Chứng khoán còn dư địa tăng trưởng

|

NDO - Thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021 ghi nhận những kỷ lục chưa từng có về tài khoản mở mới, thanh khoản các phiên giao dịch và chỉ số VN-Index. Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, sự tăng trưởng nhanh của thị trường cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được nhận diện, xử lý trong thời gian tới.

Tăng cao nhưng không bất thường

Thông tin đưa ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán vừa được Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức cho thấy, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng 25% trong sáu tháng đầu năm.

Tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới với thanh khoản nhiều phiên đạt hơn 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt hơn 105% GDP.

Hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có 500 nghìn tài khoản được mở mới trong sáu tháng đầu năm và con số này tiếp tục tăng lên. Dự kiến cuối năm có thêm khoảng 300 nghìn tài khoản mới, hướng đến mục tiêu có khoảng 5% tài khoản trên tổng dân số cả nước, tương đương năm triệu tài khoản chứng khoán.

Về khối ngoại, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là 49,5 tỷ USD.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho rằng, đây là sự tăng trưởng tốt, phù hợp của thị trường chứng khoán trong bối cảnh những tháng đầu năm, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch Covid-19.

Tăng trưởng GDP tuy thấp so với mục tiêu đề ra nhưng là mức ấn tượng so với các nước trong khu vực.

Thị trường tăng trưởng tốt còn nhờ dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất khá thấp và ổn định. Dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

“Tôi không nghĩ rằng thời điểm này là bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán nhưng đây là giai đoạn chúng ta cần kiểm soát chặt dòng tiền, cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, TS Nguyễn Sơn nhận xét.

Chứng minh cho quan điểm của mình, TS Nguyễn Sơn cho biết: Dòng tiền phát ra từ ngân hàng được kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát.

Hơn nữa, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng cao trong thời gian gần đây. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6, thị trường chứng khoán Mỹ tăng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%, các thị trường chứng khoán châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng hơn 12% so với đầu năm 2021.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán đầu năm 2021 có sự bất ngờ hơn là bất thường. Vì năm 2021 được coi là năm phục hồi kinh tế nhờ niềm tin vào vaccine.

Bên cạnh đó là tác động từ chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia kéo theo lãi suất xuống thấp vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu và những người trẻ có thu nhập tương đối đang đầu tư một lượng tiền đáng kể vào thị trường.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Về triển vọng thị trường, bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán nhà nước đánh giá, cơ hội sẽ thắng thế thách thức, vì những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường vẫn mạnh mẽ. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp niêm yết vẫn cải thiện, chính sách tiền tệ chưa có biến động trong ngắn hạn.

Đặc biệt, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán vẫn còn khi các kênh đầu tư khác như bất động sản chưa lấy lại được sự hấp dẫn. Nhưng sắp tới, một số cổ phiếu tăng nóng có thể sẽ điều chỉnh.

Để tăng sức hút cho thị trường chứng khoán bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc phòng Thị trường phái sinh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, HNX đã chính thức khai trương sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm trên thị trường phái sinh, hướng đến đa dạng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp và đã thu hút hàng trăm hợp đồng giao dịch…

Về sở hữu nước ngoài, Ủy ban chứng khoán nhà nước kỳ vọng các bộ, ngành sẽ tích cực phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm cập nhật các điều kiện tiếp cận thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn.

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cơ chế phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp để góp phần tăng thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi gần đây có thêm một số bước tiến, nhưng do nhà đầu tư nước ngoài còn gặp một số vấn đề như chưa thấy hài lòng về sự dễ dàng khi mở tài khoản giao dịch, khó tiếp cận thông tin về doanh nghiệp bằng tiếng Anh, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, tự do ngoại hối còn hạn chế… nên việc nâng hạng thị trường còn gặp không ít thách thức.

Để phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên bốn trụ cột, gồm tái cấu trúc hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán. Các vấn đề này được đặt ra trong nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.

Một giải pháp trọng tâm được Ủy ban Chứng khoán nhà nước triển khai trong sáu tháng cuối năm là tập trung trung thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường để bảo đảm tính nghiêm minh, kỷ luật cho thị trường.