Khuyến khích bảo vệ di sản từ nhiều phía

|

NDO - NDĐT - PGS.TS. Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thực sự là một di sản quý được trao truyền từ quá khứ đến hiện tại, cần được hiểu và tôn trọng để giữ gìn và phát huy những mặt tích cực của nó trong xã hội đương đại”.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao chủ trì xây dựng Hồ sơ quốc gia “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ngày 1/12/2016.

Phóng viên Nhân dân điện tử có cuộc trao đổi với PGS.TS. Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

- Thưa PGS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. Xin bà cho biết, đâu là giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể này?

UNESCO đánh giá cao di sản ở việc thể hiện ký ức về lịch sử, bản sắc văn hóa, sự cộng cảm và những ước vọng mang tính tâm linh. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh đa dạng của người dân, những mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày. Thánh Mẫu là biểu tượng của tình thương bao la và lòng từ bi bác ái. Di sản có bản chất cởi mở, góp phần gia tăng lòng khoan dung giữa các tộc người và tôn giáo, thể hiện sự hỗn dung tín ngưỡng bản địa với Đạo giáo, Phật giáo và những khía cạnh tôn giáo khác. Việc vinh danh di sản sẽ góp phần vào tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự da dạng văn hóa của nhân loại.

PGS.TS. Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng đoàn Việt Nam tại lễ vinh danh "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ"

Tínngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một “bảo tàng sống” lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Trong các nghi lễ của lễ hội, trong hội kéo chữ (“hoa trượng hội”), lễ rước thỉnh kinh và đặc biệt trong nghi lễ lên đồng chứa đựng nhiều biểu hiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng thể hiện sự dung hợp tôn giáo một cách hòa bình giữa tín ngưỡng bản địa với Đạo giáo, Phật giáo và các tín ngưỡng khác qua sự hiện diện của Phật Bà Quan Âm, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, cũng như các vị Thánh người dân tộc thiểu số Mường, Tày, Nùng, Dao…

Có thể nói, trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc như: nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình dân gian, các hình thức sinh hoạt cộng đồng…

- Là đơn vị nghiên cứu rất sâu về di sản này, bà có thể cho biết quan điểm của mình về sự lo ngại nghi lễ chính trong thực hành tín ngưỡng này là hầu đồng đang bị biến tướng hoặc thương mại hóa?

Hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bên cạnh hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú: các nghi thức cúng, lễ của người dân vào các dịp lễ, tết, ngày sóc, ngày vọng; việc chăm sóc đèn nhang của các thủ nhang vào ngày thường tại các đền, phủ, điện thờ; những hoạt động lễ hội rất quy mô diễn ra vào dịp tháng Ba, tháng Tám hàng năm, sự thấm nhuần và niềm kính cẩn đối với các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn chầu, các bài thơ giáng bút, các câu đối, văn bia, sự hiểu biết về di tích, điện thần, thần chủ…

Nếu chỉ nhấn mạnh đến nghi lễ hầu đồng là hiểu rất phiến diện về di sản. Tuy hầu đồng là nghi lễ đặc trưng giúp phân biệt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với các tín ngưỡng khác, nhưng chỉ có những người có “căn đồng”, “căn số” thực sự mới có thể và cần thiết hầu đồng, chứ đa phần người dân vẫn cầu cúng, phụng thờ các Thánh Mẫu mà không nhất thiết phải tham gia hầu đồng.

Dư luận xã hội đang lo ngại hầu đồng dễ bị biến tướng hoặc thương mại hóa. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử sâu xa và bản chất của hầu đồng. Qua các nguồn sử liệu (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư; Việt sử thông giám cương mục; Đại Việt thông sử …) có thể thấy lên đồng đã được phản ánh về sự xuất hiện của nó từ thời Lý và phát triển khá thịnh hành vào giai đoạn thế kỷ 17-18. Lên đồng cũng là hình thức nghi lễ có ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các dân tộc vùng Nam Phi, Nam Mỹ, có những điểm gần gũi với hình thức Shaman giáo, phổ biến ở Cămpuchia, Thái Lan, Lào, Java, Palawan, Madagasca, Nam Trung Hoa, Siberia...

Trên phương diện khoa học, một số nghiên cứu cũng cho thấy, lên đồng có tác dụng trị liệu rất tốt, là một liệu pháp hỗ trợ tâm lý và sức khỏe. Sau buổi hầu đồng, các ông/bà đồng thường cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái. Các con nhang đệ tử cũng thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau: chữa trị bệnh tật; tìm lời giải cho những vấn đề khó xử; cầu phúc, lộc, tài; giải thoát vận hạn… Theo các nhà nghiên cứu, việc trở lại trạng thái cân bằng, thanh thản hay khỏi bệnh của ông/bà đồng cũng như con nhang đệ tử là kết quả của một quá trình giải tâm lý, giải ám thị tự thân, mà nghi lễ lên đồng chỉ là phương tiện cộng hưởng, bổ trợ về mặt tâm linh. Nghi lễ này đã trở thành phương tiện cứu rỗi cho những nhóm xã hội nhất định (đồng tính, bệnh lý bất thường, gia cảnh bất hạnh, bị sốc trong cuộc sống đời tư…). Bên cạnh đó, trên phương diện văn hóa, lên đồng cũng là một hình thức diễn xướng lưu giữ nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo của dân tộc: hát văn, nhạc chầu, múa dân gian, trình diễn, trang phục…

Nếu đánh đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với sinh hoạt lên đồng thì vô hình chung đã làm hạn hẹp lại di sản và nếu chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của lên đồng thì lại càng hạn hẹp hơn.

Nghiên cứu sâu về các bản hội, chúng tôi cũng thấy các con nhang đệ tử thường tập hợp xung quanh một “đồng thầy” có uy tín nào đó. Tuy hoàn cảnh xuất thân, tình trạng kinh tế, địa vị xã hội khác nhau, nhưng niềm tin tôn giáo đã gắn kết họ lại để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau cả trong thực hành nghi lễ lẫn trong cuộc sống đời thường. Về phía đồng thầy, nếu là những người có “căn số” thực sự, họ rất lo sợ bị “Thánh phạt”, “Thánh quở” nếu làm sai trái. Do vậy, đây là mối quan hệ được củng cố và kiểm chứng qua thời gian, không dễ gì có chuyện lừa bịp, trục lợi.

Tất nhiên, bên cạnh đó không tránh khỏi có một số thầy đồng không có “căn số”, hoặc có ít năng lực, có thể lợi dụng tín ngưỡng để ăn theo, trục lợi mà dân gian vẫn gọi là “đồng đua”, “đồng đú”. Nhưng theo tôi, số này không nhiều, bởi trước sau gì họ cũng bị lộ tẩy vì không có năng lực thực sự, không có niềm tin tâm linh, không hầu đồng được hoặc gặp quả báo, bị Thánh phạt như cách nói dân gian. Tự người dân, các tín đồ sẽ kiểm chứng, sàng lọc, nhận chân các giá trị. Cho nên không dễ gì có chuyện biến tướng, thương mại hóa ở đây.

- Sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” được vinh danh, chúng ta cần phải có chương trình hành động cụ thể như thế nào, thưa bà?

Theo quy định của UNESCO, khi di sản được vinh danh, chúng ta phải tiến hành Chương trình hành động để bảo vệ di sản. Đây là cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO, chứ không chỉ đơn thuần là công việc của một địa phương hay một cộng đồng. Theo tinh thần Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO, việc bảo vệ bao gồm các biện pháp chính sau: nhận diện di sản thông qua việc kiểm kê di sản và phải được cập nhật thường xuyên; nghiên cứu, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu về di sản và tạo điều kiện để mọi người tiếp cận chúng; gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản thông qua các hình thức đa dạng; tăng cường giới thiệu, quảng bá về di sản; củng cố và chuyển giao di sản, trao truyền di sản trong cộng đồng; tăng cường giáo dục về di sản thông qua các hình thức chính thức và không chính chính thức; phục hồi lễ hội truyền thống, bảo tồn những không gian tự nhiên và những cơ sở thờ tự gắn với di sản…

UNESCO khuyến khích sự tham gia bảo vệ di sản từ nhiều phía: Nhà nước, những người thực hành di sản, cộng đồng, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ… UNESCO cũng khuyến cáo các quốc gia cần đảm bảo sức sống của di sản trước những tác động từ bên ngoài và bên trong, đặc biệt là việc thương mại hóa di sản, giải thiêng nghi lễ vì các mục đích kinh tế…

Nhà nước đóng vai trò chính trong việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy di sản, lồng ghép việc bảo vệ di sản vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cộng đồng trong quản lý lễ hội và bảo vệ di sản; lựa chọn hoặc thành lập các cơ quan có đủ năng lực bảo vệ di sản; tăng cường các cơ quan đào tạo về quản lý di sản văn hóa; nghiên cứu khoa học, thu thập, lưu trữ tư liệu; phục hồi các khía cạnh của lễ hội truyền thống; trưng bày, quảng bá tại các bảo tàng; nâng cao nhận thức và thông tin hướng vào quảng đại công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; vinh danh các nghệ nhân, người thực hành di sản…

Tuy nhiên, UNESCO luôn đề cao vai trò của các chủ thể thực hành di sản, của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hãy để cộng đồng tự duy trì và bảo vệ nó vì đó là nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của họ. Nhà nước chỉ định hướng, quản lý ở tầm vĩ mô, chứ không thể làm thay người dân trong việc bảo vệ di sản.

Kết lại, có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thực sự là một di sản quý được trao truyền từ quá khứ đến hiện tại, cần được hiểu và tôn trọng để giữ gìn và phát huy những mặt tích cực của nó trong xã hội đương đại.

Xin cảm ơn bà.