Nỗi buồn linh vật lai căng

|

NDO - NDĐT - Những con sư tử lai căng sẽ bị dẹp đi. Nhưng đưa cái gì thay thế lại là một câu chuyện khác. Đến giờ, nhiều người mới ngã ngửa ra linh vật của người Việt là... con nghê, con sấu.

Sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực là một điều rõ ràng. Việt Nam thu nhận nhiều nét văn hóa của các nước. Điều ngược lại cũng xảy ra. Một trong những yếu tố đó là mô típ, biểu tượng hay linh vật văn hóa. Đôi khi ranh giới giữa chúng không thực sự rạch ròi, để có thể phân định "của anh - của tôi".

Nhưng sư tử đá là một trường hợp rõ ràng. Sự khác biệt về tư duy, về tâm lý dân tộc khiến tạo hình sư tử đá của Việt Nam và Trung Quốc rẽ theo những ngả rất khác nhau. Một bên là tạo hình cơ bắp, nhe nanh dữ tợn. Một bên, dẫu là con vật hung dữ, nhưng người Việt vẫn tạo hình theo lối hiền hòa. Khác biệt là như thế, nhưng sư tử đá ngoại lai vẫn công nhiên "tổng tấn công" di tích Việt. Đền, chùa, cho đến miếu, phủ, không hiếm di tích thoát "nạn" sư tử Tàu. Và rồi, người Việt đã bắt đầu thấy "quen quen", thấy cũng "đèm đẹp" mà không hiểu những con sư tử đó từ đâu ra. Ngay cả khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra công văn khuyến nghị không tiếp nhận hiện vật ngoại lai, trên nhiều diễn đàn, quan niệm thấy sư tử Tàu là "không vấn đề gì", hoặc " trông cũng đẹp"... không phải là khó gặp.

Dẫu quá chậm, công văn cũng đã được ban ra. Một số địa phương rục rịch rà soát để di dời những hiện vật không phù hợp với văn hóa bản địa. Nhưng câu hỏi đặt ra, khi đưa sư tử đá ra khỏi di tích, ta sẽ đưa gì vào? Các nhà văn hóa, các chuyên gia, và cả Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đăng đàn khuyến khích đưa con nghê, con sấu vào di tích, nếu thấy cần thiết. Khi nghe thấy thế, nhiều người bỗng giật thót mình hỏi nhau: Nghê là con gì, sấu là gì, ở đâu ra? Sao nghe lạ hoắc?

Con nghê vẫn nằm ở đình, ở chùa, ở di tích hàng bao thế kỷ qua đấy thôi. Chả mấy làng không có. Đủ cả làm bằng đá, gỗ, đắp vôi vữa hay bằng đất nung, bằng gốm. Những con sấu cũng thế, nhưng hiếm hơn. Nghê là của người Việt đấy. Sấu cũng của người Việt mà ra. Nhìn tạo hình hiền hòa, gẫn gũi của những linh vật ấy, ta thấy đó chính là tư duy mà cha ông người Việt gửi gắm.

Vậy mà cái lạ thành quen, cái quen nay thành... lạ.

Cái sự lạ kia chẳng phải phải bỗng dưng mà có, chẳng phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai. Nếu mười năm trước ta không để cho đàn sư tử đá ngoại lai xâm lăng, hẳn nay không có người trợn mắt kêu con nghê là "lạ hoắc". Một văn bản hành chính về hiện vật ngoại lai trong di tích còn lâu mới lấp được cái khoảng trống huyếch, trống hoác của nhận thức người dân về di sản của chính mình.

Nhưng số phận con nghê, con sấu có lẽ vẫn chưa hết long đong. Một nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng đăng đàn thuyết rằng con nghê - con lân - con sấu thực ra là một, chỉ là các vùng miền gọi theo cách khác nhau. Nhà nghiên cứu khác lại bảo con nghê được hình tượng hóa từ con chó, còn con sấu có nguyên gốc là con sóc. Lại có nhà nghiên cứu đầy uy tín bảo rằng con sấu vốn dĩ là con chồn, con cáo được dân gian tưởng tượng thêm. Lại một khoảng trống nữa lộ ra, đó chính là khoảng trống trong nhận thức của chính giới nghiên cứu.

Câu chuyện về con nghê, con sấu chưa có hồi kết. Việc sư tử lạ được biến thành quen, không phải một sự lạ, với cung cách quản lý văn hóa thế này.