“Đến từng ngõ, rõ từng nhà”
Lào Cai là tỉnh miền núi, có gần 200 km đường biên giới, với 25 dân tộc thiểu số chung sống, có trình độ dân trí, phong tục tập quán khác nhau, vì vậy Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực đổi mới công tác dân vận của chính quyền và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến các xã, thôn, bản, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng tôi đến thôn Cốc Phương, xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, gặp Tổ trưởng tổ Tuyên vận Thào Hà vừa từ trên nương dứa trở về. Gạt mồ hôi, anh Thào Hà giải thích: Hôm nay, tổ tuyên vận phân công các thành viên đến tận nương để giải thích cho người dân tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Khác với trước đây, tuyên truyền và vận động thực hiện không liền nhau, có sự gián đoạn, thì nay giải thích cho mọi người hiểu xong, các thành viên tổ tuyên vận đến ngay nương dứa đổi công của nhà anh Hoàng Vư, miệng nói tay làm, hướng dẫn người H’Mông, người Dao ở đây cách sử dụng chế phẩm sinh học được sản xuất trong nước, có trong danh mục sử dụng để kích thích dứa đậu quả. Bằng cách này, người dân đã hiểu rồi làm theo rất nhanh và thuần thục.
Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng ban Tuyên vận xã Bản Lầu Vũ Đức Luận cho biết, toàn xã hiện có 15 tổ tuyên vận, đảm nhiệm công việc tuyên giáo và dân vận ở 15 thôn, bản địa phương. Ở địa bàn xã miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, các tổ tuyên vận nắm chắc đường lối, nghị quyết của đảng bộ cấp trên; thường xuyên sâu sát từng thôn, bản theo phương châm “đến từng ngõ, rõ từng nhà”; vận dụng tổng hợp các phương thức tuyên truyền, trong đó lấy tuyên truyền miệng làm chính, nên đạt hiệu quả cao trong các phong trào thi đua như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng mô hình dòng họ tự quản, thôn, bản và cụm dân kết nghĩa biên giới... Đến nay, ở các thôn biên giới của xã Bản Lầu, người H’Mông, Dao đã trồng hơn 700 ha dứa và chuối xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng, không còn hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, trong đó xã Bản Lầu là một trong hai địa phương đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất của huyện Mường Khương.
Tại huyện Bảo Thắng, kể từ tháng 5-2020, Đảng ủy và UBND thị trấn Phong Hải quyết định thực hiện “Ngày thứ ba không viết, ngày thứ sáu không đợi”, theo đó cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận một cửa của thị trấn tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu của người dân; sau đó kiểm tra ngay tại chỗ để thông báo về việc còn thiếu giấy tờ, thủ tục gì cần bổ sung; cuối cùng là tự tay điền giúp thông tin vào phiếu ghi thông tin về khai sinh, hộ khẩu hoặc đất đai..., bảo đảm chính xác, rõ ràng, không để người dân phải tự ghi như trước đây dẫn đến bị thiếu, nhầm lẫn hoặc chữ xấu, khó đọc. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức thực hiện khẩu hiệu “làm xong việc, chứ không làm hết giờ”, tất cả các hồ sơ của người dân về giấy khai sinh, xác nhận theo yêu cầu sẽ được hoàn thành và trả ngay kết quả trong ngày, không hẹn thời gian đến thứ sáu hằng tuần như trước đây nữa.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải Lê Văn Dương, thực hiện mô hình này đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời giúp cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân, rèn luyện thái độ, phong cách phục vụ nhân dân tốt hơn. Từ khi thực hiện mô hình này, bộ phận một cửa của UBND thị trấn đã giải quyết được 2.830 hồ sơ đúng hạn, không có hồ sơ tồn đọng, không có kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan thủ tục hành chính, người dân hài lòng vì rút ngắn thời gian, giảm đi lại nhiều lần, đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Nhân lên những mô hình “Dân vận khéo”
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, đề án về đổi mới công tác tư tưởng, chính trị và tuyên truyền, vận động quần chúng giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các địa phương, đơn vị các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch gắn với tình hình thực tiễn. UBND tỉnh đã ban hành quy định về thực hiện công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại với nhân dân trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Chỉ tính riêng trong các năm 2018 - 2019, toàn tỉnh đón tiếp, trả lời thắc mắc, kiến nghị của hơn 5.600 lượt công dân, chủ yếu ở các lĩnh vực đất đai, chính sách, quản lý hành chính. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện 195 cuộc giám sát, 30 hội nghị phản biện và 335 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành đề án “Nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo trong giai đoạn hiện nay” với các chỉ tiêu, nội dung cụ thể; tập trung vào những việc mới, việc khó; gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở… Từ đây, việc xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ trong bốn lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và được thực hiện theo ba cấp: thành ủy, huyện ủy; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp). Nhiều mô hình “dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa như mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương” tại xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) của Đoàn Thanh niên; mô hình “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội cựu chiến binh các cấp; mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, mô hình “Dòng họ an ninh tự quản”, “Kết nghĩa thôn bản biên giới Việt - Trung” ở huyện Mường Khương… đã thật sự tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương.
Đến nay, tỉnh Lào Cai xây dựng được hơn 1.000 mô hình dân vận khéo, với gần 300 điển hình dân vận khéo, nổi bật là các mô hình trong xây dựng nông thôn mới, huy động nhân dân đóng góp được hơn 1.200 tỷ đồng, làm được hơn 5.000 km đường giao thông nông thôn. Đồng chí Lý Seo Dìn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, việc nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” đã huy động hệ thống chính trị toàn tỉnh cùng vào cuộc, chung sức giải quyết vấn đề từ cơ sở, góp sức đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh được cải thiện; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng được tăng cường, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.