Những mảnh ghép lễ hội

|

NDO - NDĐT – Sau Tết, lễ hội ở các địa phương luôn là vấn đề nóng được báo chí và dư luận quan tâm. Đầu năm nay, một số địa phương đã cam kết và tìm ra được một số giải pháp để thay đổi. Thế nhưng, ở một số nơi, dường như vẫn chưa tìm được giải pháp nào thỏa đáng, và mọi việc vẫn trở lại như cũ.

“Nóng” nhất trong mấy ngày qua là hội cướp phết Hiền Quan (xã Tam Nông, Phú Thọ) ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch (27 và 28-2). Theo kế hoạch, sẽ chỉ có thanh niên của hai đội cướp phết (200 người), trọng tài và những người làm nhiệm vụ mới được vào sân. Quy định cũng nêu rõ là những người tham gia hai đội cướp phết không được sử dụng bạo lực trong quá trình giành quả phết, ngoài ra, người dân và du khách tuyệt đối không được vào khu vực sân tranh phết. Đồng thời, lực lượng an ninh, bảo vệ trật tự cũng được triển khai để bảo đảm an toàn, không cho người xem tràn xuống sân phết.

Tranh cướp phết trong lễ hội ở Hiền Quan. Ảnh: NGỌC LONG

Tuy nhiên, theo tường thuật của phóng viên NDĐT tại lễ hội, ngay khi quả phết đầu tiên được đưa ra bãi, đã có hàng trăm thanh niên vượt rào xông vào để tranh giành quả phết. Mặc dù không có hậu quả nghiêm trọng, không xô xát, nhưng sự hỗn loạn cũng đã khiến những người có mặt ở lễ hội hôm đó hoảng sợ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố “vỡ trận” cướp phết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi công văn khẩn số 691 ngày 28-2 do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký, gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội cướp phết Hiền Quan.

Công văn nêu rõ, việc lễ hội Phết Hiền Quan đã để xảy ra tình trạng hỗn loạn, tranh cướp, không thực hiện theo kế hoạch của địa phương về việc chấn chỉnh công tác tổ chức đối với lễ hội này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND huyện Tam Nông có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội phết Hiền Quan, không để tiếp tục xảy ra tình trạng bạo lực, phản cảm trong lễ hội.

Công văn của Bộ cũng cho rằng, trong trường hợp không có phương án bảo đảm an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe của người dân để xảy ra tình trạng bạo lực, tranh cướp phản cảm trong lễ hội, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng tổ chức lễ hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Phú Thọ nghiên cứu, đề xuất phương án phục dựng lễ hội đúng với nghi thức của lễ hội truyền thống bảo đảm văn minh, lành mạnh.

Ngược lại với lễ hội cướp phết, một lễ hội khác cũng với xu hướng “cướp lộc” như vậy là lễ hội cướp hoa tre ở đền Sóc (Khu Du lịch – Di tích đền Sóc Sơn, Hà Nội) lại diễn ra khá yên bình.

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, năm nay, để tránh hiện tượng tranh cướp lộc gây phản cảm ở hội Gióng - đền Sóc, Ban tổ chức đã làm việc với nhà khoa học, cộng đồng và đồng thuận theo hướng sau khi làm lễ, giỏ hoa tre và trầu cau sẽ được tất lộc cho mọi người, bảo đảm truyền thống và an toàn cho lễ hội...

Rước giỏ hoa tre trong lễ hội đền Sóc. Ảnh: GIANG NAM

Ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng đã cho biết cụ thể những thay đổi tại lễ hội Lễ hội năm nay như không còn đoàn rước lễ vật từ đền Thượng xuống đền Hạ như các năm trước để tránh hiện tượng cướp lễ vật hoa tre. Ngoài ra, Ban Tổ chức chỉ đạo các thôn làng chuẩn bị chu đáo lễ phẩm, lễ vật, chọn lực lượng tham gia đoàn rước, bảo đảm an toàn cho đoàn rước nhưng không sử dụng gậy gộc.

Chính vì thế, lễ hội đền Sóc năm nay diễn ra an toàn. Giỏ hoa tre cũng như lễ vật trầu cau của các thôn dâng lên, sau khi cung tiến được chuyển vào hậu cung đền Thượng, san sẻ để lễ tại đền Hạ và đền Mẫu, rồi ban tổ chức và Hội người cao tuổi tất lộc cho mọi người một cách nhẹ nhàng, trật tự, không xảy ra tranh cướp.

Đây là hai thí dụ điển hình cho thực trạng lễ hội đầu năm nay. Sự khác biệt ở các địa phương cho thấy, chỉ khi nào tìm được cách tổ chức lễ hội phù hợp, và quan trọng là tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho người tham gia lễ hội, thì mới hạn chế và xóa bỏ được những hình ảnh phản cảm. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trước khi lễ hội diễn ra, đoàn công tác của Sở đã phải xuống địa phương gặp gỡ, thuyết phục lãnh đạo huyện, người dân… để tạo sự đồng thuận cho việc thế nào là cướp lộc và tất lộc như thế nào để vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống nhưng phải bảo đảm không phản cảm.

Quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là, mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, Bộ chỉ đưa ra những nguyên tắc chung, các địa phương cần phải căn những đặc thù lễ hội của địa phương mình để đưa ra giải pháp xử lý. Kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, sao cho người dân hiểu được những giá trị tốt đẹp về văn hóa truyền thống của lễ hội, từ đó thay đổi tâm thế đi lễ hội, không phải là chỉ cầu tài lộc, mà còn là cầu phúc, cầu bình an, cầu cho quốc thái dân an. Chỉ khi đó, những lễ hội dân gian mới được trở về đúng với giá trị của nó từ khi được hình thành.