Nếu thống kê những phố nghề truyền thống, phải đến cả trăm. Nghề nào cũng có những nét đặc biệt. Giản dị như con dấu gỗ, giá chỉ bằng hai bát phở, có thể gặp ở bất cứ góc phố nào cũng chứa đựng bao nét tài hoa. Cầm trong tay con dao khắc, người thợ bỗng hoá thành nghệ sĩ, thoáng chốc, một bức tranh hiện lên trên mẩu gỗ mỗi chiều chỉ chừng 2 cm. Nhưng nếu đặt con dấu gỗ cạnh những đồ chạm bạc, thì vẫn thua rất xa về độ tinh xảo... Dẫu vậy, nếu được chọn một nghề xứng đáng được gọi là "tinh hoa của tinh hoa" trong khu phố cổ, tôi chọn nghề khắc chữ trên những quả chuông đồng...
Ông Nguyễn Đăng Hiển ở phố Hàng Vải tự nhận mình là một người thợ đồng. Còn với tôi, từ "nghệ nhân" với ông có lẽ vẫn còn khiêm tốn. Khi ông cầm cây dùi đục bên quả chuông, người ta ngỡ như một thư gia đang phóng ra những nét bút đầy khí lực. Tay búa, tay đục, tiếng lách cách khi nhặt khi mau... Những nét chữ Nho hiện dần lên trên quả chuông mầu xám cùng với nhịp búa. Đây là nét "tà điểm" (nét chấm nghiêng) mềm mại, đây là "sổ" (nét thẳng đứng) dứt khoát, khỏe khoắn... Cây dùi đục trong tay ông khi tàng, khi lộ với phong thái thư gia. Buổi làm việc kết thúc, cũng là lúc những bài kệ, bài minh hiện lên lấp lánh trên quả chuông.
Chạm đồng khó. Chạm chữ Nho trên đồng là đỉnh cao, đòi hỏi phải tinh thông nghề chạm, lẫn tinh thông Hán học. Ông Hiển sinh năm 1946 trong một gia đình làm đồ đồng ở làng Quảng Bố (huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Cụ thân sinh ra ông sớm đưa gia đình lên Hà Nội lập nghiệp. Gia đình vốn có truyền thống Nho học nên cậu bé Hiển học Tam tự kinh, Tam thiên tự từ nhỏ. Ngày cầm dùi đục học nghề đồng, tối luyện bút lông. Khi sành cổ học, cũng là lúc thạo nghề chạm đồng. Một lần, có người nhờ ông khắc những chữ Nho lên quả chuông đồng. Ngày ấy, để khắc chữ lên quả chuông đồng, người ta đặt một tờ giấy viết chữ lên thân chuông, rồi cầm dụng cụ gõ lên theo những nét chữ lên tờ giấy. Chữ viết sẽ hằn lên trên mặt đồng. Sành Nho học, ông Hiển thấy "tức cười". Làm thế chẳng khác nào viết thư pháp... bằng bút bi, còn đâu hồn cốt, tâm thế của người cầm bút? Ông nhớ trên những quả chuông cổ, trên bề mặt đồng, mà nét chữ được chạm như chữ viết của bậc đại bút. Nguyễn Đăng Hiển nảy ra ý định chạm chữ trên đồng. Nghệ thuật chạm chữ trên đồng thất truyền. Ông mày mò tự học. Bề mặt đồ đồng cứng. Để tạo chiều sâu cho nét chữ, mỗi nhát đục, là một lần thân chuông được khoét sâu vào. Không thể gõ quá nhẹ. Quá mạnh tay thì nét đục lạc khỏi khuôn khổ. Chữ Nho lại có những yêu cầu chặt chẽ lối viết, cùng một nét, nhưng phải bảo đảm "đầu nặng, đuôi nhẹ". Có những nét như nét chỉ được phép chạm mong manh không bằng đầu tăm mà lại vẫn phải phân biệt được với nét chữ tương tự. Viết chữ trên giấy, nếu chẳng may viết sai có thể thay tờ giấy khác, chạm chữ trên đồng thì không. "Thánh Quát" xưa treo tóc lên đầu rèn chữ, thì với "thiết bút" (bút sắt, tức cây dùi đục) Nguyễn Đăng Hiển cũng còng lưng luyện chữ trên đồng... Những người nặng lòng văn hóa cổ mau chóng nhận ra bậc "kỳ bút" Nguyễn Đăng Hiển từ những tác phẩm đầu tiên. Cứ muốn khắc chữ trên chuông là người ta tìm đến ông Hiển. Khắc chữ theo lối "viết bút bi" thi thoảng vẫn có người làm. Riêng chạm kiểu "tách tỉa" như ông Hiển chỉ có một. Từng nét chữ có độ khúc xạ ánh sáng, có chiều sâu rất đẹp. Chưa ai không kinh ngạc trước tay chạm của ông Hiển.
Ảnh Vũ Ngọc Vượng đang nấu phở.
30 năm làm nghề, chạm gần 5.000 quả chuông đồng, ông Nguyễn Đăng Hiển chưa tìm được học trò chân truyền. Người biết nghề đồng tìm đến ông học, thấy chữ Nho khó quá, bỏ cuộc. Lớp thư pháp ông dạy có hàng trăm học sinh giỏi Hán tự, nhưng sờ đến cây dùi đục lại phát sợ. Chưa ai dám theo nghề. Có lẽ gọi ông là "thư pháp gia trên đồng" mới phù hợp.
Phố nghề là đặc sản của Hà Nội. Phố nghề, đứng ở vị trí trang trọng trong bề dày văn hóa ngàn năm. Nhưng nếu hỏi phố nghề nào được tạo nên bởi chính những con người sinh ra ở mảnh đất này? Sẽ là câu hỏi khó trả lời. Tôi từng rất ngưỡng mộ những người được xem là người Hà Nội gốc. Nhưng khi hiểu về lịch sử các con phố, tôi bắt đầu thấy băn khoăn... Lập nên phố Hàng Đào xưa là người dân làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương) và một số làng có nghề nhuộm ở Bắc Ninh. Phố Hàng Mành vốn "của" người làng Giới Tế (Yên Phong, Bắc Ninh). Thợ bạc Châu Khê (Hải Dương) là những người góp phần lập ra phố Hàng Bạc... Có thể kể rất nhiều thí dụ. Bộ mặt văn hóa Thăng Long do bàn tay của những con người ở khắp mọi miền chung đúc lên. Nhưng cũng không khó để nhận ra, những con người tứ xứ ấy đã "khác", khi về với Thăng Long - Hà Nội. Điều gì đã xảy ra khi người ta tụ về đất này? Liệu những nghệ nhân như ông Nguyễn Đăng Hiển và bao nhiêu người thợ khác có trở nên tài khéo đến tuyệt kỹ nếu họ cứ ở những làng quê xa xôi thay vì đến với kinh đô - Thủ đô?
Nói đến văn hóa Hà Nội, không thể không nói đến ẩm thực. Nói đến ẩm thực, đầu tiên phải là món phở. Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng, chủ của chuỗi bốn, năm quán phở thương hiệu "phở Ngọc Vượng" bảo rằng: "Cho đến giờ, không có tài liệu xác thực nào khẳng định phở có nguồn gốc từ Nam Định hay Hà Nội. Nhưng có điều chắc chắn rằng, phần lớn chủ những hiệu phở của Hà Nội suốt những năm qua là người gốc Nam Định". Thông tin này có thể làm những người yêu "Hà Nội gốc" chạnh lòng. Song quả không sai. Nam Định có cả làng nghề phở - làng Vân Cù, ở huyện Nam Trực. Người làng Vân Cù lập nghiệp ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc đến giờ. Ngay đến quán phở 48 phố Hàng Đồng, quán phở Chất (phố Khâm Thiên) - những quán được coi là "rất Hà Nội", chủ quán cũng là người gốc thành Nam thì đủ biết phở Nam Định có ảnh hưởng đến ẩm thực Thủ đô thế nào. Có một điều thú vị là nhiều chuyên gia ẩm thực nhận định: Bát phở của những người gốc Nam Định nấu ở Hà Nội thanh tao hơn phở thành Nam. Không ít người còn cho rằng, phở Hà Nội còn ngon hơn! Đem điều này hỏi Vũ Ngọc Vượng - một "người trong cuộc", anh là người làng Vân Cù nấu phở ở Hà Nội - anh bảo rằng, trên "nền" cái công thức chung, khi đi đến đâu, người làng Vân Cù đều có những thay đổi cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Người Hà Nội sành ăn, phong vị người Hà Nội tinh tế, người nấu phở phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu là lẽ tất nhiên. Câu trả lời của nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng dành riêng cho phở. Nhưng, cũng có thể coi đây là lời lý giải về văn hóa Hà Nội nói chung. Là đất "sơn chầu, thủy tụ" nên Thăng Long - Hà Nội có sức hút người tài khéo các vùng. Khi đến đây, sự thanh nhã, tinh tế trong các nếp ứng xử, trong hưởng thụ văn hóa của người Hà Nội đã góp phần làm những tài năng ấy được thăng hoa.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu không thừa nhận khái niệm "người Hà Nội gốc". Hà Nội "tụ nhân, tụ thủy". Suốt nghìn năm, có bao nhiêu anh tài tứ phương đã đến và làm rạng danh văn hiến Thăng Long. Từ năm 2010, TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú". Mỗi năm chỉ có mười người. Những con người được vinh danh thời gian qua đều đem đến sự nể phục ở những góc độ khác nhau. Và nếu tìm hiểu tiểu sử những con người ấy, càng hiểu thêm bốn chữ "tụ nhân, tụ thủy". Những con người ưu tú nhất của Thủ đô hôm nay, người đến từ miền trung, xứ Nghệ, người đến từ vùng văn hóa xứ Đông, người đến từ xứ Nam... Hẳn rất nhiều người ngạc nhiên khi biết cố nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, nhà Hà Nội học, một người "rất Hà Nội" lại sinh ra ở Hưng Yên. Một công dân Thủ đô ưu tú khác, người được xem là người "giữ nếp văn hóa Tràng An" với hơn 30 đầu sách về Hà Nội - nhà nghiên cứu Giang Quân thì đến từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Tôi từng "căn vặn" bác Giang Quân về văn hóa Hà Nội, khi gần đây xã hội xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử, khi làn sóng nhập cư ngày càng nhiều, có chiều hướng lấn át những người Hà Nội lâu năm. Nhà nghiên cứu thừa nhận những mặt tiêu cực là có thật. Song ông tin tưởng vào sự trường tồn của cái đẹp: "Những người mới đến vẫn quen nếp sống ở các vùng, chưa phù hợp với đời sống đô thị. Nhưng dần dần, họ sẽ phải thích nghi, phải học theo cái hay, cái đẹp của người Hà Nội. Khi chúng ta kết hợp với những chính sách phù hợp, những nét văn hóa không phù hợp với Thủ đô sẽ bị đào thải bởi thời gian".
Hà Nội hôm nay khác xa so với thành phố nhỏ bé hồi mới được giải phóng. Hà Nội rộng hơn, vươn cao hơn, và cũng có nhiều thành phần dân cư hơn. Tôi nhớ câu chuyện của nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng. Thủơ nhỏ anh sống ở quê. Lớn lên, anh chọn Hà Nội lập nghiệp. Năm 2006, khi còn rất trẻ, anh được trao giải nhất trong cuộc thi nấu phở tại khách sạn Sofitel Metropole - một giải thưởng danh giá khi có sự góp mặt của nhiều "bàn tay vàng" ẩm thực đất Hà thành. Hiện sở hữu chuỗi quán phở ở Hà Nội, anh ấp ủ một ngày nào đó, sẽ mở rộng ra đến các nước trên thế giới. Bởi phở Hà Nội không thua kém bất cứ món ăn quốc tế nào. Anh sinh năm 1977, nay người ta hay gọi là thế hệ 7x - hiện thân của một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm. Hy vọng lắm, một ngày kia, Vũ Ngọc Vượng làm rạng danh cho phở Hà Nội trên trường quốc tế. Và cũng hy vọng lắm, sẽ tiếp tục có thêm những thế hệ 8x, 9x tiếp tục gắn bó, xây dựng Thủ đô thêm giàu đẹp. Nghĩ đến dòng chảy của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, những con người đã và đang góp phần xây dựng Thủ đô, tôi bỗng nhớ lời thơ của Nguyễn Phan Quế Mai: "Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi"...