Căn nhà nhỏ nằm trên con phố sầm uất của TP Vĩnh Yên dường như không còn chỗ trống bởi trên tường, trong tủ hay góc nhà đâu đâu cũng thấy có ảnh. Những tấm ảnh đã cũ thấm mầu thời gian, nó không chỉ là ký ức, mà còn là di vật đáng trân trọng một thời kỳ xây dựng và phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc. Ông không nhớ rõ chính xác thời điểm cầm máy là lúc nào. Nhưng không thể tượng tưởng rằng, nghệ thuật nhiếp ảnh và kho ảnh lưu trữ của Vĩnh Phúc sẽ ra sao nếu không có những bức ảnh của ông.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Huy Cát sinh năm 1939, tại Việt Trì, Phú Thọ nhưng với gần 10 năm đi sơ tán cùng 30 năm dạy học tại Vĩnh Phúc đã tạo cho ông tình yêu với vùng đất này.
Niềm đam mê nhiếp ảnh của ông rất đơn giản. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ảnh, ông cụ thân sinh ra ông cũng là một nhà nhiếp ảnh có tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc năm xưa. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được theo cha cầm máy, nhìn quê hương, con người qua những khuôn hình và để từ đó niềm đam mê nhiếp ảnh đã ăn vào máu thịt của ông.
Khởi đầu từ “ Sắc Xuân” được đăng trên bìa báo Văn nghệ xuân đầu những năm 1990, đến nay ông đã có hàng nghìn tác phẩm, hàng chục giải thưởng trong và ngoài nước. “Đi trên nền thóc”, “Niềm vui của bà”, “Thảm xanh Tam Đảo”, “Thị trấn lên đèn”, “Phố đồi yêu dấu”… những tác phẩm không chỉ mang lại cho ông những danh hiệu, giải thường mà đó cũng chính là những hình ảnh có giá trị về lịch sử, quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc. Và có lẽ ở Vĩnh Phúc, ông là người duy nhất có “ngồn ngộn” tư liệu về các đô thị trong tỉnh bằng hình ảnh.
Xem ảnh của ông, hầu hết mọi người đều cho rằng các tác phẩm đều có những nét độc đáo riêng, thể hiện cá tính của người chụp. Ông tâm sự, nhiếp ảnh là sự ghi thật lại các khoảnh khắc, nhiều người coi đây là sân chơi nhưng với ông đây là một cuộc chơi nghiêm túc, nó cao cả thiêng liêng như một thứ đạo. Ba mươi năm làm thầy giáo dạy văn, làm thơ, yêu hội họa, nghiên cứu phê bình văn học đã tạo cho ông những cảm hứng sáng tác, sáng tạo trong mỗi một tác phẩm, gửi vào mỗi tác phẩm là một triết lý, một sự chiêm nghiệm về cuộc sống, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện được tính chân-thiện-mỹ, với mong muốn đem đến cho công chúng yêu nhiếp ảnh một cuộc sống có ý nghĩa tốt đẹp hơn. Theo ông, đạt giải thưởng, tham dự cuộc thi là điều đem đến cho người cầm máy nhiều cơ hội để học hỏi, nhưng sự sáng tạo tác phẩm chỉ dựa theo tiêu chí, khuôn mẫu của cuộc thi đặt ra, vì vậy ông đề cao sự sáng tạo trong tác phẩm mà không phải lệ thuộc vào hình thức nào.
Với ước muốn ghi lại được nhiều khoảnh khắc của quê hương và cả cuộc sống thường ngày, đã gần 80 tuổi song sức sáng tác của ông vẫn căng tràn, hằng ngày ông vẫn cầm máy rong ruổi trên những nẻo đường đến với các vùng quê để tiếp tục được sống với nghề, tiếp tục được sáng tạo. Ông là thế. Và, cũng chính vì thế mà hàng chục năm qua, ông vẫn đau đáu tâm niệm rằng, tác phẩm ưng ý nhất của mình chính là tác phẩm mà ông chưa chụp được…
Không chỉ đóng góp vào “kho tư liệu” hình ảnh của Vĩnh Phúc, ông còn là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc cách đây 40 năm.
Nhà thơ Hải Thanh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận xét về ông: “ Có thể nói 40 năm, trải qua những biến động dồn dập của lịch sử và trong những điều kiện hết sức khó khăn, thách thức, cùng cả nước, các văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc đã không ngừng phát huy trí tuệ và tâm huyết, lao động sáng tạo không mệt mỏi, để từ đó cống hiến cho quê hương đất nước nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm giàu thêm tâm hồn, trí tuệ nhân cách con người. Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Huy Cát là một trong những con người như thế. Nhiếp ảnh trong ông không chỉ là chụp lại khoảnh khắc về không gian, thời gian mà cái đặc biệt nhất của ông là sự lăn lộn, tìm tòi sáng tạo. Bằng những lao động nghệ thuật của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Huy Cát đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp nhiếp ảnh của Vĩnh Phúc nói riêng và Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc nói chung…”.
Hiện nay, người con trai của ông Võ Huy Minh cũng đang theo đuổi bộ môn nhiếp ảnh, anh đi nhiều, chụp nhiều nhưng theo ông nhiếp ảnh hay bất kỳ nghề nào cũng cần có tình yêu, song lớn hơn, cao cả hơn chính là nhiếp ảnh phải gửi gắm được khát vọng về cái đẹp, cái đẹp cứu rỗi nhân loại…