kinh tế, chính trị khác và trong đời sống nhiều mặt, trở thành một trong những nhân tố chỉ ra mức độ phát triển của xã hội. Quan điểm này còn được các đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, XV nhấn mạnh và cụ thể hơn ở nội dung, phương thức thực hiện. Và Đại hội XV đã coi phát triển văn hóa là một trong ba nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ và nhân dân thành phố “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội” “đầu tư toàn diện nguồn để phát triển văn hóa... tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội thành phố”.

Những quan điểm ấy đã giữ vai trò định hướng cho các chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền, đoàn thể các cấp ở Thủ đô thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển văn hóa trong nhiều thập niên nhằm thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô “xứng tầm là trung tâm văn hóa đi đầu của cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa tinh hoa văn hóa đất nước và quốc tế”. Những quan điểm chỉ đạo của thành phố và những nội dung cụ thể được xác định trong quy hoạch trở thành những nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sở ngành khi xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho đơn vị mình hàng năm đã và đang tạo ra những chuyển biến quan trọng của Thủ đô trong những thập niên đầu thế kỷ này.

Chúng ta chờ đợi vào những bước phát triển mới của Thủ đô trên cái nền định hướng văn hóa ấy.