Nữ diễn viên đam mê những vai chèo

|

Sinh ra và lớn lên ở làng Then (Bắc Giang) - mảnh đất có truyền thống văn nghệ, người trong làng ai cũng biết hát dân ca, nên Hà Thảo có điều kiện nuôi dưỡng giọng hát của mình. 15 tuổi, trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam, đến nay, sau hơn 10 năm học tập và công tác, cô là một trong những gương mặt nổi bật của Nhà hát.

Hà Thảo bắt đầu cuộc sống xa nhà từ khi trúng tuyển, vừa học hát, vừa học bổ túc văn hóa tại Trường trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ. Ở thời buổi kịch hát dân tộc đang xuống dốc, tìm được một người có giọng ca hay, nhan sắc đẹp, lại sẵn sàng chịu khổ chịu khó theo nghề là điều không dễ dàng; vì vậy các thầy cô rất ưng ý khi chọn được gương mặt trẻ có giọng ca vàng như Hà Thảo. Thảo thường được chọn đóng những vai nữ chín. Ví như trong Quan âm Thị Kính, cô đóng Thị Kính chứ không phải Thị Mầu. Thảo bảo, Thị Kính nhìn thế thôi nhưng thực ra diễn khó hơn Thị Mầu. Ngoài nội tâm thì diễn ngoại hình cũng đòi hỏi khá khắt khe, động tác của chân, tay phải đúng chuẩn, không được dang rộng, cũng không khép nép quá.

Học toàn tích cổ nhưng vai đầu tiên của Thảo trên sân khấu lại là vai hồn ma trong vở Giếng thơi trong lòng phố, chỉ xuất hiện vài phút trên sân khấu mà được trao Huy chương bạc trong Liên hoan nghệ thuật chèo đề tài hiện đại. Ðến khi được giao vai ni cô Ðàm Vân trong vở diễn cùng tên thì Thảo tỏa sáng, trở thành gương mặt số một của nhà hát. Tuy còn trẻ, chưa dạn dĩ với sàn diễn, song Hà Thảo đã tự tin vào vai Ðàm Vân - một phụ nữ hiền lành, đồng thời là nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên. Ni cô Ðàm Vân của nhà viết kịch Học Phi là một trong những tác phẩm kinh điển của sân khấu cách mạng Việt Nam. Ðàm Vân là một nhân vật khó, đòi hỏi diễn viên phải có nội lực mạnh mẽ, giọng ca tốt. Thành tích lớn nhất của Thảo là Huy chương vàng cho vai Sen trong vở Ðường trường duyên phận, một vở diễn tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013.

Từ khi còn học, vì vẻ hiền lành mà Hà Thảo được "đóng đinh" với những vai nữ chín nhu mì, đôn hậu. Luôn diễn tròn vai, nhưng thực lòng, cô không quá yêu một vai nào bởi đó thường là những nhân vật nhạt. Vai diễn mà cô thích nhất là nàng Thiệt Thê trong vở diễn cùng tên của Nhà hát Chèo Việt Nam, vừa được phục dựng theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nàng Thiệt Thê xinh đẹp, hát hay, múa giỏi nhưng vì không chịu nổi cảnh sống bần hàn đã từ bỏ gia đình, mong tìm cuộc sống khác. Thiệt Thê thuộc loại vai nữ pha, bản tính tốt song không cam chịu khổ cực mà ham vui, ham cuộc sống giàu sang và cố mọi cách để đạt được. Ðã có nhiều diễn viên xuất sắc khi vào vai này, song Thiệt Thê của Hà Thảo có nét riêng là sự nông nổi, mong manh; vừa đáng giận, vừa đáng thương khiến người xem rơi nước mắt hơn là ghét. Vai diễn này khiến Hà Thảo phấn chấn: "Tôi thích những vai "phá" vì nó giúp khám phá chính mình". Cô cũng được lựa chọn cho vai công chúa trong vở Thích ca mâu ni. Công chúa vốn hiền lành nhưng vì bị quỷ nhập vào nên có lý do để "phá", phần nào đúng với mong đợi của Thảo. Tuy nhiên, cô vẫn đang chờ những vai diễn hay hơn, có cơ hội được thể hiện nhiều hơn.

Nữ diễn viên tâm sự, cô rất yêu nghề, dù nhiều lúc vất vả do phải đi lưu diễn xa, xuất phát lúc đầu giờ chiều, kết thúc buổi diễn về đến nhà đã nửa đêm. Nhiều hôm diễn ngoài trời, mưa ướt hết người vẫn không được nghỉ, hôm sau ốm luôn. Lớp học của cô ngày ấy có 20 diễn viên, nay chỉ còn lại hơn mười người còn đeo đuổi với nghề. Có người bỏ vì không đủ năng lực theo, cũng có người chán làm diễn viên dù hội đủ tài năng và nhan sắc. Riêng Hà Thảo chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề vì những lý do ấy. Với cô, chặng đường phía trước vẫn luôn đầy thử thách, đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và niềm đam mê.