Người kể lịch sử bằng âm nhạc

|

Trong căn hộ tập thể ở khu Ngoại giao đoàn (TP Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên đón chúng tôi bằng một nụ cười thường trực và hồ hởi: “Thời tiết thay đổi, tôi hay mệt, sức khỏe không tốt cho nên tôi không nhớ nhiều chuyện đâu…”. Nhưng khi bắt đầu, câu chuyện về âm nhạc, về cuộc sống được người nhạc sĩ hiền hậu ấy chia sẻ bằng giọng nói trầm ấm, lại mạch lạc và chính xác đến từng chi tiết nhỏ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tự hào và âu yếm khi nhắc về người vợ của mình (PGS, TS Nguyễn Ánh Tuyết, từng là trưởng khoa mầm non đầu tiên của Trường Sư phạm mẫu giáo T.Ư): "Vợ tôi không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn giúp tôi sáng tác. Chính những hiểu biết của cô ấy về tâm lý trẻ em đã giúp tôi viết được nhiều tác phẩm thiếu nhi được yêu mến như vậy".

Thế hệ 7x, 8x, thậm chí cả lũ trẻ bây giờ đều thuộc, hát lúc vui chơi hay cả trong những giờ âm nhạc ở trường với các ca khúc quen thuộc như Chú voi con ở bản Ðôn, Cô và mẹ, Trường chúng cháu là trường mầm non, Ðêm pháo hoa, Chiếc đèn ông sao… Khi lớn hơn một chút, hầu như học sinh phổ thông nào cũng nằm lòng những ca khúc Tiến lên đoàn viên, Hành khúc Ðội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau giữa trời thu
Hà Nội...

Gắn bó với tuổi thơ là thế, nhưng những ca khúc ấy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tài sản âm nhạc của ông. Các tác phẩm cách mạng mới chính là những ca khúc tiêu biểu gắn bó với người nhạc sĩ này. Năm 1958, ông công tác tại Ðài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó đến năm 1975, ông đã có nhiều bài hát được khán thính giả yêu mến như Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Từ một ngã tư đường phố, Nơi ấy Trường Sa…

Ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 2-5-1975 (ảnh tư liệu).

Thật khó để nhớ được cả gia tài đồ sộ với gần một nghìn tác phẩm, nhưng khi trò chuyện về những bài hát của ông từng xuất hiện trên Báo Nhân Dân, nhạc sĩ Phạm Tuyên đưa chúng tôi trở lại những thời khắc xúc động và vui sướng tột cùng của toàn dân tộc trong ngày thống nhất đất nước, bằng giọng kể ấm áp và trí nhớ minh mẫn. Trong số này, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn mang một sức sống đẹp đẽ trong trái tim mỗi người Việt Nam dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Có lẽ, không một người Việt nào lại không thuộc những lời ca: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam Hồ Chí Minh".

Ðêm 28-4-1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của Ðài Tiếng nói Việt Nam, có tin phi công Nguyễn Thành Trung đã ném bom vào Dinh Ðộc Lập, từ 21 giờ 30 phút đến khoảng 23 giờ, ông đã viết xong ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng. Sáng 30-4, nhạc sĩ được Ban Biên tập Ðài triệu tập và bài hát này đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17 giờ khi Việt Nam chính thức công bố trước toàn thế giới tin giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ðiều thú vị là chỉ hai ngày sau khi được công bố, bài hát đã xuất hiện trên Báo Nhân Dân số ra ngày 2-5-1975. Nhạc sĩ kể lại, Giám đốc, Tổng Biên tập Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (lúc đó là nhà báo Trần Lâm) đã đề nghị đăng bài hát trên Báo Nhân Dân để người dân được biết đến rộng rãi hơn. Nhờ vậy, bài hát cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để vang lên ở nhiều nước như Nga, Ðức, Cu-ba, Trung Quốc...

Tuy nhiên, đây không phải là bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Tuyên xuất hiện trên Báo Nhân Dân. Ông kể rằng, giữa đợt máy bay B52 Mỹ ném bom xuống Thủ đô Hà Nội, nhạc sĩ đã viết "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ" trong đêm 27-12-1972 dưới hầm trú bom của Ðài Tiếng nói Việt Nam. "Lúc đó anh Trần Lâm bảo: Bài này quyết liệt đấy. Ðúng là Ðiện Biên Phủ trên không. Rồi anh Trần Lâm nói, phải đưa bài hát này đến Báo Nhân Dân để in. Vậy là sáng hôm đó, vừa dứt đợt báo động, đường phố còn vắng tanh, tôi đã đạp xe đến tòa soạn Báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống. Lúc này, Báo Nhân Dân cũng đi sơ tán, chỉ còn vài người ở lại trực, nhận tin bài", nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại.

Khi đạp xe đến Báo Nhân Dân, nhạc sĩ Phạm Tuyên gặp nhà báo Thép Mới và nhà báo Hữu Thọ đang ngồi trên ghế đá dưới gốc cây đa. Hai người đề nghị ông hát bài đó. Nghe xong, hai nhà báo đều cho rằng, Báo Nhân Dân nên đăng bài hát này và động viên nhạc sĩ, nhờ người chép lại cho đẹp để báo lên khuôn, in ngay trong ngày hôm sau, cùng với chuyên mục mới Hà Nội - Ðiện Biên Phủ. Ông đã nhờ người trực ở Ðài Tiếng nói Việt Nam hôm đó là nhạc sĩ Phan Nhân (vốn chép nhạc rất đẹp) chép lại. Bản nhạc được gửi gấp sang Báo Nhân Dân sau đó. Số báo ngày 29-12-1972, ca khúc đã được in trang trọng trên trang 3.

Về sau, cuộc gặp gỡ dưới gốc đa Hàng Trống của họ đã được nhà báo Hữu Thọ ghi lại trong tập thơ văn "Hà Nội mười hai ngày ấy" (NXB Văn học, 1973) như sau: "Buổi sáng ngày 28-12-1972, một nhạc sĩ đến tòa soạn. Anh mang tới một bản nháp bài nhạc mới làm đêm qua. Trên ghế đá, dưới gốc đa, anh hát cho mọi người nghe. Mọi người đều biết: Bom địch ném vào khu anh ở. Chiếc dương cầm của anh bị hỏng. Nhưng anh muốn đóng góp tâm hồn mình vào cuộc chiến chung. Bài hát "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ" ra đời như thế! Hôm sau, bài hát được đăng trên một tờ báo. Cũng tối hôm đó, Ðài phát thanh dựng bài đầu tiên về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu của ta phát đi muôn phương".

Sau năm 1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục có nhiều ca khúc nổi tiếng được phổ biến như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào (thơ Bùi Văn Dung), Màu cờ tôi yêu (thơ Diệp Minh Tuyền), Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình). Nhạc sĩ khẳng định: "Nhiều người ưu ái nói rằng tôi là người viết biên niên sử bằng âm nhạc, nhưng thực chất, tôi có chủ định làm thế đâu. Tôi may mắn được sống và làm việc trong môi trường báo chí cho nên có nhiều cảm xúc, mà thật ra đó là cảm xúc của mọi người, của nhân dân, trong đó có tôi, và tôi đã viết ra những ca khúc từ những cảm xúc như thế". Bởi vậy, các bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên được viết ra rất nhanh, bám sát kịp thời hơi thở thời đại, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của Ðảng và Nhà nước. Nhạc sĩ Văn Ký từng nói: "Sáng tác của Phạm Tuyên có tính tư tưởng cao, tính khái quát, tính lịch sử và có tính phổ biến cao, rất dễ hát, được quần chúng đón nhận".

Ca từ trong những bài hát cách mạng của nhạc sĩ Phạm Tuyên giản dị, dễ thấm vào lòng người nghe, bởi ông biết chọn lọc ngôn từ. Ban đầu, nhạc sĩ chỉ nghĩ rằng, những bài hát của ông được viết ra trong lúc tâm trạng phấn khởi, dạt dào cảm xúc; có lúc như một sự động viên chính mình và mọi người; sau đó ông nhận ra truyền tải thông tin qua âm nhạc sẽ gây ấn tượng mạnh, giúp người nghe nhận thức nhanh trước yêu cầu thực tế. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, có lần nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhắc ông: Trong chiến tranh, âm nhạc cũng chính là vũ khí, chứ không phải chỉ để giải trí. Nếu biết sử dụng, nó sẽ mang lại sức mạnh cụ thể.

Ở mảng ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nhiều tác phẩm có giai điệu, ca từ dễ nhớ, dễ gần, tính hình tượng cao. Chẳng hạn như viết về Ðảng là một đề tài không dễ, có thể rơi vào tình trạng khô cứng về cảm xúc âm nhạc, khuôn sáo về ca từ, nhưng ông vẫn sáng tác được những bài hát rất hay như Ðảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng (năm 1959), Ðảng cho ta cả một mùa xuân (năm 1960) và Màu cờ tôi yêu (năm 1980). Nói như nhạc sĩ, nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: "Ba bài hát về Ðảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cỗ xe tam mã, hướng con người về một lý tưởng cao đẹp".

Phần thưởng lớn nhất đối với nhạc sĩ Phạm Tuyên chính là sức sống của những bài hát đi cùng năm tháng như lời ông chia sẻ.

Vẫn đọc sách mỗi ngày, tập thể dục để duy trì sức khỏe, trong đôi mắt nhân từ và biết cười của người nhạc sĩ đã gần 90 tuổi ấy vẫn tràn đầy xúc cảm, niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời.