NXB Kim Đồng, một trong những đơn vị làm sách cho trẻ nghiêm túc và ổn định nhất, cũng là nơi thường xuyên kêu gọi, thu hút các tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Nổi bật nhất là cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi, một dự án do Đan Mạch hỗ trợ, kéo dài trong hai năm 2013-2015. Bên cạnh đó, những đợt giới thiệu tác phẩm mới như bộ sách “Thiên nhiên đất nước ta”, hay tái bản các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng cũng là những nỗ lực của NXB nhằm khơi thông dòng chảy văn học thiếu nhi.
Tuy nhiên, không khó để thấy, những tác phẩm văn học nước ngoài vẫn là chủ đạo, ngay cả ở trong các chiến dịch quảng bá của NXB. Thực tế cho thấy, số đầu sách thiếu nhi của các nhà xuất bản, ngay cả với Kim Đồng hay Nhã Nam, những đơn vị làm sách có uy tín và khá kỹ lưỡng trong mảng văn học thiếu nhi, cũng chỉ chiếm khoảng 20-30%, và đều thua kém về mặt quảng bá, giới thiệu so với sách dịch. Ngay cả đối với đối tượng độc giả nhí, lựa chọn đầu tiên bao giờ cũng là sách thiếu nhi. Em Thành Nguyên, 8 tuổi, ở Thanh Xuân cho biết, truyện thiếu nhi nước ngoài nhiều và hấp dẫn hơn, trong khi truyện trong nước có ít, truyện dành cho lứa tuổi của em lại càng không nhiều, cho nên mỗi khi mẹ đưa đi nhà sách là em lại tìm chọn cho mình những cuốn truyện nước ngoài phù hợp.
Xã hội ngày một phát triển, với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật, khiến cho trẻ em ngày nay ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc giải trí hoặc cung cấp kiến thức cho mình. Mạng Internet, điện thoại thông minh ngày nay đã làm nhiều phần việc mà trước kia chỉ có sách mới làm được. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế này và coi đó là một thách thức không nhỏ đối với những người làm công việc sáng tác cho thiếu nhi.
Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, nguyên Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho rằng, để tìm hiểu rõ nguyên nhân, cần phải có những nghiên cứu đầy đủ về mặt xã hội học. Theo bà, hiện nay cuộc sống phát triển, trẻ em có nhiều sân chơi, sách không phải là phương tiện duy nhất để các em tìm hiểu khám phá cuộc sống như ngày xưa. Thí dụ như có những tác phẩm cách đây độ năm năm thì in được, nhưng bây giờ trẻ em quá thông minh, cái gì cũng biết, lên mạng nhoay nhoáy, nếu như tác giả không hiểu biết về các em, về tâm lý hoặc thực tiễn cuộc sống hiện nay các em cần gì, thích gì, viết những điều không đúng với các em, thì chính các em sẽ quay lưng lại. Cuộc sống đương đại hiện nay phát triển, trí tuệ của bạn đọc cũng ở mức rất cao, đó cũng là một áp lực đối với người viết và các NXB”.
Bà Lê Thị Dắt chia sẻ ở góc độ một người từng tham gia làm sách thiếu nhi: “Lâu nay chúng ta thường áp đặt cách nhìn của chúng ta lên trẻ nhỏ, viết sách và giáo dục chúng cũng theo hướng nhìn của chúng ta. Tôi, bạn và các phụ huynh đều thấy rõ điều đó. Các em ở tuổi đó là tuổi thần tiên, đối với các em cuộc sống là muôn màu muôn vẻ, hai cộng với hai không phải lúc nào cũng thành 4, trời có khi không phải màu xanh mà là màu đỏ. Sức tưởng tượng trong trẻ rất phong phú, nếu như mình giáo dục máy móc khô cứng, thì trẻ sẽ không chịu, vì thế phải tìm cách. Chẳng hạn muốn nói với các em là các con phải yêu Tổ quốc, thì phải dạy chúng thông qua tình yêu thiên nhiên, yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, đằng sau những điều đó chính là tình yêu Tổ quốc. Bắt đầu từ những điều bình dị nhất để dạy con trẻ, dần dần khi lớn lên, các em cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp ấy, và vươn tới những điều đẹp đẽ nhất”.
Nếu như trước kia, đội ngũ các nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi hoặc quan tâm đến mảng văn học này rất hùng hậu với nhiều tên tuổi lớn như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Trần Hoài Dương…, thì ngày nay số lượng chỉ quanh quẩn khoảng trên dưới 20 người, như Nguyễn Phương Liên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan…
Nhà văn Nguyễn Phương Liên, một trong những người gắn bó lâu năm với công tác văn học thiếu nhi cho rằng, lâu nay những người viết cho thiếu nhi chưa thực sự được. Nhà văn nói: “Đôi khi trong làng văn, những người viết cho thiếu nhi chưa được coi trọng lắm. Cứ phải những người có những tác phẩm lớn, chạm đc đến những vấn đề xã hội lớn mới được coi là người viết có tên tuổi”.
Còn PGS, TS Vân Thanh, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi cho rằng, bản thân mảng văn học thiếu nhi cũng chưa được coi trọng. Ở Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học thiếu nhi chấm dứt hoạt động từ năm 2010, sáp nhập chung vào với Ban văn học chuyên đề cùng với văn học an ninh, quốc phòng… Mãi đến năm 2015, Ban Văn học thiếu nhi mới được thành lập trở lại với nhà văn Nguyễn Đức Tiến làm trưởng ban.
Cùng với sự trở lại của Ban Văn học Thiếu nhi, sự khởi sắc của văn học thiếu nhi bắt đầu từ hội sách quy mô lớn nhân ngày 1-6 tại Văn Miếu vừa qua cũng nhen nhóm lên hy vọng sẽ khơi thông trở lại dòng chảy văn học đặc biệt này, để trẻ nhỏ có thêm nhiều cánh cửa mở vào thế giới tâm hồn…